Gỡ 'thẻ vàng' IUU - Vì tương lai thủy sản Việt Nam: [Bài 1] Mạnh tay với tàu cá '3 không'
VBĐVN.vn - Gỡ 'thẻ vàng' EC không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển kinh tế mà còn là vì hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế và tương lai ngành thủy sản.
Đã có nhiều cố gắng, kết quả khả quan
Cùng với các tỉnh, thành ven biển trong cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu đang quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Không chỉ chung tay cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" EC mà định hướng của tỉnh là phát triển nghề cá một cách bền vững, có trách nhiệm.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương bị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở hồi cuối năm 2023 do thiếu quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống khai thác IUU. Do đó, ở thời điểm “nước rút” như thế này, tỉnh càng phải có những hành động quyết liệt hơn để sớm giải quyết những tồn đọng đúng theo khuyến nghị của EC.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương với các lực lượng chấp pháp trên biển, thường xuyên theo dõi, xử lý thông tin tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới trên biển. Từ đó, khắc phục được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
“Đến nay, hơn 97% tàu cá trên 15m của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gắn thiết bị kết nối hành trình, hơn 96% tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi, hơn 85% tàu cá “3 không” được tỉnh cấp biển số tạm để quản lý. Đặc biệt, từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh không ghi nhận trường hợp tàu cá nào vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài”, ông Nguyễn Công Vinh thông tin.
Đồng thời, phải nói đến việc Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành và thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU về thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái pháp luật. Nhờ đó, công tác phát hiện, kiểm tra và xử phạt ngư dân không chấp hành quy định về đánh bắt được thực thi hiệu quả hơn.
Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã hoàn thành rà soát toàn bộ số lượng tàu cá đã đăng ký, cập nhật 100% vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Đến nay, tỉnh đã khắc phục, xử lý 2 tồn tại hạn chế mà Đoàn thanh tra EC chỉ ra trong lần thanh tra thứ 4. Đó là xử phạt chủ tàu cá không có giấy phép khai thác, mất kết nối giám sát hành trình (VMS) vẫn hoạt động trên biển, số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và xử phạt 8 tàu cá không rõ số đăng ký ở cảng Phước Hiệp (huyện Long Điền).
Riêng với số tàu cá "3 không", từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã rà soát, thống kê được 1.081 tàu và đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương cấp, vẽ số tạm để quản lý. Tính đến ngày 31/3, tổng số tàu cá "3 không" đã được cấp, vẽ số tạm là 595 tàu, đạt 55%. Số còn lại, dự kiến tỉnh sẽ hoàn thành trong tháng 4 này.
Hiện, tổng số tàu cá của tỉnh là 4.484 tàu, trong đó có 2.734 tàu trên 15m hoạt động vùng khơi. Đây là đội ngũ tàu cá có sản lượng khai thác được cấp giấy phép xuất khẩu qua châu Âu. Trong đó, tỷ lệ tàu cá đã đăng kiểm đạt gần 86%, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,74%, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 96,82%.
Dù đạt được những bước tiến tích cực so với thời điểm cuối năm 2023 nhưng ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận, đến nay Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều việc phải gấp rút hoàn thiện trước khi đoàn EC sang kiểm tra, dự kiến vào tháng 5/2024.
Đó cũng chính là lí do mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mới chấm điểm 6/10 cho Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác phòng, chống IUU. Nỗ lực thực hiện và thu được nhiều kết quả tốt nhưng kết quả về các công tác chống khai thác IUU đang đánh giá đúng thực trạng. Đây sẽ “đòn bẩy” để địa phương cần làm tốt hơn nữa, giải quyết triệt để những tồn đọng.
“Tuy nhiên, khó cũng phải làm cho bằng được và làm bằng tất cả tinh thần cương quyết, không đối phó. Tỉnh đang nỗ lực đưa ra những nhiệm vụ cụ thể, giao cụ thể cho các địa phương, các Sở, ngành phối hợp. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương phải đến từng ngõ, gõ từng nhà để quản lý được các tàu, đặc biệt là những tàu chưa đủ điều kiện đi ra khơi đánh bắt”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Thắt chặt “quân lệnh” vì hình ảnh quốc gia
Khi đến kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nói: "Thẻ vàng" của EC đặt ra những lợi ích lâu dài thuộc về Việt Nam. Việt Nam đã có những quy định về chống khai thác bất hợp pháp nhưng chưa thực hiện nghiêm túc, EC đã giúp tất cả ý thức hơn, quyết liệt hơn việc thực hiện luật của chính chúng ta.
Do đó, "thẻ vàng" EC là lời cảnh tỉnh cho không chỉ ngành nông nghiệp của Việt Nam mà còn kéo theo nhiều ngành khác.
"Đừng để những "con sâu làm rầu nồi canh", chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân mà hình ảnh và danh tiếng của Việt Nam bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Gỡ "thẻ vàng" EC không chỉ là hành động vì ngành thủy sản mà đó còn là vì quyền lợi quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chấp pháp trên biển nên số vụ tàu cá cố tình vi phạm, vươn khơi khi chưa được phép giảm đáng kể. Thế nhưng, “giảm về lượng nhưng phát sinh về chất, bất chấp và liều lĩnh hơn”. Đó là khẳng định của đại tá Lê Bá Quân, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
Cụ thể, mới đây, lực lượng của Vùng 2 Hải quân đã phát hiện 2 tàu cá xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) tắt thiết bị giám sát hành trình, hoạt động ở khu không được phép đánh bắt. Hai tàu này đã chống đối, bỏ chạy.
“Về mức độ vi phạm của số ít tàu cá đã ma mãnh, tinh vi hơn nhiều. Chúng tôi vẫn còn ghi nhận tàu cá của Bà Rịa - Vũng Tàu ở các vùng gần ranh biên giới, tàu cá không bật máy giám sát hành trình và không có giấy tờ nhưng vẫn hoạt động đánh bắt xa bờ”, đại tá Quân thông tin.
Tại Điều 5 của Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản: Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhiều tàu cá cố tình vươn khơi khi chưa đủ quy định và chấp nhận nộp phạt. Họ sẵn sàng chuẩn bị số lớn tiền mặt để nộp phạt nhưng không chịu xuất trình giấy tờ cũng như chưa đủ tiêu chuẩn để xuất cảng.
Do đó, để tình trạng này sớm được giải quyết dứt điểm, ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp theo quy định của pháp luật thì theo các cơ quan chấp pháp cần những chế tài mạnh hơn nữa để răn đe. “Xử phạt hành chính có lẽ chưa đủ sức răn đe vì số tiền tuy lớn nhưng nếu hành động trót lọt thì các tàu cá vẫn có lời. Đối với những đối tượng cố tình vi phạm, nên đề xuất truy tố hình sự để tạo sự răn đe”, đại tá Quân đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá, vẫn còn 4/6 mục tiêu của Nghị quyết 12 chưa hoàn thành. “Nghị quyết 12 yêu cầu ngăn chặn và chấm dứt tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài chứ không phải là giảm hay hạn chế. Do đó, yêu cầu các Sở, ban ngành và các cơ quan cần quyết liệt và mạnh tay hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Tháng 5/2024, có thể đoàn EC sẽ tới Việt Nam để thanh tra về công tác phòng, chống khai thác IUU. Đây là thời gian quyết định việc chúng ta có gỡ "thẻ vàng" EC được hay không. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu ban ngành các cấp và lực lượng trên địa bàn ráo riết và thực hiện triệt để các biện pháp để không bị bỏ phí cơ hội cuối cùng.
Mới đây, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư đã ký Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng.
Lê Bình - Hồng Thủy (nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận