Bình Thuận

Hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá trên các vùng biển xa

12:06 25-11-2021

VBĐVN.vn - Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Quyết định về việc hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt xuất chi ngân sách tỉnh với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng để chi đợt 1 năm 2021 hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa. Trong đợt này, thành phố Phan Thiết là địa phương được hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nhiều nhất với hơn 6,5 tỷ đồng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định. Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thông báo và tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo đúng quyết định.

Ngư dân thị xã La Gi đưa hải sản lên bờ. Ảnhh: Báo BìnhThuận

Bình Thuận là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 1.800 tàu cá có chiều dàu từ 15 m trở lên. Sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 200.000 tấn/năm. Những năm qua, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân trong tỉnh yên tâm vươn khơi bám biển, mở rộng ngư trường khai thác, tăng cường sự hiện diện của tàu cá Việt Nam ở các vùng biển, đảo xa bờ, góp phần thiết thực hiện việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp sửa chữa cho 187 tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt hơn 1.273 tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa. Ngoài ra, ngư dân trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ vay vốn để mua máy, thiết bị sử dụng trên tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ như: các thiết bị dò cá, thu thả lưới; thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt; thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác…

Nhằm tạo điều kiện cho các tàu thuyền, ngư dân được hoạt động khai thác hải sản, tạo thu nhập cho người dân, khắc phục khó khăn, khôi phục kinh tế trong tình trạng dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý thống nhất cho phép tàu thuyền, ngư dân tiếp tục hoạt động khai thác hải sản.

Theo đó, sẽ khuyến khích tàu thuyền từ 15m trở lên có máy giám sát hành trình VMS và hoạt động khai thác từ 15 ngày trở lên. Tất cả toàn bộ thuyền viên trên tàu, thuyền phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận điều trị khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và phải có chứng nhận xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính trong vòng 72 giờ. Thực hiện nghiêm quy định 5K. Chấp hành nghiêm quy trình thông báo, khai báo y tế khi xuất, nhập bến.

Đặc biệt, khi xuất, nhập bến tàu thuyền phải thông báo cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý trước 2 giờ để tiến hành các thủ tục. Khuyến khích các thuyền viên ở lại phương tiện để đi biển chuyến tiếp theo, trường hợp cần thiết lên bờ phải thông báo cho Trạm Kiểm soát Biên phòng để khai báo y tế và xét nghiệm Covid-19. Trường hợp có nhu cầu kiểm tra tàu thuyền đang neo đậu tại các cảng, bến... thì thuyền trưởng, chủ phương tiện phải đăng ký tại Trạm kiểm soát Biên phòng hoặc các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của Bộ đội Biên phòng để được hướng dẫn. Nếu phương tiện và thuyền viên nào cố ý vi phạm, không tuân thủ các điều kiện trên, phải xử lý nghiêm và không cho phép ra biển khai thác hải sản chuyến tiếp theo cho đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.

Theo thoidai.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang