Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV:

Hỗ trợ ngư dân bám biển, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo

15:53 18-12-2019

Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng 30/10, một số đại biểu đã thảo luận về tình hình Biển Đông và các giải pháp kinh tế biển hiện nay.

Giữ vững chủ quyền biển đảo

Theo Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, trong năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động. Một số nước lớn điều chỉnh chính sách, chiến lược quốc phòng và quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng, tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Trần Việt Khoa phát biểu tại phiên họp.

Đáng chú ý, tình hình khu vực Biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn ở khu vực biển có một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới này, đe dọa tới an ninh khu vực. "Trước tình hình đó, từ tháng 5/2019, đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10/2019 vừa qua, về hoạt động dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, phía nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối một cách hết sức là phi lý. Ngoài ra, họ đưa tàu khảo sát vào thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35 và 40 chiếc tàu xuống để bảo vệ tàu khảo sát", Trung tướng Trần Việt Khoa cho biết.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ngoại giao trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Trung tướng Trần Việt Khoa khẳng định: "Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta, quy luật đấy ngày nay được thể hiện ở hai nhiệm vụ rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, với các đặc điểm, yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong những điều kiện mới, giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước". Theo đó, năm 2018, sau khi Bộ Chính trị thông qua và kết luận các chiến lược Quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này. Đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức biên chế quân đội, mua sắm vũ khí trang bị bảo đảm theo tinh thần tinh - gọn - mạnh, đáp ứng với các kiểu chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới.

 "Đất nước ta đã từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta thấy được cái tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn luôn cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước", Trung tướng Trần Việt Khoa nói.

          Tạo điều kiện để ngư dân bám biển   

Đồng quan điểm với Trung tướng Trần Việt Khoa về vấn đề Biển Đông, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn lại báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Theo đó, báo cáo nêu tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc nước ngoài vi phạm nghiêm trọng các vùng biển Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ khoan nhượng;  đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Để giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước, theo đại biểu, ngư dân là một lực lượng tham gia đấu tranh trên thực địa và phát triển kinh tế biển. Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau hơn 3 năm triển khai (tính từ 25/4/2014 đến 31/12/2017, thời điểm dừng ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới nâng cấp cho 1.178 tàu, trong đó có 1.032 tàu đóng mới với tổng số tiền cho vay gần 11.700 tỷ đồng. Tại Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt 14 đợt cho 260 chủ tàu có đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá, trong đó có 246 tàu khai thác, 14 tàu dịch vụ hậu cần. 61 chủ tàu đã ký hợp đồng đóng mới gồm 48 tàu thép, 8 tàu composite và 5 tàu gỗ. Tổng số tiền cho vay gần 931 tỷ đồng và ngân hàng đã giải ngân 911 tỷ đồng.

Nghị định 67 đã giúp hiện đại hóa tàu cá vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định đã xảy ra một số bất cập, dẫn đến việc hiện nay dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng, ngư dân chậm trả nợ, hoặc không trả được nợ do chi phí vận hành tàu thép lớn, từ nhân công đến nhiên liệu, nhưng sản lượng đánh bắt không tăng là bao do nguồn lợi thủy sản của nước ta có hạn.    Đến nay, nhiều ngân hàng đã khởi kiện ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67. Số vụ khởi kiện này ngày càng tăng.

Để khai thác được nhiều hơn, ngư dân tìm đến vùng biển ngoài Việt Nam để đánh bắt và vi phạm quy định dẫn đến Việt Nam bị Liên minh châu Âu - EU phạt thẻ vàng (thẻ phạt dành cho những hoạt động đánh bắt cá vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt).

Theo đại biểu Lê Công Nhường, để phát triển nghề cá bền vững cần có sự phát triển đồng bộ về phương tiện kỹ thuật, ý thức cộng đồng, trong đó, phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép chứ không chỉ nâng cấp về phương tiện kỹ thuật. Chính phủ cần tháo gỡ kịp thời khó khăn của những ngư dân tiên phong hưởng ứng Nghị định 67, để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp tăng cường thu hồi nợ vay của các tàu làm ăn hiệu quả nhưng chây ỳ; hướng dẫn cho ngư dân cơ chế bàn giao khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới; quy định về nợ quá hạn, lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất trong trường hợp chủ tàu mới nhận lại khoản vay của chủ tàu cũ bị quá hạn.

Với tàu nằm bờ, sản xuất không hiệu quả không có khả năng trả nợ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ nợ trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực cho hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm với mức 90%; Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cải tạo, chuyển đổi tàu cá thành tàu vận chuyển hàng hóa; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân phát huy công suất khai thác phương tiện và phát triển kinh tế.

Quang cảnh phiên họp sáng 30-10.

Theo TTXVN

 

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang