Hành động vì sự trường tồn của biển, đảo Việt Nam
VBĐVN.vn - Mỗi người dân đất Việt cần hiểu được sự giàu đẹp, giá trị chủ quyền biển, đảo để từ đó nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy
Từ bao đời nay, biển, đảo quê hương là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Biển, đảo quê hương là cột mốc chủ quyền sừng sững như chứng nhân của lịch sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc.
Biển, đảo nước ta giàu và đẹp. Vùng biển Việt Nam là cái nôi của rất nhiều loài sinh vật biển, trong đó có khoảng hơn 2.000 loài cá, với hàng trăm loài cá có giá trị kinh tế cao. Về khoáng sản, vùng biển Việt Nam có các loại khoáng sản vô cùng phong phú, trữ lượng dầu khí lớn. Vùng biển Việt Nam còn là nơi có các đường hàng hải quốc tế đi qua từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, đến nhiều hải cảng. Biển mang lại cho nước ta những giá trị to lớn về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.
Gần gũi từ những trang lịch sử, địa lý hằng ngày trên lớp, ý thức về độc lập, chủ quyền và tự hào dân tộc lớn dần lên trong mỗi học sinh, mỗi con người Việt Nam. Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, người dân Việt Nam đều hướng về biển bằng một tình yêu chung thủy. Đó là niềm tự hào, say mê trước vẻ đẹp của những bãi cát dài, làn sóng biếc, vịnh đảo nên thơ. Biển đẹp dịu dàng như từng lớp sóng âm thầm xô bờ đến khi sóng bào mòn đá lúc nào không hay.
Chúng ta cảm ơn thiên nhiên ưu ái đã ban tặng nơi đây sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Ngư trường rộng lớn, nguồn nhiên liệu dưới lòng biển nhiều, phong cảnh đẹp..., đem đến cho ta nguồn lợi rất lớn. Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đang ngày đêm đón những lượt tàu ra biển để hồi tưởng lại một thời huy hoàng cũng chính là một thắng cảnh đẹp của biển, đảo quê hương. Đặc sản tỏi Lý Sơn - món quà quý kết tinh tinh hoa đất trời và sự cần cù, chịu khó của người dân Việt đang dần vượt ngàn hải lý, xuất khẩu tới những đất nước xa xôi, khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam trên trường quốc tế.
Hơn hết, "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" - là dáng hình xứ sở. Những người dân bám đất, bám đảo, chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn lắm nhưng hạnh phúc nhiều với suy nghĩ: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Trong bài giới thiệu của Học viện Hải quân về biển, đảo Việt Nam, khái quát đậm nét những giá trị, vị trí, vai trò của biển, đảo nước nhà: "Việt Nam là một quốc gia nằm trên bờ Tây của biển Đông, có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên một vùng biển có diện tích hơn 1 triệu km2 ở trung tâm biển Đông. Bờ biển Việt Nam dài khoảng 3.260 km, là nước xếp thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển có tỉ lệ chiều dài đường biển trên diện tích đất liền. Diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% diện tích biển Đông, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam có chủ quyền trên gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển, đảo Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng cả về địa kinh tế, địa chính trị và địa quân sự. Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 22-9-1997 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã khẳng định: "Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quan trọng để phát triển của đất nước ta, là tiềm năng và thế mạnh quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Bác Hồ đã từng căn dặn: "Ngày xưa ta có đêm, có rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển nước ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó". Câu nói ngắn gọn mà súc tích ấy của Bác đã nêu lên một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân Việt Nam: bảo vệ chủ quyền của quốc gia mình.
Lần giở lịch sử, chúng ta có đầy đủ những chứng cứ để chứng minh chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Các sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa (cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam. Toàn tập Thiên Nam tứ chí Lộ Đồ Thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ thứ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng Phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: "Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, độ dài 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy... Có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói cả, hàng hóa thì ở lại nơi đó".
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Chính vì thế, chúng ta cần kế thừa và phát huy ý thức về chủ quyền biển, đảo của ông cha ta. Đảng và Nhà nước cần có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo; người dân cần được tuyên truyền về việc quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, xây dựng đất nước ổn định để phát triển đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đặc biệt, thanh niên Việt Nam cũng cần nhận thức sâu sắc, hiểu biết về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, hưởng ứng các diễn đàn khẳng định chủ quyền biển, lên án và ngăn chặn các hành vi xâm phạm và xuyên tạc chủ quyền biển Việt Nam.
Trên hết, mỗi người dân đất Việt cần hiểu được sự giàu đẹp, giá trị chủ quyền biển, đảo Việt Nam để từ đó nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.
Theo nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận