Hành trình rút “thẻ vàng” IUU. Bài 1: “Một cửa” chống vi phạm IUU ở Phú Lạc
VBĐVN.vn - Tại các tỉnh miền Trung, việc hướng dẫn, quản lý, xử lý các tàu đánh cá vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) được triển khai quyết liệt, riêng UBND tỉnh Bình Định đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo liên quan tới vi phạm IUU. Các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam đều thiết lập cơ chế một cửa, phối hợp để quản lý chặt tàu cá theo công nghệ 4.0, góp phần gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.
Dõi theo hành trình
Cửa biển Phú Lạc chỉ là một bãi đậu tàu thuyền nhỏ của tỉnh Phú Yên, nhưng có tới 461 tàu cá neo đậu. Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã phối hợp với Chi cục Thủy sản và lực lượng quản lý cảng cá của tỉnh để kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh bắt của tàu cá, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm IUU.
Tại cảng cá Phú Lạc, đoàn tàu đánh cá đã xuất bến ra khơi nên vùng neo đậu trở nên vắng vẻ, chỉ có vài chiếc tàu đang cho người đan lại lưới, sửa máy, đưa đá xuống tàu để kịp mở biển. So với thời gian trước đây, tàu ngư dân ra khơi thì người nhà chỉ biết tưởng tượng về con tàu đang ở đâu đó ngoài biển, còn bây giờ, tàu đánh bắt xa bờ đều được gắn thiết bị giám sát hành trình vệ tinh, nên lực lượng kiểm tra, kiểm soát và người nhà ngư dân đôi khi chỉ cần nói với nhau vài câu là hiểu hết vấn đề.
Trung úy Huỳnh Kim Đỉnh, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Nông, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam; ông Đặng Phú Nguyên, cán bộ Chi cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Lành, cán bộ cảng cá Phú Lạc ngồi hội ý về hoạt động đánh bắt của ngư dân trên biển, theo đúng quy trình của Tổ công tác IUU đặt trong khu vực cảng cá Phú Lạc. Việc hội ý tập trung vào vấn đề tồn tại, đó là một số tàu có tín hiệu giám sát hành trình chập chờn, vừa bị mất tín hiệu hoặc bị mất tín hiệu vài ngày. Bộ đội Biên phòng được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn nên nắm rất rõ thông tin về hoàn cảnh gia đình của ngư dân, cũng như ý thức chấp hành các quy định pháp luật của ngư dân.
Màn hình đặt trên bàn của Tổ công tác IUU đang hiển thị tại vệt hành trình của tàu cá PY 95627 TS. Con tàu này đang hiển thị tốc độ di chuyển 7,4km/giờ, tọa độ 12 độ 12 phút 75 giây vĩ Bắc - 111 độ 36 phút 52 giây kinh Đông; máy giám sát hành trình lắp đặt trên tàu này là Vishipel. Tổ công tác IUU chia sẻ, nếu các tàu đi đến gần vùng ranh giới đối diện với khu vực biển Bandar Seri Begawan của Brunei, Puerto Princes a city của Philippines, thì việc theo dõi trực tuyến sẽ được bám sát thường xuyên. Thông qua hệ thống Icom tầm xa, hoặc điện thoại tích hợp theo thiết bị giám sát hành trình của VNPT, Tổ công tác IUU sẽ nhắc nhở bà con không đi vượt tuyến.
Kiểm soát chặt chẽ
Trong những ngày qua, trước thông tin nóng bỏng về tàu cá của ngư dân Bình Thuận mang biển số BTh 97478 TS, do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng bị mất tín hiệu giám sát hành trình, sau đó mất tích tại tọa độ cách bờ biển Phan Thiết hơn 120 hải lý, công tác nắm bắt tình hình, giám sát tàu cá hành trình trên biển của Tổ công tác IUU tại cảng cá Phú Lạc được tăng cường hơn bao giờ hết. Vì nếu tàu cá mất tín hiệu, thì Tổ công tác IUU sẽ lập tức dò tìm tín hiệu của tàu cá đang hành trình ở tọa độ gần và thông báo khẩn để những chiếc tàu này chú ý tới tàu cá mất tín hiệu (thường do máy bị lỗi, sét đánh...) cho tới khi con tàu này hiển thị trở lại trên màn hình giám sát.
Khi cuộc họp của Tổ công tác IUU đang diễn ra, thì có điện thoại từ tàu đánh cá mang số hiệu PY 99979 TS thông báo, 1 giờ đồng hồ nữa, tàu sẽ vào cửa biển để bán cá và làm thủ tục kết thúc chuyến biển. Khi nhận được tin tức, Tổ công tác IUU lập tức thực hiện các bước đồng kiểm, gõ lại hành trình của con tàu này để kiểm tra lại vệt đi từ ngày con tàu xuất hành cho tới ngày trở về. Chiếc tàu này đã đi dọc từ vùng biển Sông Cầu, tỉnh Phú Yên sang tới vùng biển thuộc phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó lại ngược trở về vùng biển thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi đồng kiểm hành trình của tàu cá mang số hiệu PY 99979 TS, Tổ công tác IUU tiếp tục nhận điện thoại và kiểm tra hàng loạt các tàu đánh cá khác thông báo sẽ về trong ngày, đồng thời, tổ chức ra bến để kiểm tra thực tế tại tàu.
Khi kiểm tra thực tế tại boong của tàu cá, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Nông xuống tàu trước tiên và kiểm tra lại toàn bộ số thuyền viên đi trên tàu, thăm hỏi, nắm bắt tình hình, nguyện vọng của bà con, tiếp nhận tin báo của ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển. Cán bộ của Chi cục Thủy sản kiểm tra nhật ký đánh bắt, xem xét các loại cá đánh bắt phù hợp với loại mắt lưới quy định hay chưa...
Việc kiểm tra từ tín hiệu trên màn hình tới thực tế tại tàu cá cũng là cơ hội để Tổ công tác IUU tranh thủ tuyên truyền cho bà con ngư dân về tình hình tuần tra, xử phạt mạnh của các quốc gia giáp Biển Đông như Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei.
Vận động, thuyết phục
Tại làng chài bên cửa biển Phú Lạc, cán bộ Biên phòng chia sẻ và hướng dẫn ngư dân cách xử lý khi máy giám sát hành trình mất tín hiệu. Theo quy định thì chủ tàu nên sử dụng Icom tầm xa để thông báo tọa độ với Tổ công tác IUU, sau đó, nếu không khắc phục được thì trở về đất liền. Đây là vấn đề ngư dân đã được cấp tài liệu, nhưng không phải ai cũng để ý, nên Tổ công tác IUU phải nhắc nhở. Thứ 2 nữa là việc trả tiền thuê bao hàng tháng cho đơn vị chủ quản thiết bị giám sát hành trình, nếu không thì máy sẽ bị ngắt tín hiệu một đầu, nên con tàu này sẽ không hiển thị trên máy chủ.
Trung úy Huỳnh Kim Đỉnh cho biết, ở địa phương này có nhiều tàu đánh cá đầu tư giàn thiết bị, áp dụng công nghệ 4.0 vào đánh bắt cá rất lớn, tàu của anh Đào Quang Minh đang neo tại bến có hệ thống máy dò quét trị giá tới 2,85 tỷ đồng. Anh em Tổ công tác IUU nắm bắt chi tiết này để vận động, thuyết phục ngư dân không vượt ra khỏi đường ranh giới. Nhờ làm tốt công tác vận động nên phần lớn ngư dân ở địa phương này đều chấp hành tốt.
Bài 2: Cận cảnh những con số vi phạm IUU
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận