Giải pháp nuôi biển bền vững: [Bài 3] Công nghệ, mấu chốt để phát triển
VBĐVN.vn - Để nuôi biển theo hướng công nghiệp đạt hiệu quả, cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi biển
Cần xác định, khi chuyển hình thức nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp, điều đầu tiên cần thực hiện là đổi mới công nghệ. Do đó, ngay từ bây giờ, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng phương án đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng trang trại, công nghiệp gắn với chế biến. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi biển để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, hình thành các tổ liên kết nuôi trồng thủy sản, tiến tới thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên biển và liên kết với các doanh nghiệp cung cấp và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định thu nhập cho người dân nuôi biển.
“Định hướng của chúng tôi về nuôi biển trong thời gian sắp tới là nuôi những loài thủy sản chủ lực, chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị các loài thủy sản trên đơn vị diện tích, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu”, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho hay.
Phú Yên cũng đã có định hướng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi biển gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng, quản lý, thu gom, xử lý chất thải và nước thải từ nuôi trồng thủy sản, phụ phẩm từ nuôi trồng gắn với chế biến thủy sản để gia tăng giá trị.
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến tới kiểm soát các nguồn thải công nghiệp vào đầm, vịnh, bãi biển; tổ chức thu gom nước thải sinh hoạt, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, hạn chế tình trạng xả nước thải thẳng ra đầm, vịnh, ven bờ biển; tổ chức hoạt động thu gom rác tại các bè nuôi trồng thủy sản, khu vực ven đầm, dọc biển”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở N-PTNT Phú Yên chia sẻ.
Còn tại Bình Định, ngành chức năng tỉnh này sẽ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển, nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bình Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hỗ trợ chuyển giao công nghệ nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các loài nuôi biển phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển.
“Chúng tôi sẽ hình thành khu sản xuất giống tập trung chất lượng cao và bảo tồn giống loài. Đa dạng hóa đối tượng nuôi biển, nhiều đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao đã có công nghệ chủ động sản xuất giống nhân tạo như: Cá giò, cá hồng Mỹ, cá tráp, cá chim vây vàng, cá mú; hàu Thái Bình Dương, tu hài; rong sụn, rong nho và tôm hùm”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.
Nuôi biển công nghiệp cần giải pháp công nghệ tiên tiến
Về giải pháp công nghệ, theo các chuyên gia, nghề nuôi biển của Việt Nam có 2 hướng tiếp cận công nghệ, một là tự xây dựng quy trình công nghệ, chuyển giao từ những mô hình đi trước ở trong nước; hai là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Đây là lĩnh vực chưa được ngành chức năng tổ chức bài bản. Xưa nay, người nuôi cứ học lỏm lẫn nhau, tự rút kinh nghiệm rồi tổ chức nuôi.
Chuyển giao công nghệ trong nuôi biển hiện còn rất nhiều hạn chế, nhất là chuyển giao công nghệ của nước ngoài hay từ nhà đầu tư nuôi biển ngoại quốc. Nghề nuôi biển của Việt Nam đã phát triển 10-20 năm nay mà chưa chuyển giao được công nghệ cho người nuôi là thiếu sót lớn về mặt chính sách, về mặt tổ chức thực hiện.
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, hiện nay công nghệ phục vụ nuôi biển khá đa dạng, vấn đề chúng ta cần giải quyết là con giống được sản xuất nhân tạo có chất lượng; sử dụng thức ăn công nghiệp, cung cấp thức ăn tự động; công nghệ nuôi biển hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị bệnh, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm tạo ra; cải tiến vật liệu, phương tiện, công cụ nuôi biển; cơ giới hóa thu hoạch, bảo quản, chế biến; sử dụng công nghệ thông tin, viễn thám,… giúp giảm bớt sức lao động, tối ưu chi phí đầu vào,… đây là những việc cần thực hiện khi chuyển nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp.
“Nuôi biển công nghiệp cần giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn, khác biệt hơn so với nuôi biển truyền thống; phải giảm được sức lao động, tăng được tỷ lệ sống vật nuôi, hiệu quả kinh tế hơn. Để làm được điều đó, cần sản xuất được con giống có chất lượng, tăng trưởng nhanh, kháng được bệnh; sử dụng thức ăn công nghiệp, cung cấp tự động, theo dõi môi trường, vật nuôi qua hệ thống camera, cảm biến giám sát tự động, sử dụng vật liệu mới trong thiết kế lồng bè,…
Để có được điều này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ triển khai thử nghiệm, đánh giá tính hiệu quả của các mô hình lồng nuôi mới ở các vùng nuôi biển, từ đó tiến tới xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống lồng, nhà bè phục vụ cho nuôi biển”, PGS.TS Võ Văn Nha chia sẻ.
Đình Thung - Kim Sơ (nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận