Hiên ngang Cồn Cỏ. Bài 1: Thuyền nan đối đầu với tàu chiến Mỹ

12:33 21-10-2022

VBĐVN.vn - Trong chiến tranh chống Mỹ, người dân Quảng Trị có câu nói nặng lòng về đảo Cồn Cỏ: “Đảo là quả tim. Dân Vĩnh Linh là mạch máu”. Không quân, pháo hạm, tàu chiến của Mỹ tập trung đánh phá dữ dội, nhưng “chiến hạm” Cồn Cỏ không bao giờ bị chìm. Ngày nay, đảo Cồn Cỏ đã trở thành huyện đảo, là điểm du lịch hấp dẫn ở biển khơi.

“Quý khách đang đến với Cồn Cỏ xanh mãi,“chiến hạm” không bao giờ chìm, Bác Hồ ba lần viết thư khen ngợi về tinh thần chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Đảo tiền tiêu Cồn Cỏ anh hùng hiên ngang giữa biển khơi, cần sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân, chung sức xây dựng đảo vững về an ninh, quốc phòng, mạnh về kinh tế…” - Thuyền trưởng Trần Công Nam giới thiệu trên loa phóng thanh cho 130 hành khách trên tàu Chính Nghĩa - Quảng Trị ra thăm đảo Cồn Cỏ.

Đại tá Trần Văn Thà, Đảo trưởng Cồn Cỏ trong những năm chiến tranh ác liệt. Ảnh: Hải Luận

Ông Nam kéo còi cho tàu rời cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị, chạy được nửa hải trình đã nhìn thấy rõ đảo Cồn Cỏ giống như “chiến hạm” khổng lồ hướng về phía Nam. Tàu vào âu thuyền Cồn Cỏ, có nhiều xe điện đợi sẵn trên cầu cảng đón khách đi tham quan đảo. “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Cồn Cỏ đã có 104 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu, tiếp tế bảo vệ đảo. Nhưng vì sao Cồn Cỏ không có nghĩa trang liệt sĩ, mà chỉ có đài tưởng niệm? Bởi vì người hy sinh là những người con quê hương Vĩnh Linh và các huyện lân cận, ngày đêm chở quân, tiếp tế vũ khí, lương thực… bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Người dân với những chiếc thuyền nan nhỏ bé, mái chèo tay đã phải đương đầu với máy bay, tàu chiến của Mỹ. Đa số các liệt sĩ đã hy sinh trên biển…” - Thượng tá Trần Văn Huy (người con Vĩnh Linh), Trưởng Công an huyện Cồn Cỏ giới thiệu với đoàn khách Hà Nội ở đài tưởng niệm đảo Cồn Cỏ.

Nhường đắc địa cho hỏa lực Mỹ

Trước khi ra đảo Cồn Cỏ, tôi đã gặp Đại tá Trần Văn Thà ở tỉnh Khánh Hòa, từng làm Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ những năm Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Ông tóm lược: “Tư tưởng chỉ đạo tác chiến bảo vệ đảo Cồn Cỏ là lấy bảo vệ lãnh thổ làm gốc, tổ chức phòng ngự giữ đảo làm cơ bản. Tạo tính bất ngờ trong chiến thuật, giảm thương vong ngoài chiến đấu. Phương châm nhường đắc địa cho hỏa lực Mỹ, dụ Mỹ ném bom vào các vị trí đắc địa có chọn lọc của ta, tránh đối đầu với bom Mỹ. Đưa toàn bộ lực lượng, binh lực, hỏa lực, sở chỉ huy, thông tin ra mép nước, rìa đảo, bãi đá…”.

Tổng diện tích đảo Cồn Cỏ chỉ khoảng 230ha, không quân Mỹ tập trung đánh phá đảo, hết tốp máy bay này đến tốp khác, liên tục và thường xuyên trong nhiều năm. “Các điểm cao, những vị trí phi công Mỹ cho là quan trọng, tôi quyết định dụ chúng đến đánh. Mỗi lần có từ 3-5 chiếc máy bay Mỹ cùng đồng loạt trút bom xuống đảo. Chúng quay về, tôi yêu cầu bộ đội lên cắm cờ, phơi mấy bộ áo quần rách, nghi binh trận địa giả. Máy bay trinh sát đến phát hiện mục tiêu vẫn còn đó, chúng gọi loại máy bay phản lực tới trút bom. Bộ đội ta cứ ra ngoài mét nước, núp vào những hốc đá. Nhờ vậy mới trụ nổi suốt nhiều năm ở đảo Cồn Cỏ. Tổng kết chiến tranh, mỗi chiến sĩ trên đảo phải gánh chịu 22,6 tấn bom đạn Mỹ” - Đại tá Thà phân tích.

Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Hải Luận

Quân Mỹ còn sử dụng đạn pháo phốt pho gây cháy và bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Đại tá Thà kể tiếp: “Có lần, pháo nổ văng phốt pho vào chảo canh của bộ đội, ăn gần hết bữa mới phát hiện ánh sáng trong nồi canh và cơm. Lập tức, tôi gọi bác sĩ Huỳnh Ry giải độc cho bộ đội, bằng cách móc họng từng người để cho ói ra hết. Ói ra vẫn thấy ánh sáng óng ánh của phốt pho, sau đó, uống dung dịch kẽm để trung hòa, ăn cháo trắng. Về sau, nhiều lần bộ đội vẫn ăn phải phốt pho”...

Mở “đường máu” đột phá trên biển

Đảo Cồn Cỏ luôn bị 4 tầng đánh phá: Máy bay trên trời đánh xuống, pháo hạm ngoài khơi nện vào, pháo mặt đất ở Cồn Tiên - Dốc Miếu bắn ra, biệt kích người nhái đánh vào ban đêm.

Để “quả tim Cồn Cỏ” còn đập mãi, người dân các xã ven biển huyện Vĩnh Linh đã xung phong chèo tuyền tiếp tế vũ khí, lương thực cho Cồn Cỏ. “Có thời điểm quân Mỹ chặn đánh và bịt hết mọi ngả đường ra đảo. Dân và quân Vĩnh Linh phải mở “đường máu” đột phá trên biển để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Tôi làm thuyền trưởng lên xã nhận nhiệm vụ, gặp anh trai của tôi cũng được bộ đội địa phương điều về làm thuyền trưởng. 4 chiếc thuyền chuẩn bị xuất bến, anh trai dặn tôi: “Trận này ác liệt, em nhớ cho thuyền đi đúng khoảng cách”. Thuyền ra cách đảo khoảng 8 hải lý, 4 chiếc tàu chiến Mỹ lao tới. Thuyền chúng tôi nổ súng đánh trước để lấy khí thế. Trận chiến không cân sức, hai chiên sĩ hy sinh và anh tôi bị thương nặng, chúng tôi cố dìu nhau bơi vào đảo” - ông Hồ Văn Triêm, 87 tuổi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh kể chi tiết.

Ông Hồ Văn Triêm, thuyền trưởng gan dạ trên cung đường tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Hải Luận

Ngày hôm sau, đảo trưởng Trần Văn Thà làm lễ xuất quân cảm tử để đưa thương binh, liệt sĩ vào lại đất liền. Ông Triêm thuật lại: “Anh trai tôi bị thương quá nặng, đã hy sinh tại bệnh viện. Bố tôi (ông Hồ Văn Mò) nói: “Anh con đã hy sinh, bố lên xã đăng ký đi thay anh con vận chuyển lương thực ra đảo”. Năm đó, bố tôi đã 70 tuổi vẫn xuống thuyền chèo rất khỏe. Riêng gia đình tôi có 3 bố con cùng tiếp tế cho Cồn Cỏ. Dân Vĩnh Linh là mạch máu như rứa đó”...

Giai đoạn đầu chiến tranh, quân và dân ta sử dụng thuyền nan đánh cá của người dân Vĩnh Linh để đưa bộ đội, vũ khí, lương thực ra đảo Cồn Cỏ. Sau đó, Khu ủy Vĩnh Linh và các đơn vị Quân đội đóng thuyền bằng gỗ, chở được nhiều hàng hóa, khi gặp thuận gió căng buồm chạy. Điểm tập kết hàng hóa và bến xuất phát tại thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch.

“Thông thường, chiều tối bắt đầu bốc hàng hóa lên thuyền, trời tối là xuất bến. Đi ban đêm không sợ máy bay Mỹ, chỉ sợ đoàn tàu chiến Mỹ thường xuyên lùng sục, chặn đánh. Có lần, nước chảy mạnh, trời mù, thuyền của tôi không cập được đảo, tôi đánh điện vào bờ báo cáo tình hình, bờ gọi ra cho đảo biết. Đảo trưởng Trần Văn Thà ra lệnh bắn 3 quả đạn pháo lên trời, yêu cầu thuyền tôi lắng tai nghe để đoán hướng của đảo. Cách khoảng 5 hải lý, tôi nghe tiếng pháo nổ, định được hướng và cố chèo cập vào được đảo” - ông Triêm không quên kỷ niệm.

Bài 2: Xây dựng đảo thanh niên

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang