Hiệu quả của Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”

09:35 26-07-2021

VBĐVN.vn - Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017-2021 (gọi tắt là đề án) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả rất thiết thực. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân vùng biên giới biển được nâng lên, các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội giảm đáng kể, tình hình an ninh chính trị ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong xây dựng các văn bản, kế hoạch thực hiện hàng năm và theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nội dung của đề án. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để kịp thời điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế, đạt kết quả tốt. Đại tá Nguyễn Duy Thắng, Chính ủy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đề án cho biết: “Trong giai đoạn 2017-2021, Thường trực Ban Chỉ đạo đề án đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo ban hành 32 văn bản các loại để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, đã chủ động tham mưu chỉ đạo địa phương, cơ quan, đơn vị đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền; tập trung đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện đời sống, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân ở địa bàn biên giới biển”.

Do trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của quần chúng nhân dân địa bàn biên giới biển thiếu đồng đều; nhân dân phải tập trung lao động sản xuất, hoạt động theo mùa vụ... nên việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, việc xác định hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với địa bàn, đối tượng là khâu quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong giai đoạn 2017-2021, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã không ngừng đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp, sát với từng địa bàn, đối tượng như tuyên truyền tập trung theo đợt, chuyên đề của Ban Chỉ đạo; thông qua thực hiện các biện pháp công tác Biên phòng; kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp dân; các buổi hành lễ của giáo dân; tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở địa phương, đồn Biên phòng; thông qua các chương trình hoạt động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, bằng hình thức sân khấu hóa, cấp phát tờ rơi, tờ gấp... Kết quả, đã tuyên truyền được 76 buổi với trên 33.700 lượt người dự nghe, tuyên truyền 19 buổi cho trên 18.800 lượt cán bộ, chiến sĩ BĐBP, giáo viên, học sinh và người dân; tổ chức tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo cho hơn 1.900 đoàn viên, thanh niên thông qua 3 đợt Hội trại “Tuổi trẻ giữ biển”. Đồng thời, đơn vị đã biên soạn, biên tập 128 bài tuyên truyền liên quan đến các văn bản pháp luật mới, các vấn đề pháp luật mà nhân dân quan tâm phát trên hệ thống truyền thanh địa phương. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị còn vận dụng linh hoạt các hình thức như: phối hợp tổ chức tốt Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hàng năm; thi tìm hiểu pháp luật; tọa đàm, tuyên truyền thông qua chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên HTV9...

Cán bộ Đồn Biên phòng Cần Thạnh, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

Bên cạnh việc tiếp nhận, cấp phát 124 đầu sách pháp luật với 20.191 cuốn; 101.000 đĩa DVD tiểu phẩm pháp luật; 101.000 tờ gấp do trên cung cấp; Ban Chỉ đạo, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, biên soạn thiết kế 14 nội dung tờ gấp, in ấn, phát hành 125.000 tờ; xây dựng 8 tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; in, phát hành 4.500 đĩa DVD; 28 khẩu hiệu, 8 pa nô tuyên truyền ở các khu vực cửa sông, cửa lạch; in sao, cấp phát 1.800 bộ tài liệu các loại. Hàng năm còn cấp phát bổ sung hàng chục đầu sách pháp luật cho các tủ sách pháp luật ở các xã, thị trấn địa bàn biên giới biển và các đơn vị BĐBP.

Từ những hình thức, phương pháp và mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân địa bàn biên giới biển. Qua đó, phát huy tốt hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng địa bàn Biên phòng vững mạnh, phục vụ yêu cầu hội nhập và phát triển của thành phố. Một trong những minh chứng rõ nét nhất chính là số vụ vi phạm pháp luật ở các xã, thị trấn khu vực biên giới biển năm sau đều giảm hơn so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Chiến, tổ 2, khu phố Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cho biết: “Được cán bộ BĐBP và địa phương tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, nhận thức về pháp luật của người dân chúng tôi đã được nâng lên, mọi người đều chấp hành tốt pháp luật và các quy định của địa phương, các tội phạm và tệ nạn xã hội giảm đáng kể; thôn, ấp được bình yên giúp cho chúng tôi yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống”.

Có thể khẳng định, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn biên giới biển thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển thành phố; tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức; giúp cán bộ, nhân dân nắm, hiểu, chấp hành và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ công dân và những vấn đề pháp luật quy định; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển nói riêng, địa bàn thành phố nói chung, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, loại bỏ những tập tục, những thói quen xấu, qua đó nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, đoàn thể, địa phương; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu địa phương, đơn vị, Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, khảo sát, nắm chắc nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; trên cơ sở đó, nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo và mở rộng thành phần, đối tượng tuyên truyền.

Văn Nam (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang