Hiên ngang Cồn Cỏ. Bài 2: Xây dựng đảo thanh niên
VBĐVN.vn - Từ khi Chính phủ đã quyết định đưa dân ra định cư lâu dài trên đảo Cồn Cỏ, Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng đảo Cồn Cỏ được thành lập, lớp lớp thanh niên hồ hởi ra đảo. 20 năm qua, nhiều lứa đôi đã nên duyên vợ chồng, một thế hệ mới sinh ra và lớn lên nơi đảo tiền tiêu là bước ngoặt để Chính phủ thành lập huyện đảo Cồn Cỏ.
“Tối nay, anh nên tranh thủ xuống “phố” xem cảnh náo nhiệt của khách du lịch. Có khách du lịch ra đảo, nhiều người có đồng vô đồng ra, hàng quán, dịch vụ bắt đầu phát triển. Hệ thống giao thông trên đảo Cồn Cỏ đã cơ bản hoàn thiện với đường bao quanh đảo, đường trục ngang, trục dọc, rất thuận lợi đi lại” - Thiếu tá Ngô Xuân Phương, cán bộ Đồn Biên phòng Cồn Cỏ, BĐBP Quảng Trị vừa nói chuyện, vừa dẫn tôi đi quanh đảo.
“Mầm non” ở đảo xa
Khi màn đêm buông xuống, trung tâm huyện Cồn Cỏ rạng rỡ ánh đèn, náo nhiệt không khác gì các phố thị trong đất liền. Chủ nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê… là những cựu thanh niên xung phong đã kiên trì bám trụ ở lại đảo. Một số người đã trở thành cán bộ, nhân viên các phòng, ban, cơ quan huyện Cồn Cỏ, tranh thủ mở dịch vụ làm thêm, cũng là phục vụ du khách ra đảo.
Ngược dòng thời gian 20 năm trước, 43 thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, bắt đầu khởi tạo xây dựng đảo dân sự. “Năm 2002, chúng tôi ra đảo không có nhà ở, phải tự làm lán ở, rồi dần dần xây những ngôi nhà đầu tiên. Những ngày đầu lập nghiệp, bà con phải dựa vào các đơn vị Quân đội đứng chân trên đảo từ nước ngọt sinh hoạt, lương thực đến thuốc chữa bệnh lúc ốm đau… Bộ đội cũng khó khăn nên quân dân phải dựa vào nhau để vượt qua” - ông Nguyễn Quang Thánh, Phó ban Thường trực Ban Xây dựng Đảng Huyện ủy Cồn Cỏ, nguyên Tổng đội trưởng thanh niên xung phong đảo Cồn Cỏ nhớ lại.
Làm xong nhà mới, các thanh niên xung phong bắt tay vào xây dựng các công trình trên đảo, góp phần kiến thiết đảo. Đôi bạn trẻ đầu tiên nên vợ chồng tại đảo là anh Ngô Văn Phong và chị Trần Thị Dung, cùng quê Vĩnh Linh. Năm 2004, họ sinh con, đứa trẻ cất tiếng khóc trên đảo, giống như “mầm non” mọc lên đầu tiên ở biển khơi. Sau đó, có thêm mấy cặp thanh niên thành vợ chồng, tiếng trẻ thơ mang đến sức sống mới nơi đảo xa.
“Khi chưa có con, cả hai vợ chồng cùng đi làm, bây giờ một người phải ở nhà trông con, thu nhập giảm một nửa. Chi phí lại tăng lên gấp hai, gấp ba lần. Bù lại, các cháu nhỏ là “trung tâm” niềm vui của nhiều người trên đảo, ai cũng yêu, cũng nựng” - chị Trần Thị Dung tâm sự.
Ông Nguyễn Quang Thánh thông tin thêm: “Đến hôm nay, đã có 8 đôi vợ chồng trưởng thành từ Tổng đội thanh niên xung phong còn ở lại đảo Cồn Cỏ. Số khác do nhiều lý do khác nhau, họ đã vào đất liền sinh sống. Gia đình tôi có ba thế hệ tham gia đóng góp bảo vệ và xây dựng đảo Cồn Cỏ. Bố tôi là thương binh khi tham gia vận chuyển, tiếp tế vũ khí, lương thực cho đảo, tôi tham gia Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng đảo từ ngày đầu, con trai tôi đã tốt nghiệp đại học, đang công tác tại huyện đảo Cồn Cỏ”.
Năm 2004, Chính phủ quyết định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 2017, tỉnh Quảng Trị thực hiện chủ trương mới, đưa những gia đình trẻ ra đảo Cồn Cỏ sinh sống, với tên gọi “Thanh niên lập nghiệp”. Đến nay, đảo Cồn Cỏ có 19 hộ dân sinh sống, có trường mầm non, tiểu học, trung tâm y tế…
Cơ giới hóa trên đảo
Sau ngày đất nước thống nhất, đảo Cồn Cỏ ngổn ngang phế liệu bom, đạn chiến tranh để lại, gần như dày đặc ở trên mặt đất và nằm dưới sâu. Bộ đội phải ngày đêm thu dọn, xây dựng lại doanh trại và các công sự sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.
“Nhìn bộ đội làm công trình xây dựng đảo Cồn Cỏ, tôi mới hiểu sâu sắc câu nói của Bác Hồ tặng bộ đội công binh “chân đồng vai sắt”. Hàng vạn tấn vật liệu tàu chở từ đất liền ra đảo đều do bộ đội khuân vác bằng sức người đi xây dựng các công trình” - Trung tá Trần Công Nam, cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị nhớ lại.
Năm 1998, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đưa xe cẩu xuống cảng Cửa Việt, cẩu cả chiếc xe công nông lên tàu vỏ thép chở ra đảo Cồn Cỏ. Tàu cập cầu cảng Cồn Cỏ, mọi người mới giật mình, đảo không có cần cẩu để đưa cả chiếc xe công nông lên đảo. “Huy động bộ đội xuống tàu dỡ từng bộ phận xe công nông rời ra, vận chuyển lên cảng. Bộ phận nào nặng, chặt cây bạch đàn, bóc vỏ, chờ thủy triều lên cao để tàu nổi cao hơn cảng, gác cây làm cầu rồi đẩy lên cảng. Tháo xe ra thì dễ, bây giờ lắp vào rất khó, bởi vì bộ đội toàn “tay ngang”, hì hục cả tuần mới ráp xong chiếc xe công nông” - Trung tá Nam kể tiếp.
Xe công nông xuất hiện ở đảo Cồn Cỏ được xem là cơ giới hóa đầu tiên ở hòn đảo tiền tiêu, đồng thời “giải phóng” biết bao nhiêu sức lực của bộ đội, đẩy nhanh tiến độ công trình. Hồi đó, đảo ít có đường, chỉ có xe công nông mới ngự trị được mọi địa hình ở Cồn Cỏ.
Hoạt động cơ giới hóa trên đảo được đẩy nhanh khi các chuyến sà lan đặc chủng tấp nập đưa ô tô tải, máy kéo, máy xúc, cần cẩu ra đảo. Các công trình trên đảo nhờ thế được đẩy nhanh tiến độ, lần lượt được đưa vào sử dụng, sừng sững vươn mình trên gió cát giữa trùng khơi.
Bài 3: Công dân “số 1” của đảo
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận