Học từ bộ đội nhà giàn

09:24 24-01-2022

VBĐVN.vn - Ai từng ra thăm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và các nhà giàn DK1 ở thềm lục địa hẳn sẽ lưu lại trong mình những ấn tượng tốt đẹp.

Riêng việc trồng rau xanh, dường như ai cũng ngỡ ngàng, rồi khâm phục cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Trên cát mặn, san hô, bê tông cốt thép, hiếm đất, khan nước-trong nắng lửa, bão dông, bộ đội vẫn trồng được những khay rau, vườn rau tươi tốt. Với tôi, 3 lần ra Trường Sa và nhà giàn thì không chỉ có khâm phục, mà còn học được nhiều điều thú vị từ bộ đội ở nơi trùng dương gian khó, để bây giờ “điền viên” trên sân thượng giữa Thủ đô...

Ngỡ ngàng thềm lục địa

Trồng rau ở đảo nổi, đảo chìm Trường Sa đã khó, ở thềm lục địa còn khó khăn, kỳ công gấp bội. Ở đây phải tận dụng từng xen-ti-mét vuông mặt bằng để đặt các khay rau. Nhà giàn lại như chiếc chòi mỏng manh giữa đại dương, cứ hào phóng nắng, hào phóng gió, có dịp hàng tuần cuồng phong, nhiều khi nước biển còn hắt cao lên tận sàn đặt các khay rau. Lính nhà giàn luôn phải che chắn kỹ càng, chỉ sơ sẩy thoáng chốc là nước biển làm hỏng cả lứa rau.

Tháng tư năm 1999, lần đầu tiên tôi ra thềm lục địa. Lên nhà giàn nào tôi cũng thấy lạ với loại rau quen thuộc, dân dã-ấy là mồng tơi! Bởi tôi chưa thấy ở đâu lại có những cây mồng tơi tốt, to ngoại cỡ như thế. Thân cây như ngón tay, lá gần bằng bàn tay người lớn. Trung úy Nguyễn Văn Sỹ khi đó là chỉ huy Nhà giàn DK1/15 quảng bá: “Mồng tơi ở đây tươi tốt quanh năm, là dự trữ “chiến lược”. Lúc gối vụ các loài rau khác thì đã có mồng tơi, nhưng phải ăn dè. Có bữa cả nhà giàn mà chỉ tỉa đúng 5 lá mồng tơi cũng nấu được xoong canh to, ngon tuyệt...”.

Trồng rau trên sân thượng theo cách của bộ đội nhà giàn.

Chúng tôi hỏi về nguyên nhân để có mặt hàng dân dã mà “chiến lược” này, chủ nhà giàn trả lời như muốn gửi gắm bao điều: “Chắc là mồng tơi tự thích nghi. Thân mập, lá to và dày mới tồn tại và phát triển được ở nơi quanh năm nắng lửa, gió lớn, sóng to các anh ạ!”. Người ta hay nói kháy “nguy hiểm như giẫm phải gai mồng tơi!”, vậy mà ở đây mồng tơi chống chọi và chiến thắng nắng gió khắc nghiệt thì thật thú vị-có thể trước bất thường của thời tiết, mồng tơi nhà giàn “bật gai” mà cũng “hóa thành chông”!

Bí quyết

Mồng tơi tự thích nghi để tồn tại và tươi tốt, nhưng chắc hẳn phải “có bột mới gột nên hồ”. “Bột” ấy là công sức, kỹ thuật canh nông và cả tâm hồn của người lính giữa ngàn khơi. Tôi muốn được “chuyển giao công nghệ”, những “lão nông” ngoài biển sẵn lòng, nhiệt tình giảng giải. Ngày ấy, mồng tơi nói riêng, rau xanh nói chung ở nhà giàn được trồng trên những khay kép. Khay trên là các thanh gỗ vỏ thùng hàng ghép lại, cao khoảng 25cm, đục một số lỗ nhỏ ở đáy và xung quanh. Khay dưới dùng để giữ nước, cũng thường là gỗ ghép lại và dùng nhựa đường gắn thật kín; hoặc can nhựa 20 lít bổ dọc thành hai khay, có khay thì lại gò bằng tôn. Khay giữ nước chiều cao chỉ bằng 1/2 khay trên, nhưng chiều rộng và chiều dài lớn hơn khay trên khoảng 7cm. Đất trồng rau mang từ đất liền ra. Khi trồng hoặc gieo hạt thì đặt khay trên vào khay giữ nước. Rải một lớp đất mỏng khoảng 5cm ở đáy khay trên, sau đó rải đầu và ruột cá cùng rác nhà bếp ở xung quanh, rồi lấp đất thật kín bề mặt (cách thành trên khoảng 3cm). Rau được trồng hoặc gieo hạt lên đó, mấy ngày đầu tưới vừa đủ độ ẩm, cây bén rễ thì không cần tưới trực tiếp lên cây, lên khay trên, mà chỉ đổ nước vào khay dưới (luôn duy trì mực nước khoảng 2cm). Cứ thế, nước thẩm thấu qua những lỗ nhỏ cung cấp vừa đủ cho cây. Theo cách này, không cần phải tưới rau hằng ngày, lại tiết kiệm nước tối đa, rau không bao giờ bị khô héo. Trời mưa to, rau cũng không bị úng nước.

Về “bí quyết” để rau 4 mùa tươi tốt, "người nhà giàn" bật mí: Cái chính là bón cây bằng đầu cá, ruột cá-một "tiềm năng" của nhà giàn. Vùng thềm lục địa này rất nhiều cá, nhất là cá nhòng thật hám mồi. Anh em chỉ đứng ở sàn dưới cùng rồi quăng dây câu ra xa khoảng 20m thì cá bắt mồi liền, cứ thế mà kéo lên. Câu được cá sẽ đưa vào bữa ăn, làm nước mắm và phơi khô; đầu và ruột cá dùng bón cây. Với kỹ thuật làm khay và cách trồng, chăm bón cẩn thận như trên thì loại phân bón đặc biệt này không hề bốc mùi và ruồi, nhặng cũng không đánh hơi được. Vì thế, rau tươi tốt 4 mùa, mồng tơi thì mập không đâu bằng và rau nhà giàn có tiếng là siêu sạch, ngon đậm đà. Bây giờ, nhà giàn đã có “bồn trồng rau thông minh”, nhưng cách chăm sóc rau của lính nhà giàn vẫn bí quyết ấy, vì họ đã thông minh trước “bồn thông minh” chí ít là 20 năm.

DK1 - không mấy xa xôi

Ba lần trở về từ Trường Sa và nhà giàn DK1, nhưng mãi đến năm 2007, tôi mới có “đất dụng võ”... trồng rau trên sân thượng! Chẳng khác mấy ngoài thềm lục địa, nhưng thuận lợi hơn nhiều. Thay vì khay gỗ, tôi tận dụng những thùng xốp bỏ đi (nhưng phải kín, giữ được nước, cao khoảng 25cm). Đầu và ruột cá thì mua rất rẻ (hiện chỉ 1.000 đồng/kg). Cách thức trồng thì có “vận dụng sáng tạo”, thay vì khay kép, tôi cho đất, ruột cá, đầu cá và rác nhà bếp vào những giỏ mà người ta vẫn dùng ươm cây giống, trồng rau trên đó rồi đặt vào thùng xốp (giỏ ươm cây nhà sản xuất đã để sẵn những lỗ nhỏ; dùng giỏ to hay nhỏ, đặt vào thùng xốp bao nhiêu giỏ là tùy thuộc vào từng loài rau và kích cỡ các thùng xốp). Mỗi cây rau được trồng riêng biệt ở mỗi giỏ-chính là “vận dụng sáng tạo”. Vì như thế cây không thể tranh giành dinh dưỡng của nhau, mà lớn đều tăm tắp. Trồng rau xong chỉ tưới đủ ẩm mấy hôm đầu, rồi thỉnh thoảng “tiếp nước” vào thùng xốp (cũng duy trì mực nước khoảng 2cm), vừa đỡ công tưới, vừa tiết kiệm nước; rau không bao giờ héo hoặc úng nước; cũng không hề “có mùi”; ruồi, nhặng không bén mảng. Rau ở cấp độ siêu sạch, khi tặng bạn bè ai cũng khen ngon.

Đã hơn 10 năm chưa thăm lại nhà giàn, nhưng đúng vào những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, qua những thước phim của đồng nghiệp, tôi như được gặp lại những người lính nhà giàn, nhưng không phải ngoài thềm lục địa, mà ở nơi tâm dịch. Trong tôi cứ dâng trào xúc động, lắng lòng cảm mến những chiến sĩ Vùng 2 Hải quân-những chiến sĩ nhà giàn DK1 đã đến với đồng bào trong lúc cam go. Họ hòa vào dòng người tình nghĩa, len lỏi qua bao ngõ nhỏ để tặng tận tay người dân TP Hồ Chí Minh và Bình Dương những túi quà mang dòng chữ “Quà an sinh DK1”, đầy ý nghĩa...

Bây giờ, mỗi khi lên vườn rau trên sân thượng, tôi như thấy nhà giàn DK1 không mấy xa xôi, cảm ơn các chiến sĩ nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang