Giàu mạnh từ biển

16:27 01-01-2024

VBĐVN.vn - Bắt đầu ngày mới, cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhộn nhịp tàu cá cập bờ sau chuyến vươn khơi xa. Trên bến, dưới thuyền, tiếng nói cười rộn ràng cả làng biển. Anh Hoàng Thanh Vương, xã Tam Hải, cười tươi như vừa trúng số. “Chuyến này biển êm, tàu tôi đánh bắt được hơn 20 tấn mực khô” - anh Vương phấn khởi nói với tôi.

Cờ Tổ quốc tung bay trước gió trên mỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam. Ảnh: Hồng Anh

Nhận “lộc” từ biển khơi

Tàu vừa cập cảng, anh Vương và các bạn thuyền liền quăng dây neo buộc tàu, chuẩn bị bốc dỡ “chiến lợi phẩm” sau hơn 2 tháng lao động trên biển. Gương mặt ai cũng tươi vui. Tàu của anh Vương chuyên làm nghề câu mực ở ngư trường Trường Sa. “Mỗi chuyến biển của chúng tôi kéo dài từ 60-70 ngày” - anh Vương phấn khởi nhẩm tính - “Chuyến này, tàu tôi đánh bắt được 20 tấn mực đã phơi khô. Với giá bán 170.000 đồng/kg, số mực trên trị giá khoảng 3,4 tỉ đồng. Tàu của tôi có 47 thuyền viên, sau khi trừ phí tổn, mỗi bạn thuyền sẽ được chia khoảng 40 triệu đồng, còn phần tôi thu được trên 400 triệu đồng”.

Anh Vương là thuyền trưởng tàu cá số hiệu QNa 90370 TS, công suất 820CV. Theo nghề biển từ năm 1998, anh Vương bảo rằng, lộc biển lúc nhiều lúc ít, thời xưa mỗi ngày có thể câu được 1 tấn cá, giờ giảm xuống còn khoảng 5-7 tạ. Dù vậy, biển cả vẫn là “nguồn sữa mẹ” nuôi dưỡng anh và nhiều ngư dân khác. Nhà cửa, xe cộ, tài sản rồi những vật dụng sinh hoạt sang trọng đều lấy ở biển chứ không phải nơi nào khác.

Rổn rảng góp chuyện, lão ngư Hoàng Thanh Xuân - cha của anh Vương kể: “Tôi đi biển từ năm 13 tuổi. Ban đầu, tôi làm bạn thuyền (làm thuê cho chủ tàu cá - PV), dần dần, tích cóp được vốn, tôi sắm tàu làm ăn riêng”. Đến nay, ông Xuân đã lên đời tàu cá 3 lần. Chiếc tàu đầu tiên của ông có công suất 36CV. Sau 5 năm làm ăn khấm khá, ông Xuân sắm tàu 260CV. 8 năm sau, tích cóp được số vốn lớn hơn, ông Xuân bán tàu cũ, sắm tàu 800CV.

Năm nay, ông Xuân đã 70 tuổi nhưng vẫn cường tráng, nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Nhờ có sức khỏe, ông vẫn đi biển cùng con trai của mình. Ông bảo rằng: “57 năm theo con sóng miết rồi thành quen. Nếu không đi biển là tôi thấy nhớ. Có người hỏi tôi, biển đẹp nhất lúc nào. Với tôi, biển cả buổi nào cũng đẹp nếu mình yêu biển. Thời gian như thoi đưa, tôi ở trên biển nhiều hơn trên bờ. Cứ đi biển là tôi thấy khỏe”.

Cha đi biển, con du học Nhật Bản

Từ cảng Kỳ Hà, đi qua các làng chài truyền thống của Quảng Nam, chúng tôi dừng chân tại xã biển Bình Minh, huyện Thăng Bình. Ngư dân phấn khởi kháo nhau “năm nay được mùa lại được giá”, ngư dân làm ăn khấm khá hơn.

Trở về từ ngư trường Trường Sa, ngư dân Tăng Viết Nhật, sinh năm 1974 đang tận hưởng những ngày nghỉ ngơi vui vẻ cùng gia đình. Trò chuyện với tôi, anh cười tươi cho biết: “Chuyến này tôi câu được 7 tạ mực khô. Chủ tàu chia cho tôi 70 triệu đồng. Chuyến trước đó, tôi câu được hơn 7 tạ, thu về hơn 74 triệu đồng”.

Anh Nhật làm nghề biển từ năm 15 tuổi và hiện, anh là thuyền viên của tàu QNa 94464 do ông Phạm Phú Trung làm chủ tàu. Kể chuyện nghề, anh Nhật cho hay: “Công việc câu mực thường bắt đầu vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khoảng 4 giờ chiều, tàu mẹ bắt đầu thả từng chiếc thúng xuống biển, cách nhau khoảng 500m, cách tàu mẹ khoảng 15 hải lý. Mỗi ngư dân trên một thúng ngồi câu mực nguyên đêm, mọi liên lạc, trao đổi đều qua bộ đàm. Tới 6 giờ sáng, tàu mẹ thu quân về, chúng tôi lên tàu sơ chế số mực đã câu được, sau đó nghỉ ngơi và ăn cơm”.

Anh Nhật phấn khởi khoe: “Có nhiều chuyến biển tàu tôi thắng lớn. Mực cắn câu liên tục. 1 giờ tôi câu được 30kg mực tươi. Đêm nhiều nhất tôi câu được hơn 1,4 tạ”. Hơn 30 năm theo nghề biển, chưa khi nào anh Nhật nghĩ tới việc bỏ nghề chỉ bởi “nghề biển mang lại thu nhập rất tốt, nhiều ngư dân ở vùng này giàu mạnh là nhờ biển” như cách nói của anh.

Nhờ hưởng “lộc” từ biển, anh Nhật dành dụm được tiền cho con gái đi du học Nhật Bản. Anh chia sẻ: “Con gái tôi năm nay 19 tuổi, thi đỗ đại học trong nước nhưng lại muốn đi du học Nhật Bản. Vì tương lai, tôi chiều theo ý con. Đợt vừa rồi tôi mới đóng 280 triệu đồng để cháu nhập học bên đó”.

Mỗi con tàu là một “cột mốc sống” trên biển

Trước mỗi chuyến biển, anh Nhật, ông Xuân và những người bạn thuyền thường cột lại lá cờ Tổ quốc trên mũi tàu. “Trong lúc khai thác hải sản trên biển, có nhiều nguy hiểm rình rập như dông gió, bão tố, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết bám ngư trường, bám biển. Mình tới đâu là có cờ Tổ quốc hiện diện ở đấy. Đó là cách mình khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của đất nước mình” - ông Xuân tâm sự.

“Có hồi, tàu tôi bắt được 40 tấn mực đã phơi khô, tôi thu lời hơn 1 tỉ đồng. Mỗi lần trúng lớn như thế, tất cả thuyền viên trên tàu đều mừng. Nó làm cho mình có thêm hi vọng và động lực cho những chuyến biển sau” - ông Hoàng Thanh Xuân phấn khởi chia sẻ.

Theo miêu tả của ông Xuân, trên ngư trường Trường Sa lúc nào cũng có 50-70 tàu cá Việt Nam hiện diện. Ngư dân trên các tàu cá chuyện trò với nhau vui vẻ, náo nhiệt không khác gì ở đất liền. “Có hồi, ngư trường chật kín tàu cá, cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc nổi bật trên biển xanh. Nhìn cờ Tổ quốc, ngư dân chúng tôi cảm thấy tự tin hơn trên hành trình vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” - ông Xuân cho biết.

Ông Xuân và những ngư dân khác mà chúng tôi đã gặp đều tự hào khi treo cờ Tổ quốc trên tàu cá. Lá cờ cũng nhắc ngư dân về trách nhiệm khai thác hải sản bền vững, đúng pháp luật, đúng vùng biển của nước ta.

Ngư dân Hoàng Thanh Vương cho hay: “Cán bộ Bộ đội Biên phòng nhiều lần vận động chúng tôi không khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chúng tôi đều nhất trí và cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Văn Trí (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang