Hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam

09:32 19-12-2019

          Với hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ các loại, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, với diện tích khoảng 1.700 km2, Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Ở nước ta, tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam, rất thuận lợi cho việc thông thương qua lại đại dương. Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài biển gắn bó mật thiết với đời sống con người và là cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của mọi miền đất nước. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước chú trọng và đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

1. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam

1.1. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam

- Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09 tháng 02 năm 2007, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Ban Chấp hành Trung ương khóa X;

- Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

- Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020”;

- Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13.

1.2. Các chủ trương, chính sách và vai trò chỉ đạo của Chính phủ đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam được thể hiện qua việc tổ chức bộ máy quản lý, điều hành:

- Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 03 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng quản lý nhà nước về biển và hải đảo;

- Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường, quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo Việt Nam.

Cho đến thời điểm này tổ chức bộ máy làm công tác quản lý biển và hải đảo của Việt Nam bao gồm các đơn vị: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, Cục Cảnh sát biển, Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi Cục Biển và Hải đảo và các phòng chuyên môn thuộc Sở TN&MT. Đối với đơn vị quản lý thống nhất về biển hiện có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, gồm có 17 tổ chức và đơn vị trực thuộc Tổng cục gồm 08 tổ chức quản lý Nhà nước, có 09 đơn vị sự nghiệp (01 Viện, 07 Trung tâm và 01 Ban quản lý dự án), có các Chi cục Biển và Hải đảo. Chi cục Biển và Hải đảo thuộc Sở Tài NT&MT và có hàng trăm công chức phục trách, theo dõi biển, hải đảo.

2. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển và hải đảo Việt Nam

 2.1. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản biển, đảo

Công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của nước ta cũng ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những thành quả nhất định; quy mô và phạm vi cũng được mở rộng từ vùng nước nông, ra các vùng nước sâu, xa bờ và một số điểm thuộc vùng biển Quốc tế. Khối lượng công tác thăm dò, khai thác dầu khí đã thực hiện trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là khá lớn. Khảo sát điều tra cơ bản toàn bộ 160 lô, đo địa chấn 2D trên 158 nghìn km, đo địa chấn 3D là 50 nghìn km2. Nhiều bể trầm tích có triển vọng khai thác dầu và khí tự nhiên trên vùng biển và thềm lục địa nước ta; Đã phát hiện thêm nhiều lô dầu khí mới, xác định thu hồi 1,37 tỷ tấn quy dầu và tiềm năng khí các bể còn lại khoảng 2,6 - 3,6 tỷ tấn quy dầu. Kết quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được các bể/cụm bể trầm tích có triển vọng dầu khí: Sông Hồng, Phú Khánh, Hoàng Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Trường Sa - Tư Chính - Vũng Mây, Malay - Thổ Chu và Phú Quốc, trong đó các bể: Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay - Thổ Chu đã phát hiện và đang khai thác dầu khí. Đến năm 2012, đã phát hiện thêm 02 mỏ dầu khí mới.

Kết quả khai thác dầu khí trong những năm, từ năm 2005 - 2012 đạt tốc độ tăng trưởng về sản lượng khai thác dầu thô giảm 1,7%/năm, sản lượng khai thác khí tự nhiên tăng 5,5%/năm và sản lượng dầu thô xuất khẩu giảm 9,1%/năm và tốc độ tăng về tỷ lệ sản lượng dầu thô xuất khẩu so với sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,7%/năm. Trong giai đoạn năm 2005 - 2012, tổng sản lượng khai thác dầu thô trên thềm lục địa Việt Nam đạt 130,27 triệu tấn, khoảng 63,52 tỷ m3 khí tự nhiên và tổng sản lượng dầu thô xuất khẩu đạt 102,25 triệu tấn; bình quân mỗi năm trên thềm lục địa nước ta có thể khai thác được 16 triệu tấn dầu thô/năm, khoảng 7,9 tỷ m3/năm khí tự nhiên.

- Thực trạng khai thác quặng Titan ở vùng biển Việt Nam: Trong những năm gần đây do thị trường tiêu thụ titan và các khoáng sản đi kèm trên thế giới biến động mạnh theo chiều hướng gia tăng về giá cả; ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình khai thác sa khoáng titan ở nước ta. Hoạt động khai thác quặng titan tập trung nhiều ở một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đến nay, riêng ở các tỉnh Miền Trung có trên 50 đơn vị tổ chức khai thác, ở 38 khu mỏ và có 18 xưởng tuyển tinh quặng và đã được khai thác gần 8 triệu tấn quặng titan. Việc quản lý hoạt động khoáng sản được thực hiện thông qua các giấy phép khai thác do 2 cấp quản lý cấp cho các doanh nghiệp trong đó Bộ Công nghiệp (trước năm 2002) hoặc Bộ Tài nguyên & Môi trường (sau năm 2002) cấp giấy phép khai thác cho các mỏ lớn còn ở nông nghiệp (trước năm 2002) hoặc  ở Tài nguyên & Môi trường (sau năm 2002) cấp giấy phép khai thác cho khai thác tận thu khoáng sản.

-      Nghề sản xuất muối: Cả nước có 21 tỉnh sản xuất muối, trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau. Đến năm 2012, tổng diện tích sản xuất muối toàn quốc có 14.528,2 ha. Các tỉnh có diện tích sản xuất muối nhiều như tỉnh Bạc Liêu (2.774 ha), Ninh Thuận (2.380 ha), Bến Tre (1.431 ha), TP. Hồ Chí Minh (1.532,2 ha), Quảng Nam (35 ha), Thái Bình (60,51 ha). Diện tích sản xuất muối công nghiệp năm tập trung ở 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.

 2.2. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và nguồn lợi thủy sản

Khai thác hải sản: Trong những năm qua, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức sản xuất khai thác hải sản, trong đó tập trung vào tổ chức lại sản xuất, hiện đại hóa tàu cá, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, đổi mới và tăng cường năng lực khai thác thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH và hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghề cá trên các vùng biển, các tuyến đảo xa, đảo tiền tiêu và đảo trọng yếu quốc gia như Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quốc, Phú Quý; Nâng cao năng lực đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản. Trong giai đoạn từ năm 2007-2012, khai thác hải sản trên biển có những tăng trưởng đáng ghi nhận, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng tàu thuyền tăng 4,3%/năm, công suất tàu thuyền tăng 3,6%/năm, sản lượng tăng 5,2%/năm và giá trị khai thác tăng 5,9%/năm.

Khai thác tiềm năng đất, nước để nuôi trồng thủy sản

 2.3. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo

- Hiện trạng phát triển điện gió: Theo số liệu điều tra ban đầu của chính phủ, Việt Nam có khoảng 17.400 ha được đánh giá là thích hợp cho các dự án, công trình phát triển năng lượng gió. Thời gian qua, tại các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận đã và đang đi tiên phong trong triển khai một số dự án phong điện, tiềm năng phát triển ở khu vực này khoảng hơn 8 nghìn MW.

Phát triển điện gió với đặc thù là phân tán, nhỏ lẻ, cục bộ, hiện đang được các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, song việc triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn: Chưa có chính sách và các quy định, trợ giá trong việc mua điện từ nguồn năng lượng gió; Thiếu kiến thức và năng lực kỹ thuật để thực hiện một công trình điện gió hoàn chỉnh, cũng như các kỹ thuật cơ bản và dịch vụ đi kèm sau lắp đặt; Các Công ty Điện lực địa phương chưa sẵn sàng vào cuộc, việc xây dựng hạ tầng đáp ứng cho các dự án phong điện sẽ mất thời gian khá lâu.

- Hiện trạng phát triển điện thủy triều: Những vùng biển có tốc độ dòng chảy có vận tốc 2 - 3m/s sẽ tạo ra công suất 4 - 13kWh/m2. Qua áp dụng phương án xây dựng trạm điện thủy triều dạng sử dụng vận tốc dòng chảy trên vụng Hồng Vân - Cô Tô tỉnh Quảng Ninh, một thách thức hiện nay là chi phí xây dựng khá cao, khoảng gần 50 tỷ đồng/1 MW. Vì vậy, nếu Nhà nước cần có những ưu đãi và hỗ trợ nhất định về điều kiện và nguồn vốn thì để các nhà đầu tư có thể phát triển các dự án điện thủy triều.

2.4. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch

Hiện tại, hoạt động du lịch biển Việt Nam thu hút tới 80% lượng khách du lịch và khoảng 70% tổng số các điểm du lịch của toàn quốc. Với bờ điển dài trên 3.260 km, có nhiều bãi tắm đẹp và nhiều hang, vịnh kỳ thú như ở Móng Cái, Vân Đồn, Vịnh Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Tùng, Vân Phong, Vũng Tàu…cùng có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Những công trình kiến trúc, di tích lịch sử này, ngoài những giá trị khoa học, văn hóa truyền thống còn là những tiềm năng thu lợi lớn, nếu được đầu tư trùng tu tôn tạo kết hợp với ngành du lịch để khai thác. Trong vùng có nhiều bãi biển như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Cửa Tùng, Lăng Cô, Thuận An, Non Nước, Mỹ Khê, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né..., nhiều danh lam thắng cảnh như đèo Ngang, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà..., nhiều di tích lịch sử gắn liền với bề dày dựng nước và giữ nước như thành Huế, thành cổ Quảng Trị, Cửa Việt, Vĩnh Mốc, cảng Đà Nẵng, di tích Sơn Mỹ, Vạn Tường, Chu Lai,... Đó là những tiềm năng du lịch biển gắn với du lịch núi và du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng,... tạo cho ven biển Việt Nam trở thành một vùng du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch và đưa ngành du lịch đang dần trở thành một ngành mũi nhọn, có ý nghĩa với cả nước.

2.5. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vị thế

Căn cứ vào tài nguyên vị thế, quy hoạch phát triển biển đảo đến 2020 đã chỉ ra một số đảo làm trọng điểm đầu tư, bao gồm: trọng điểm về kinh tế (Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh); Nhóm đảo có chức năng du lịch kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử là chủ yếu (Côn Đảo;  Nhóm đảo có chức năng phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh (Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu));  Nhóm các đảo nhỏ khác, trong nhóm đảo này, đáng chú ý là các đảo: đảo Trần, Cảnh Cước, Thượng Mai, Hạ Mai (Quảng Ninh); Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Hòn Mê (Thanh Hóa); Hòn Mắt (Nghệ An); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa); Hòn Hải (Bình Thuận); Thổ Chu, quần đảo Hà Tiên (Kiên Giang) và một số đảo khác...

2.6. Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên đất vùng biển, ven biển và đảo

Mặc dù chất lượng đất vùng ven biển không tốt, lại thường bị thiên tại đe doạ, song nhân dân trong vùng đã tận dụng khai thác tối đa những khu vực có điều kiện để phát triển sản xuất. Đặc biệt những năm gần đây, cùng với sự phát triển các thành phố và các khu công nghiệp ven biển, ngành nông - lâm nghiệp cũng có chuyển biến rõ rệt và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2010, trong cơ cấu sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp chiếm 77,9%, đất phi nông nghiệp chiếm 13,3%, đất chưa sử dụng chiếm 8,8%. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, chiếm 0,8% tổng diện tích đất tự nhiên. Tuy vậy, thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp từ nông dân giao cho các khu công nghiệp đã gặp nhiều khó khăn.

Bài viết đã phản ánh một cách tổng quát về tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2013; những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Cục Chế biến Nông, lâm, thủy sản và nghề muối, 2013.

2.     Niêm giám thống kế và tổng hợp của Viện Chiến lược phát triển, 2013.

3.     Báo cáo tổng hợp dự án Xây dựng chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam, thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020.

Nguyễn Văn Muôn - TTDLB 

Theo vasi.gov.vn - Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam

 

Nguồn:vasi.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang