Học viện Hải quân: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

15:17 26-04-2021

Học viện Hải quân là trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của Quân chủng Hải quân và Quân đội. Trải qua 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã vun đắp nên truyền thống: “Tích cực, chủ động khắc phục khó khăn đoàn kết, kỷ luật dạy tốt, học tốt”.

Thực tiễn cho thấy, nhân tố có ý nghĩa quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ Nhà trường các thời kỳ; sự đoàn kết, khắc phục khó khăn, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên của các tập thể, cá nhân trong toàn Học viện; trong đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên là lực lượng nòng cốt. Từ ngày đầu thành lập, chỉ với 15 cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy thiếu thốn, lạc hậu, song được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp cùng với nhiệt huyết cách mạng và ý chí quyết tâm cao; đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện từng thời kỳ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp to lớn vào sự nghiệp GD-ĐT, của Học viện anh hùng.

Thủ trưởng Học viện kiểm tra giờ học thực hành của học viên. Ảnh: Đức Lợi

Bài học kinh nghiệm được Đảng bộ Học viện rút ra trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp GD-ĐT đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, tận tụy trong công tác, có năng lực chuyên môn và đạo đức sư phạm trong sáng”. Để hoàn thành nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH, cũng như nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên suốt chặng đường đã qua, Học viện thường xuyên coi trọng phát huy nhân tố con người; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng với chất lượng ngày càng cao, từng bước chuẩn hóa các tiêu chuẩn, chức danh theo quy định. Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viên đã phát triển ngang tầm nhiệm vụ, có đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đạt tỷ lệ dự trữ trên 10%; trong đó 100% trình độ đại học, trên 75% trình độ sau đại học. Cán bộ, giảng viên được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin; đã trải qua chức danh lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, kinh nghiệm thực tiễn phong phú; nhiều đồng chí là nhà giáo giỏi các cấp, học hàm giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…; đây là lực lượng quyết định chất lượng GD-ĐT của Học viện thời gian qua. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện hiện nay vẫn tồn tại một số bật cập: “chất lượng một số giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Học viện; tỷ lệ giảng viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn còn thấp. Công tác tạo nguồn cán bộ, giảng viên có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức, sự kế thừa giữa các thế hệ chưa bền vững”.

Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng trao Giấy chứng nhận Giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Ảnh: Đức Lợi

Bước vào giai đoạn phát triển mới, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; xây dựng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; khả năng thích ứng với hình thái mới của các cuộc chiến tranh hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Hải quân Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cùng sự phát triển nhanh chóng của vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; chủ trương xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu nhiệm vụ trong tình hình mới đã và đang là đòi hỏi cấp thiết đối với Học viện Hải quân... Nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đặt ra trọng trách nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện. Để đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên phải theo hướng hội tụ đủ các yếu tố về phẩm chất, năng lực theo tiêu chí chung của cán bộ, sĩ quan trong Quân đội. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên của Học viện còn cần phải có những phẩm chất, tiêu chí phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của một nhà trường đào tạo sĩ quan Hải quân cho Quân đội và đất nước. Nhiệm vụ NCKH cần phải có hiểu biết sâu sắc về khoa học, nghệ thuật quân sự Hải quân; có năng lực khái quát thực tiễn, phát triển lý luận từng lĩnh vực chuyên ngành; có tư duy quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; nhạy bén, sắc sảo, có kinh nghiệm thực tiễn qua các đơn vị chiến đấu trong Quân chủng; có trình độ sư phạm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo chuẩn chức danh chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “đến năm 2025 đội ngũ cán bộ, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục của Học viện đạt tiêu chuẩn chức danh theo Luật Giáo dục đại học: trên 90% đạt chuẩn chức danh giảng viên, trên 70% giảng viên có trình độ sau đại học; 20-25% có học vị tiến sĩ”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban giám đốc và các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện cần tập trung triển khai hiệu quả một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên; nhất là cán bộ chủ trì các cấp về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đậy là giải pháp có vai trò quyết định đến chất lượng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện cả trước mắt và lâu dài. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Học viện cần tăng cường công tác giáo dục, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo của Đảng, mệnh lệnh, chỉ thị của trên, nhất là Nghị quyết số 1348- NQ/ĐU; Chỉ thị 292-CT/ĐU của Đảng ủy Quân chủng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ XX; Nghị quyết số 95-NQ/ĐU về lãnh đạo thực hiện đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức giai đoạn 2019-2030” tại Học viện Hải quân vào thực tiễn nhiệm vụ GD-ĐT và xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện tốt các thông tư của Bộ GD-ĐT và BQP quy định về tiêu chuẩn, chức danh chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên trong tình hình mới, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân triển khai xây dựng kế hoạch, tiêu chí phấn đấu, rèn luyện cụ thể, phù hợp với đặc điểm yêu cầu, nhiệm vụ từng cơ quan, khoa, đơn vị để có lộ trình phấn đấu đạt được mục tiêu đã xác định.

Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: Đức Lợi

Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Đây là giải pháp có vai trò quan trọng, là bước triển khai cụ thể hóa nghị quyết lãnh đạo các cấp về công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa phương châm: lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với đơn vị trong GD-ĐT. Yêu cầu đặt ra là cần quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết lãnh đạo các cấp vào quá trình xây dựng quy hoạch, kchuế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của từng cơ quan, khoa, đơn vị; quy hoạch và kế hoạch phải đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trước mắt vừa có tính kế thừa, không để hẫng hụt trong quá trình chuyển giao các thế hệ; cần bám sát quy hoạch để điều động, bổ nhiệm cán bộ giảng viên đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT trong từng giai đoạn phát triển; xây dựng các tiêu chí, đánh giá, phân loại, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển.

Thứ ba, quan tâm thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết giữa Học viện Hải quân với các cơ sở đào tạo, tăng cường học hỏi kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng; tích cực, chủ động cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài nước; chú trọng đề nghị, điều động cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế; đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, chỉ huy tại đơn vị trong Quân chủng; lựa chọn những hình thức phù hợp để những cán bộ giảng viên nữ đi tìm hiểu, nghiên cứu thức tế nhằm tăng cường kiến thức thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên nữ phấn đấu theo các chức danh chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ.

Thứ tư, phát huy vai trò tích cực chủ động của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong phấn đấu rèn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT trong tình hình mới. Đây là giải pháp quan trọng, là động lực trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên trong tình hình mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí, trang bị kỹ thuật mới và xu thế đổi mới giáo dục đại học, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT… đang đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Yêu cầu đặt ra đối với từng cá nhân cần phải quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong từng giai đoạn phát triển; cần bám sát những tiêu chuẩn, quy định gắn với chức trách nhiệm vụ được giao để xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện của bản thân cho phù hợp. Bên cạnh việc tu dưỡng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, chuyên môn, nghiệp vụ, cần đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi của tập thể, mỗi cán bộ, giảng viên cần xác định các hình thức, nội dung học tập, tu dưỡng rèn luyện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện hậu phương gia đình để xây dựng quyết tâm, kiên trì phấn đấu rèn luyện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, những khó khăn của hậu phương gia đình cán bộ, giảng viên đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác dự báo, nắm và quản lý tình hình tư tưởng; thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để cán bộ, giảng viên yên tâm phấn đấu, học tập, rèn luyện; chăm lo xây dựng môi trường văn hóa sư phạm chuẩn mực, thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, hậu phương gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên yên tâm, say mê, tận tụy công tác, cống hiến. Quan tâm điều động bổ nhiệm, những cán bộ giảng viên có phẩm chất, năng lực, học vị đáp ứng tôt yêu cầu nhiệm vụ vào những vị trí thích hợp. Đồng thời, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp trên bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài quân sự về công tác tại Học viện Hải quân.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với xây dựng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đang đặt ra yêu cầu ngày càng cáo đối với công tác GD-ĐT ở Học viện Hải quân. Cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, giảng viên cần quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ; tiến hành đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, ngang tầm với sự phát triển yêu cầu nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH và định hướng phát triển của Học viện trong giai đoạn mới.

(Chuẩn Đô đốc Chu Ngọc Sáng, Chính ủy Học viện Hải quân)

Nguồn:baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang