Gỡ khó nuôi biển Kiên Giang: [Bài 3] Tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

16:10 27-06-2024

VBĐVN.vn - Nuôi biển không chỉ góp phần tăng sản lượng thủy sản, giảm áp lực khai thác, đánh bắt quá mức từ tự nhiên, mà còn góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc là đơn vị tiên phong thuê mặt nước biển để thực hiện dự án nuôi trai lấy ngọc, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Đơn vị tiên phong đầu tư nuôi biển

Phú Quốc là thành phố đảo có diện tích tự nhiên khoảng 589km2, với chu vi bờ biển dài 150km, vùng biển rộng gần 6.000km2, rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng các loài thủy hải sản. Phát huy lợi thế này, Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc (Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc) đã tiên phong thực hiện dự án “Nuôi cấy ngọc trai chất lượng cao”.

Qua gần 30 năm phát triển, dự án đã khẳng định được hiệu quả cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Để triển khai dự án, Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc đã khảo sát và chọn khu vực biển thuộc ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 1 của dự án, công ty đã được ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cho thuê mở rộng mặt nước biển với tổng diện tích 500ha để thả nuôi trai cấy ngọc.

Ông Hoàng Văn Thanh, Quản lý Nông trại nuôi cấy ngọc trai Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc cho biết, vùng biển quanh đảo của Phú Quốc rất thích hợp cho phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi trai lấy ngọc. Độ mặn nước biển dao động từ 26-32‰ (g/l) thích hợp cho trai phát triển. Nuôi trai có thể chọn vùng nước biển có độ sâu vừa phải, nhưng cầm đảm bảo độ sâu treo lồng nuôi cách mặt nước biển từ 3-5 m.

Khu nông trại nuôi trai lấy ngọc của Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc đang tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với thu nhập ổn định. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Thanh, với diện tích 500ha mặt nước biển của khu nông trại, hiện nay đang tạo việc làm cho hơn 70 người làm việc ở các khâu nuôi trai nguyên liệu, cấy ngọc, chăm sóc đến khi thu hoạch. Mức thu nhập ổn định từ 7-15 triệu đồng/người/tháng, tùy vào vị trí công việc.

Quy trình kỹ thuật nuôi khép kín, từ chọn con giống bố mẹ mạnh khỏe ngoài tự nhiên, nuôi ương dưỡng cho sinh sản. Sau đó, nuôi tiếp khoảng 12 tháng trên biển, chọn những con mẫu mã đẹp, to khỏe, đủ kích thước để cấy phôi ngọc. Và tiếp tục nuôi thêm từ 18-24 tháng (tùy giống trai) sẽ cho thu ngọc.

Các kỹ thuật viên đang cấy phôi ngọc vào trai, sau đó thả lại vùng biển nuôi, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Trọng Hiền, Phó Giám đốc Nuôi trồng và phát triển dự án Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc, cho biết, thuê mặt nước biển nuôi trai lấy ngọc không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng phát triển kinh tế biển bền vững.

Tại khu vực nuôi, công ty đầu tư hệ thống neo và căng dây phao ranh, phao hàng hải hết toàn bộ ranh giới mặt nước biển 500ha được giao.

Trong khu vực nuôi này, tàu thuyền của ngư dân vẫn có thể di chuyển qua lại bình thường nhưng không thể thả lưới đánh bắt. Chính vì vậy, đã tạo ra môi trường lý tưởng để các loài thủy hải sản về đây trú ngụ, sinh sản.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi trai, thường có các loài ký sinh, hàu sống bám trên bề mặt ngoài vỏ. Vì vậy, công nhân sẽ thường xuyên sử dụng máy chuyên dùng phun nước áp lực cao để làm vệ sinh. Quá trình này cũng rửa trôi các chất hữu cơ, chất đạm từ vật ký sinh, tạo ra nguồn thức ăn cho nhiều loài tôm, cá nhỏ.

Nhu cầu xin thuê thêm diện tích mặt biển

Ông Nguyễn Trọng Hiền cho biết, trai ngọc là đối tượng nuôi biển không tốn chi phí thức ăn, bảo vệ môi trường nước, vì mỗi con trai được ví như một máy lọc nước mini. Sản phẩm ngọc trai có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm qua nuôi, chế tác các sản phẩm ngọc trai gắn với du lịch tại địa phương và xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Hiền đang hướng dẫn các kỹ thuật viên cấy phôi vào trai để nuôi tạo thành ngọc. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Hiền, giai đoạn từ năm 2020 - 2025, Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc đã thả nuôi hết toàn bộ diện tích 500ha mặt nước biển, theo quy trình kỹ thuật nuôi chất lượng cao, khép kín, xoay vòng, mỗi năm thu hoạch hai lần. Hằng năm, Công ty thu hoạch bình quân khoảng 400-450 kg ngọc, tương đương 450.000 viên ngọc đạt chuẩn của hai loài trai Maxima và Akoya.

Bên cạnh đó, hiện tại Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất giống trai Maxima (điệp đĩa), với công suất 16 triệu con giống/năm. Nuôi theo quy trình khép kín, chủ động từ con giống, nuôi lên thành trai nguyên liệu để cấy phôi, nuôi trai lấy ngọc. Chính vì thế, nhu cầu xin thuê để sử dụng mặt nước biển rất lớn.

Từ năm 2020, Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc đã có kế hoạch xin thuê thêm diện tích mặt nước biển liền kề khu nuôi hiện hữu để triển khai gian đoạn 2. Kế hoạch này đã được Bộ NN-PTNT, Cục Thủy sản, UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý về mặt chủ trương cho phép công ty mở rộng khu nuôi trai cấy ngọc nhân tạo lên 1.000ha.

Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã thống nhất chủ trương xin mở rộng dự án của Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc và đã khảo sát thực địa, xác nhận khu vực nuôi biển này không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn Phú Quốc.

Vệ sinh trai trong quá trình nuôi sẽ rửa trôi các chất hữu cơ, chất đạm từ vật ký sinh, tạo ra nguồn thức ăn cho nhiều loài tôm, cá nhỏ phát triển. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc Hồ Phi Thủy cho biết, công ty có nhu cầu thuê mặt nước biển để thực hiện giai đoạn 2, từ năm 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục đích có thể thả nuôi hết toàn bộ diện tích 1.000ha. Nếu được tỉnh Kiên Giang xem xét cho thuê thêm diện tích mặt biển, công ty có thể thả nuôi lấp đầy hết toàn bộ diện được giao. Công ty sẽ triển khai kế hoạch thả nuôi từ 7 triệu đến 10 triệu con trai giống/năm để nuôi làm trai nguyên liệu cấy ngọc. Công suất ước tính đạt cho cả 3 loại trai (Akoya, Maxima, Tahiti) vào khoảng từ 800.000 - 1.000.000.000 viên ngọc trai/năm.

Dự án “Nuôi cấy ngọc trai chất lượng cao” của Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường và chất lượng sản phẩm. Nuôi trai cấy ngọc sẽ tạo ra sản phẩm trang sức giá trị, thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi cấy ngọc trai phát triển bền vững. Sản phẩm ngọc trai nuôi cấy tại vùng biển Phú Quốc có chất lượng và đặc trưng riêng, phục vụ cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước khi đặt chân đến thành phố đảo ngọc.

Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc thí điểm cắm trụ bê tông để cấy ghép, tái tạo rạn san hô, nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trên vùng biển Phú Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

UBND TP Phú Quốc đã xem xét hồ sơ thuyết minh dự án nuôi cấy ngọc trai chất lượng cao của Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc và ủy quyền cho Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với đoàn của Sở NN-PTNT Kiên Giang đi khảo sát thực địa vị trí xin cấp phép, mở rộng diện tích nuôi biển.

Theo đó, nhận thấy việc phát triển của dự án nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ góp phần tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, giảm áp lực khai thác từ tự nhiên trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, đối tượng nuôi của các dự án là trai lấy ngọc, hàu... là những loài ăn lọc, góp phần cải tạo môi trường nước biển sạch hơn.

Đại diện UBND thành phố Phú Quốc đánh giá: Công ty Ngọc Hiền Phú Quốc là doanh nghiệp hoạt động hơn 30 năm, có hiệu quả trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Hoạt động hiệu quả của Công ty đã đóng góp sản phẩm du lịch đặc thù cho khách tham quan mua sắm, trình diễn mô hình nuôi trai cấy ngọc và các sản phẩm khác từ ngọc trai và vỏ trai, giải quyết được lượng lớn lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định. Công ty cũng đã tích cực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường biển. Vì vậy, công ty có nhu cầu xin mở rộng quy mô diện tích nuôi biển là chính đáng.

"Doanh nghiệp thuê mặt nước biển để phát triển nghề nuôi biển không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Dự án còn triển khai nghiên cứu cho sinh sản giống trai nhân tạo maxima, không chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất lâu dài, mà còn giúp cân bằng sinh thái môi trường biển Phú Quốc.

Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với Viện Hải dương học, cùng với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc, lập đề án liên kết tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đã thả 45 triệu con trai giống maxima về vùng tự nhiên. Đồng thời, thí điểm cắm trụ bê tông để cấy ghép, tái tạo rạn san hô, nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học trên vùng biển Phú Quốc", ông Hồ Phi Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc, cho biết.

Đ.T.Chánh - Trọng Linh (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang