Hải đoàn 128 vững vàng nơi đầu sóng
VBĐVN.vn 50 năm kể từ ngày ngày thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Hải đoàn 128 (Quân chủng Hải quân) đã cùng lực lượng Hải quân trên các vùng biển, đảo, nhà giàn DK1… phát hiện và đấu tranh ngăn chặn từ sớm, từ xa hoạt động của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo của nước ta, thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế.
Là một đơn vị thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng kết hợp kinh tế, trong đó nhiệm vụ quốc phòng với trọng tâm là trực bảo vệ chủ quyền các vùng biển được phân công, 50 năm kể từ ngày ngày thành lập đến nay (12-10-1971 / 12-10-2021), vượt qua mọi khó khăn, các thế hệ CBCS Hải đoàn 128 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại tá Nguyễn Hải An, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 128, Quân cảng Sài gòn, Quân chủng Hải quân đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
Vững vàng nơi đầu sóng
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, là một đơn vị thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng kết hợp kinh tế, nhiệm vụ này được Hải đoàn 128 thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Đại tá Nguyễn Hải An: Đảng ủy, Ban chỉ huy Hải đoàn xác định nhiệm vụ quốc phòng là trung tâm, cơ bản và xuyên suốt. Đầu năm 1988, tình hình tranh chấp chủ quyền của nước ngoài trên các vùng biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa diễn ra phức tạp, căng thẳng. Năm 2014, khi nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đội hình tàu chấp pháp bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam có lực lượng của Hải đoàn. Các tàu của Hải đoàn nắm chắc tình hình, tỉnh táo, khôn khéo, không lùi bước khó khăn, nguy hiểm, kiên trì bám trụ, kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần cùng lực lượng của ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu trinh sát bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trên những khu vực được phân công, luôn có lực lượng Hải đoàn bám trụ vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, vừa nắm chắc tình hình, phát hiện sớm hành động của tàu thuyền, máy bay nước ngoài, báo cáo, tham mưu kịp thời về các sở chỉ huy; xử trí thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ.
Hải đoàn liên tục làm nhiệm vụ bảo vệ các công trình dầu khí quốc gia, bảo vệ tàu thăm dò địa chấn, tàu khảo sát trên các vùng biển. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nắm vững phương án, phát hiện, ngăn chặn… tính đến nay đã đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm hơn 25 nghìn lần chiếc tàu thuyền, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn các công trình dầu khí quốc gia trên biển.
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Hải đoàn đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Với tình cảm và trách nhiệm cao với bà con ngư dân, những hành động thiết thực như: tặng áo phao, tủ thuốc y tế, cờ Tổ quốc,… cứu hộ cứu nạn kịp thời, không sợ hiểm nguy, gian khổ luôn đặt an toàn tính mạng, tài sản ngư dân là trên hết, trước hết, đã làm ngời sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng bà con ngư dân.
Năm 2020, Hải đoàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn thành công 6 tàu, 14 ngư dân. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ Âu tàu đảo Song Tử Tây, trung bình hàng năm, đón từ 250 - 400 lượt tàu tránh, trú bão, sửa chữa hư hỏng; cung cấp hàng nghìn mét khối nước ngọt miễn phí, trên 50 nghìn lít dầu DO cùng lương thực, thực phẩm cho ngư dân với giá ngang bằng trong đất liền,... Qua đó, đảm bảo cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, xây dựng thế trận lòng dân trên biển vững chắc, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 2021 tình hình trên các vùng biển diễn biến phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, toàn thể cán bộ, quân nhân, người lao động Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ quân sự, kinh tế, nổi bật là: Nhiệm vụ tuần tra trinh sát, nắm chắc tình hình trên biển, kịp thời báo cáo và xử lý tốt các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo đảm an toàn tuyệt đối mục tiêu, khu vực biển được phân công, nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại khu vực quần đảo Trường Sa và dịch vụ Âu tàu Song Tử Tây, trực bảo vệ các công trình dầu khí quốc gia trên biển, bảo vệ các hoạt động khảo sát, thăm dò dầu khí, tuần tra giám sát hoạt động nghề cá, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
PV: Việc kết hợp giữa bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển mà Hải đoàn 128 thực hiện trong 50 năm qua góp phần như thế nào trong Chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước?
Đại tá Nguyễn Hải An: Ngày 2-8-1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Quân chủng Hải quân đã đến thăm đơn vị đánh cá của Quân chủng. Thủ tướng nói: "Hải quân có một số tàu kết hợp vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa đánh cá và khi cần thì chiến đấu. Hay vô cùng. Cái này không cần lý luận nhiều. Lúc đánh cá thì toàn bộ lực lượng là đánh cá. Lúc chiến đấu lại trở thành lực lượng chiến đấu, hợp lý vô cùng, một công, đôi ba việc... Tôi đem hết nhiệt tình của tôi để mong đợi các đồng chí, đồng thời tin tưởng các đồng chí sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang”
Có thể khẳng định rằng Đoàn đánh cá vũ trang Hải quân, tiền thân của Hải đoàn - Công ty 128 ngày nay, với nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu đã thực sự là những chiến sĩ tiên phong, mở đường thực hiện gắn nhiệm vụ chiến đấu với phát triển kinh tế biển.
Ngày nay, các lực lượng của Hải đoàn 128 với những cán bộ, chiến sĩ dạn dày sóng gió, có nhiều kinh nghiệm đi biển dài ngày trên các vùng biển xa, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng làm nhiệm vụ tuyên truyền, cứu hộ, cứu nạn, dịch vụ hậu cần nghề cá.. làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, để ngư dân ta yên tâm khai thác hải sản biển xa, góp phần xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân vững chắc trên biển
Bên cạnh đó việc phát triển mạnh các ngành nghề khai thác cảng, sửa chữa tàu thuyển, nuôi trồng, chế biến thủy sản.. đã góp phần vào phát triển kinh tế trên các địa bàn đơn vị đóng quân.
PV: Là đơn vị thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển. Để phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới, Hải đoàn 128 sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Hải An: Thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, Hải đoàn cũng đối mặt với những thách thức khó khăn. Trong đó, những diễn biến phức tạp vùng biển đảo trên địa bàn hoạt động và yêu cầu mới, cao hơn về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường. Để phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Hải đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Tập trung đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tuần tra, trinh sát, nắm chắc, phát hiện sớm …; tổ chức chỉ huy xử trí nhanh nhạy, thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ; sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân trên các vùng biển, đảo.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, huấn luyện sát phương án, đối tượng tác chiến, môi trường hoạt động, tổ chức biên chế, vũ khí trang bị, lấy thực hành là chính; đột phá vào huấn luyện “Cơ bản, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật và thực hiện quy tắc an toàn”.
“Đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển, phát huy hiệu quả ngành nghề mới”. Phát huy cao độ nội lực và thế mạnh của đơn vị; tập trung vào các ngành nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững gắn với nhiệm vụ QP-AN; nâng cao hiệu quả ngành nghề truyền thống. Tăng cường, nâng cao hiệu quả kết nối với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tập trung vào dịch vụ bảo vệ dầu khí, dịch vụ kỹ thuật, cung cấp nhiên liệu, khai thác cảng, vận tải thủy, cung ứng hải sản...
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp uỷ, cán bộ chủ trì trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Chú trọng huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, khuyến khích tự đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý kinh tế. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, rút kinh nghiệm, bảo đảm các hoạt động kinh tế của Công ty đúng hướng, hiệu quả và minh bạch.
Con đường phía trước còn không ít khó khăn, nhưng với ý chí, quyết tâm cao, trí tuệ, bản lĩnh và truyền thống, kinh nghiệm 50 năm xây dựng, phát triển, Hải đoàn 128 tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo; khắc phục khó khăn; bảo vệ vùng biển; sản xuất tốt, quản lý giỏi” phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn”.
Hải đoàn 128 (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 128), thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân. Là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quân sự quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất, phát triển kinh tế biển. Trải qua 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành (12/10/1971-12/10/2021), Hải đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng: Nhất, Nhì; 3 Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhiều năm liền Hải đoàn được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Cờ thi đua của Bộ Tư lệnh Quân chủng; được Quân chủng tặng danh hiệu “Đơn vị phục vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển, đảo tiêu biểu xuất sắc nhất”, cùng nhiều tập thể và cá nhân được nhận danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận