Giám sát truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác biển
VBĐVN.vn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang vừa tổ chức hướng dẫn, giám sát chặt chẽ sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển tại các bến cá, điểm lên cá trên địa bàn để chuẩn bị tiếp Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 5 tại Việt Nam về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo đó, tỉnh Kiên Giang lập danh sách cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống, giám sát chặt chẽ sản lượng thuỷ sản khai thác trên ngư trường tại các địa phương, vừa đảm bảo truy xuất được nguồn gốc vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác của ngư dân; kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm cố tình không vào cảng bốc dỡ thuỷ sản khai thác để tránh né lực lượng chức năng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát sản lượng thủy sản khai thác, đảm bảo tàu cá cập cảng chỉ định theo quy định; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá tại các bến tư nhân, truyền thống đảm bảo không vi phạm khai thác IUU; thu, nộp nhật ký thu mua, chuyển tải, nhật ký khai thác đảm bảo chất lượng có sự kiểm tra, đối khớp với dữ liệu VMS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Từ cuối tháng 3-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tổ chức 5 lớp tập huấn, hướng dẫn giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thủy sản, Ban Quản lý cảng cá, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng và đại diện 155 bến cá, điểm lên cá trên địa bàn.
Tỉnh thực hiện giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bằng việc kiểm tra, đối chiếu thông tin về tàu cá; hồ sơ tàu cá; trang thiết bị, phương tiện, sản lượng thủy sản khai thác, ngư lưới cụ, thuyền viên; thông tin về nhật ký; tàu cá khai thác hải sản phải hợp pháp… khi cập bến, bốc dỡ thủy sản khai thác.
Đối với tàu cá đề nghị vào cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác, xác nhận mua nguyên liệu, giấy biên nhận nguyên liệu khai thác thủy sản, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), đại diện tổ chức quản lý bến cá, Trạm Kiểm soát Biên phòng đề nghị tàu về cập cảng và bốc dỡ thủy sản khai thác tại 2 cảng cá chỉ định Tắc Cậu (Châu Thành), An Thới (thành phố Phú Quốc) để thực hiện theo quy định.
Từ trung tuần tháng 3 đến cuối tháng 4/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang sẽ thành lập Đoàn kiểm tra việc giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đối với Chi cục Thủy sản, các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng, các huyện, xã và bến cá về kết quả thực hiện giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại các bến cá nhằm chấn chỉnh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cùng đó, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cung cấp danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp; tên thiết bị giám sát hành trình tàu cá, mã thiết bị giám sát hành trình tàu cá/số IMEI, mã dây niêm phong cho các đồn/trạm kiểm soát Biên phòng, đơn vị chức năng huyện, thành phố ven biển, đảo và quản lý bến cá để theo dõi chặt chẽ.
Chi cục Thủy sản cung cấp các bản nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản cho chủ bến cá để phát cho chủ tàu cá, thuyền trưởng ghi nhật ký và cung cấp biên bản kiểm tra tàu cá cập bến, rời bến cho chủ bến cá để ghi chép biên bản.
Hiện các tàu cá của ngư dân Kiên Giang từ 15 m trở lên cập cảng chỉ định tại 2 cảng cá Tắc Cậu và An Thới được giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nêu, tỉnh quyết tâm tất cả tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại các cảng cá, bến cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc đẩm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to; cá cờ kiếm… cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.
Ngành chức năng tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại bến cá của địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; thực hiện đúng quy định xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương rà soát doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu trên địa bàn đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lê Huy Hải
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận