Hải trình Trường Sa - Miền ký ức đẹp đẽ

16:36 16-03-2024

VBĐVN.vn - Đối với mỗi người Việt Nam, có lẽ ai cũng mong muốn được đến với huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) một lần trong đời. Hằng năm, đều có những chuyến tàu chở các đại biểu đến thăm các đảo, nhà giàn DK. Với những người dù đã một lần, hai lần, hay chúng tôi - những người trẻ may mắn lần đầu được tận mắt nhìn ngắm sự hùng vĩ, bao la của biển đảo máu thịt Tổ quốc, thì trong mỗi trái tim vẫn dâng lên sự háo hức cùng niềm vinh dự và tự hào.

“Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu”

Tàu kiểm ngư KN491 đưa gần 300 thành viên của Đoàn công tác số 11 Quân chủng Hải quân đến thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sanhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc hú 3 hồi còi dài chào đất liền, bắt đầu chuyến hải trình dài gần 2.000km. Con tàu dài 90,5m, rộng 14m, lượng giãn nước 2.200 tấn cùng tầm hoạt động 10.000km như chú "cá voi trắng" khổng lồ từ từ rời Cảng Quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) mang tình cảm của đất liền ra đảo xa.

"Cá voi trắng" KN491 đưa Đoàn công tác số 11 đến với Trường Sa. Ảnh: AN LÊ

Khi mới lên tàu, nhiều thành viên hải đoàn có chút chếnh choáng bởi chưa quen với sự dập dềnh cùng chút lắc lư của con tàu đang cưỡi sóng. Nhưng khi màn đêm buông xuống, cả tàu chìm vào giấc ngủ, chỉ còn tiếng động cơ chạy đều đều cùng tiếng sóng va vào mạn lại giống như lời ru bồng bềnh của biển thăm thẳm có phần khiến chúng tôi ngủ say hơn.

Trong trong chuyến hải trình dài 6 ngày ấy, hẳn các thành viên hải đoàn đều nhớ tiếng loa báo thức trên Tàu KN491: “Đã hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Giọng đồng chí chỉ huy tàu vang lên nhẹ nhàng, nhanh và dứt khoát vào đúng 5 giờ sáng hằng ngày. Chúng tôi thức giấc, chuồi người khỏi chiếc giường 3 tầng nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân rồi lên boong ngắm bình minh. Các đồng chí trong Chi đội Kiểm ngư số 4 (Cục Kiểm ngư Việt Nam) nhắc các đại biểu chuẩn bị sẵn điện thoại, máy quay để ghi lại hình ảnh những đàn cá heo bơi theo mũi tàu. Nghe tiếng vỗ tay, reo hò, những chú cá heo nhảy khỏi mặt nước như chào đón hải đoàn đến với Trường Sa thân yêu.

Công tác hậu cần, kỹ thuật, trang thiết bị trên Tàu KN491 do Chi đội Kiểm ngư số 4 phụ trách. Hằng ngày, 50 thành viên Chi đội phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho đoàn công tác gần 300 người. Trong đó, nhà bếp là một trong những bộ phận vất vả nhất. Hầu hết các anh mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng trên dãy ghế nhà ăn được xếp thành hàng, bởi giường đã nhường cho đại biểu. Chứng kiến sự vất vả ấy, những khi rảnh rỗi, nhiều đại biểu đã cùng xuống bếp chuẩn bị đồ ăn, rửa khay, bát giúp tổ phục vụ, nhờ đó mà khu vực bếp không lúc nào ngớt tiếng cười cùng tiếng bát đĩa lạch cạch và mùi thơm của thức ăn. Chị Đặng Thị Thu Hằng, Giám đốc kinh doanh của một tập đoàn cùng tham gia chuyến đi là một trong số những người thường xuyên có mặt tại đây chia sẻ: “Điều khiến tôi ấn tượng đó là nguồn năng lượng như vô tận của các đồng chí phục vụ tàu, ai nấy đều rất ân cần, chu đáo. Các anh chỉ được nghỉ vài tiếng mỗi ngày mà vẫn bảo đảm cơm ngon, canh ngọt. Chuyến đi này là dịp để tôi tạm quên đi công việc thường nhật, có thêm niềm vui, trải nghiệm làm một “anh nuôi” trên tàu”.

Những "siêu" anh nuôi trên tàu KN491. Ảnh: AN LÊ

Trao đổi với đồng chí Vũ Mạnh Toàn, Chỉ huy Tàu KN491 chúng tôi được biết, tàu luôn thực hiện tốt nhất yêu cầu về số lượng, chất lượng thực phẩm cùng các trang bị kỹ thuật phục vụ hải trình theo kế hoạch định sẵn. Với mỗi chuyến đi có số lượng đại biểu đông như lần này, Chi đội Kiểm ngư số 4 đều tăng cường thêm nhân lực để hỗ trợ tàu, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.

Thoăn thoắt lật thức ăn trong chiếc chảo gang lớn, anh nuôi Trần Đăng Khoa, sinh năm 1983, quê ở thị trấn Me (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Bếp trưởng tàu cười kể chuyện: “Chúng tôi thức dậy lúc 3 giờ, chuẩn bị bữa sáng phục vụ đoàn, sau đó lại dọn dẹp, chuẩn bị bữa trưa. Buổi chiều, công việc lại tiếp tục lúc 13 giờ để kịp cho bữa tối vào 18 giờ. Sau bữa khuya của đoàn, anh em dọn dẹp, kê chỗ ngủ cũng là lúc đồng hồ điểm 1 giờ sáng. Dù có vất vả nhưng hầu hết anh em trên tàu đều đã quen công việc rồi. 5 năm làm bếp trưởng và cũng gần chừng ấy thời gian đứng bếp nên giờ mà nghỉ nhiều tôi lại sợ bị ốm các anh ạ!”.

Nhiều người trong tổ phục vụ trên Tàu KN491 đã lập gia đình, tàu về cảng, các anh cũng được về thăm nhà, đợi chuyến công tác tiếp theo. Ở đất liền lâu ngày, nhiều người còn thấy buồn vì đối với các anh, tàu là ngôi nhà thứ hai, còn với đoàn công tác, các anh coi như những người thân trong gia đình.

Thành viên chuyến công tác có lẽ ai cũng thân thuộc không chỉ tiếng loa báo thức hay loa thông báo ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, thông báo lên đảo... Hoặc là chương trình phát thanh đặc biệt vào lúc 21h30 mỗi tối của tổ phóng viên do Thượng tá Phạm Quang Tiến (phóng viên Báo Hải quân) phụ trách. Chúng tôi có nhiệm vụ phát tin tức về hoạt động trong ngày của đoàn; thu thập các bài thơ, những dòng cảm nghĩ của thành viên hải đoàn về chuyến đi; phát những bài hát về tình yêu biển đảo quê hương; các ca khúc đậm chất miền Tây của đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ.

Tổ phát thanh do Thượng tá Phạm Quang Tiến, Phóng viên Báo Hải quân phụ trách.

Ngắm bầu trời đầy sao khi đêm đen phủ kín bốn bề, xung quanh chỉ còn tiếng sóng nước va vào mạn tàu, tiếng loa phát thanh, khiến những cuộc nói chuyện đang rôm rả đều tạm dừng. Tất cả đều chìm vào một không gian mà “chưa chắc có lần thứ hai trong đời”, là những ngày rời xa mạng xã hội hay những bộn bề cuộc sống…

Xúc cảm mang tên Gạc Ma

Sau khi lên điểm đảo tuyến đầu của quần đảo Trường Sa - đảo Sinh Tồn Đông (xã đảo Sinh Tồn) thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Tàu KN491 đưa đoàn công tác di chuyển tới vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Đây là nơi mà 35 năm về trước đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đúng 17 giờ chiều, các đại biểu có mặt tại sân đáp trực thăng trên tàu làm lễ tưởng niệm. Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 11 chủ trì buổi lễ. Giữa biển trời Trường Sa, lời thơ của Thượng tá Cao Văn Dân (Phó tổng biên tập Báo Hải quân) trong diễn văn tưởng niệm vang lên khiến nhiều đại biểu không cầm được nước mắt vì xúc động:

Ôi những chàng trai nòi giống Tiên Rồng

Tên các anh hòa vào tên đất nước

Con sóng vẫn gầm vang thổn thức

Hát mãi lời thề giữ biển đảo quê hương.

Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trên sân đáp trực thăng Tàu KN491.

Đoàn công tác dành phút mặc niệm và thả vòng hoa, hạc giấy tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống. Trong mỗi người đều dâng lên xúc cảm, khắc sâu tâm nguyện của cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Các đại biểu thắp hương tri ân các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Ảnh: VŨ TIẾN

Chị Trịnh Thị Dung, thành viên đoàn công tác của Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa tham gia chuyến hải trình xúc động chia sẻ với chúng tôi: “Từ nhỏ tôi đã nghe câu chuyện về các cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhưng khi được được tận tay thắp nén nhang, thả hạc giấy tri ân các anh tại vùng biển này, có lẽ không chỉ tôi mà còn rất nhiều đại biểu đã khắc sâu thêm lòng biết ơn sâu sắc, tình yêu biển đảo quê hương. Kính mong các anh phù hộ cho quốc thái dân an, cho thế hệ người Việt nay và mai sau vượt mọi khó khăn, gian khổ, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đảo, từng sải biển của Tổ quốc”.

Gọi tên anh giữa biển sóng bao la

Kìa bóng anh dang tay ôm bờ cõi

Quê hương ơi! Đất mẹ ơi!

Những người lính vẫn ngàn đời đứng gác

Giữa non nước nghìn trùng biển bạc đảo xa.

Những tấm lòng vàng đến với đảo xa

Tại quần đảo Trường Sa, những đảo nổi như Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Trường Sa mà chúng tôi được ghé thăm thì còn có màu xanh của những loài cây nổi tiếng gắn với người lính đảo như: Phong ba, bàng vuông, tra, mù u, dừa. Còn những đảo chìm như Đá Đông B thì chỉ có hai nhà lâu bền xây dựng từ bê tông, quanh năm sóng nước vỗ bờ, có chăng chỉ là những hộp trồng rau xanh hoặc mấy chậu cây cảnh nhỏ được người lính đảo cẩn thận đặt ở nơi khuất gió. Hay như Nhà giàn DK1/21 ngày chúng tôi lên thăm, các đồng chí ở đây cho biết, vào những ngày lặng gió, trời nắng nóng cùng hơi mặn bốc lên từ biển rất khắc nghiệt, hơi muối bám vào da khiến cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn phải bổ sung nước đều đặn nếu không cơ thể rất dễ bị suy nhược.

Cán bộ, chiến sĩ đón đoàn lên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: VIỆT TRUNG

Có cơ hội được ra thăm Trường Sa, chúng tôi mới thấy rõ ràng hơn cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Phải xa gia đình trong thời gian dài, đứng chân nơi sóng cả, bốn bề biển nước mênh mông cùng nắng gió bỏng rát, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, thực sự các đồng chí ấy phải rèn cho mình sức chịu đựng hơn người.

Chiến sĩ chắc tay súng, đứng gác tại cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: AN LÊ
Chiến sĩ chăm sóc vườn rau trên Nhà giàn DK1/21. Ảnh: AN LÊ

Hiện nay, phần lớn các đảo của chúng ta đều đã trang bị máy lọc nước, bể chứa nước mưa và các các thiết bị thông tin, phủ sóng điện thoại cùng hệ thống cung cấp điện từ năng lượng mặt trời, gió và máy phát. Tuy nhiên, bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, những đồ gia dụng như: Tủ đông, quạt, máy tính, máy in… tuổi thọ đều không cao dù đã được bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Vì vậy, trong chuyến công tác lần này, ngoài quà tặng có giá trị và công năng sử dụng để nâng cao khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu cho Trường Sa như xuồng CQ của tỉnh Đồng Tháp; các cơ quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ, TP Cần Thơ, Cục Hàng không, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… hay các doanh nghiệp như: Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa, Công ty Thương mại Khoáng sản Hải Bình, Công ty CP xây dựng Truyền thông URSA đã trao tặng nhiều món quà là đồ gia dụng: Tivi, máy tính, máy in, quạt… cùng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn trị giá hàng tỷ đồng.

Đoàn đại biểu thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa.Ảnh: AN LÊ
Các đại biểu trồng cây lưu niệm trên đảo Đá Tây. Ảnh: VIỆT TRUNG

Ngay trước chuyến hải trình, Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa đã trao tặng Trường Sa 172 bộ giường gỗ lim với tổng trị giá 1 tỷ đồng. Đây là món quà thực sự ý nghĩa và gần gũi với đời sống của quân và dân Trường Sa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Văn Dương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: “Bản thân Tiên Sơn là một doanh nghiệp được thành lập và xây dựng bởi một cựu chiến binh. Vì vậy, trong mỗi người Tiên Sơn luôn khắc ghi lòng biết ơn công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Những món quà là tấm lòng của lãnh đạo, nhân viên, người lao động Tập đoàn Tiên Sơn gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Trường Sa với mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp góp một phần công sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biển đảo Việt Nam ngày càng giàu mạnh”.

Chuyến đi không chỉ là trao những quà tặng giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa cải thiện đời sống vật chất mà đoàn công tác số 11 còn có nhiều món quà mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Như khi ở Nhà giàn DK1/21, đoàn công tác đã rất xúc động khi lắng nghe ca khúc “Bài ca trên sóng cả” của PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn, hay phút ngẫu hứng giao lưu ca hát bằng đàn guitar của những người lính Nhà giàn với các ca sĩ đoàn tỉnh Đồng Tháp…

Giao lưu văn nghệ trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: AN LÊ
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tặng đại biểu cây bàng vuông và cờ Tổ quốc. Ảnh: AN LÊ

Đáp lại tình cảm của đoàn công tác, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng gửi những món quà tuy đơn sơ nhưng chan chứa tình yêu của đảo xa với đất liền như quả bàng vuông, vỏ ốc, lá cờ Tổ quốc. Khi ký tặng một số thành viên đoàn công tác những lá cờ làm kỷ niệm, Thượng úy Lưu Văn Dũng, Chính trị viên Nhà giàn DK1/21 cho hay: “Những lá cờ này đã thấm cái nắng, cái gió của biển khơi. Cứ 10 ngày chúng tôi phải thay cờ mới một lần vì khí hậu khắc nghiệt, dễ làm rách cờ. Đây là nhiệm vụ quan trọng của anh em Nhà giàn DK1/21. Bởi lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trong gió cũng chính là khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta!”.

Nhà giàn DK1/21 sừng sững giữa biển khơi. Ảnh: AN LÊ

“Nhà giàn chênh chao giữa Biển Đông tràn dâng sóng gió

Anh vững vàng tay súng giữa trời mây

Chúng tôi đứng đây mắt nhòa trong nắng đỏ

Vọng hát cùng các anh giai điệu quê hương”.

Trường Sa, tháng 5-2023

LÊ HIẾU

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang