Đồng Nai:

Hỗ trợ kinh phí để ngư dân chấm dứt sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản

10:50 22-08-2021

VBĐVN.vn - Để chấm dứt tình trạng sử dụng ngư, cụ cấm trong khai thác thủy sản đòi hỏi phải có kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác thủy sản tận diệt sang ngành nghề khác nhằm bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy hải sản đây là vấn đề đang được các ngành chức năng trên cả nước nỗ lực thực hiện. Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành đã quy chế quy định chế độ hỗ trợ các ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, quy chế quy định những trường hợp ngư dân cư trú trên địa bàn tỉnh đã hoạt động khai thác thủy sản bằng các nghề, ngư cụ: te, đăng, lồng xếp (lợp xếp), đáy có giấy phép khai thác thủy sản hoặc hợp đồng khai thác thủy sản trên các thủy vực của tỉnh Đồng Nai. Để được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định những trường hợp trên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Có giấy tờ, tài liệu xác nhận của Công an cấp xã về nơi cư trú của ngư dân tại địa phương, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Có Giấy phép khai thác thủy sản trên các thủy vực của tỉnh Đồng Nai hoặc có hợp đồng khai thác thủy sản trên khu vực hồ Trị An (từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019), bằng các ngư cụ: te, đăng, lồng xếp (lợp xếp), đáy. Và có đơn đề nghị hỗ trợ và cam kết không tái hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy sản theo quy định và nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Chi phí hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu khi chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản được quy định với 4 mức như sau: Đối với ngư cụ te: 14 triệu/ngư dân; Ngư cụ đăng: 17,5 triệu/ngư dân; Ngư cụ lồng xếp (lợp xếp): 35 triệu/ngư dân; Ngư cụ đáy: 40 triệu/ngư dân.

Ảnh minh họa.

Là một tỉnh có nhiều tiềm năng, điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, Đồng Nai có nhiều khu vực có nguồn lợi thủy sản phong phú như: Hồ Trị An, rừng ngập mặn (thuộc huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch), hệ thống các sông, đặc biệt là hạ nguồn sông Đồng Nai... Nhiều năm qua, tình trạng đánh bắt, khai thác theo kiểu tận diệt nguồn thủy sản trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt trên hồ Trị An rất đáng báo động vì đây là nguyên nhân làm tận diệt nhiều loài thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học.

Theo quy định, các nghề, ngư cụ sẽ bị cấm khai thác trên địa bàn tỉnh bao gồm các nghề: lồng xếp, nghề đăng, đáy, te và tất cả các ngư cụ có sử dụng điện. Số lượng phương tiện, ngư cụ cấm khai thác tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh là 745 trong tổng số 1.759 phương tiện đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 42%.

Theo cơ cấu lại các nghề, phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 4 nghề nằm trong danh mục cấm khai thác gồm nghề lồng xếp, te, đăng, đáy sẽ cắt giảm hoàn toàn; đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh không còn các nghề này hoạt động và chuyển dịch sang các nghề, ngư cụ được phép hoạt động theo quy định.

Thời gian qua, thực hiện các giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản như: Hoạt động khai thác phải đi đôi với việc bảo vệ các nguồn gen các loại thủy sản quý hiếm đang dần bị mất đi; thường xuyên theo dõi sự biến động nguồn lợi thủy sản tự nhiên và có kế hoạch thả bù giống thủy sản để kịp thời phục hồi sản lượng tự nhiên; triển khai thực hiện bảo vệ các bãi đẻ của cá, nơi tập trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các loài thủy sản đã được tỉnh Đồng Nai rất quan tâm. Đặc biệt, trên hồ Trị An chú trọng đến các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái cần cắm mốc tọa độ, xác định ranh giới, biển báo quy định khu vực giới hạn. Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên hồ, cần tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý khu vực bảo vệ; tăng cường giám sát, quản lý của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chung trong hồ; cấm sử dụng các ngư cụ hủy diệt, khai thác các loài thủy sản quý, hiếm hoặc có nguy cơ bị đe dọa.

Mai Trang (theo Tổng cục Thủy sản)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang