Học viện Hải quân vận dụng bài học kinh nghiệm từ Đường Hồ Chí Minh trên biển
VBĐVN.vn - Nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021), Ban Biên tập xin gửi đến bạn đọc bài viết "Vận dụng bài học kinh nghiệm của Đường Hồ Chí Minh trên biển trong giáo dục - đào tạo ở Học viện Hải quân" của Chuẩn Đô đốc, PGS, TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Học viện Hải quân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có chiến công trên tuyến vận tải biển chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Những bài học kinh nghiệm về hoạt động tác chiến này, đặc biệt là việc tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo và phương thức hoạt động… trong hoàn cảnh khó khăn cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển sáng tạo vào hoạt động quân sự - quốc phòng và giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).
Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759-Vận tải quân sự đường biển. Đến tháng 10-1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân và tháng 1-1964 đổi tên thành Đoàn 125 Hải quân hay còn gọi là Đoàn tàu không số. Từ đây, con đường vận chuyển trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam ra đời với tên gọi Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Từ năm 1961 đến 1975, Đoàn đã thực hiện gần 2 nghìn chuyến vận tải, cung cấp hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa và nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang cách mạng hoạt động trên khắp các chiến trường miền Nam.
Vận dụng những bài học kinh nghiệm của hoạt động tác chiến Đường Hồ Chí Minh trên biển trong công tác GD-ĐT tại Học viện Hải quân cần xem xét đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho các đối tượng học viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh, làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, song qua thực tế chiến đấu và công tác, yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng chính là sức mạnh chính trị tinh thần. Sức mạnh đó được kết tinh trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, trở thành động lực thôi thúc họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh... mưu trí, dũng cảm lập nên thiên huyền thoại bất tử trên con đường biển mang tên Bác.
Trong điều kiện đầy hiểm nguy, đối mặt với gian khổ, ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã nêu cao ý chí chiến đấu, luôn giữ vững niềm tin, ý chí sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; sẵn sàng hy sinh, đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ bí mật tuyến đường lên trên hết. Đó là động lực chủ yếu thúc đẩy bộ đội Hải quân ta đem hết sức chiến đấu, năng lực trí tuệ và sự sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Vận dụng bài học đó, công tác GD-ĐT của Học viện Hải quân trước hết phải tập trung vào giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu cho cán bộ, giảng viên, học viên nhằm giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng yêu nước, danh dự và khát khao cống hiến cho Tổ quốc; chuyển hóa bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu thành suy nghĩ và hành động; nhận thức rõ đối tác, đối tượng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng; xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ-người Chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.
Công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí chiến đấu phải được chú trọng tiến hành đối với tất cả các đối tượng. Trước hết là cho nhiệm vụ giảng dạy, truyền thụ, học tập và rèn luyện để học viên tốt nghiệp ra trường sẵn sàng chấp nhận hy sinh, lấy mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ là trên hết, vì mục tiêu, lý tưởng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng cao cả.
Công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí chiến đấu phải thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả; từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đến giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua với nội dung sinh động, vừa cổ vũ, động viên, hướng dẫn hành động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến đấu trong tương lai; đặc biệt chú trọng nêu gương những cán bộ, chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo ứng phó với mọi tình huống, vượt qua gian khổ, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, tập trung bồi dưỡng cho học viên kiến thức chuyên môn; trình độ, khả năng làm chủ VKTBKT; tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường khi hoạt động chiến đấu trên biển.
Thực tiễn hoạt động vận tải, chiến đấu trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển, trong điều kiện phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế; trong hoàn cảnh vừa phải chống chọi với sóng to, gió lớn của biển cả vừa đấu tranh với sự ngăn chặn quyết liệt của đối phương có trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn vượt qua tất cả.
Để có được thành công đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã tập trung chăm lo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, khả năng làm chủ vũ khí, phương tiện kỹ thuật và truyền thụ kinh nghiệm đi biển của cha ông cho cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức tự lực, tự cường, làm chủ con tàu và VKTB; chủ động nắm bắt tình hình, thông minh, linh hoạt trong xử lý tình huống, khắc phục khó khăn, tìm ra những phương thức vận chuyển độc đáo, nhiều nhất, nhanh nhất, bí mật nhất.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã lợi dụng đêm tối, thời tiết phức tạp để hoạt động. Khi đi gần bờ, ta dẫn tàu bằng địa văn; khi địch phát hiện, lộ bí mật, ta đi xa bờ, dẫn tàu bằng thiên văn. Địch phong tỏa gần bờ, ta đi vùng biển xa; địch phong tỏa đường biển dài, ta đi phân đoạn. Ta chủ động về thời gian, cách thả hàng, bến bãi, đồng thời khéo léo kết hợp ngụy trang nghi binh, gây cho địch bất ngờ; tổ chức phối hợp cùng với quân dân, khẩn trương bốc hàng để giữ bí mật bến bãi, con đường.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tác chiến hải quân hiện đại, công tác GD-ĐT của Học viện đã và sẽ tiếp tục bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu” và phương châm GD-ĐT “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”; trang bị những kiến thức cơ bản về quân sự, tham mưu, tác chiến; những bài học tính toán tác nghiệp chiến thuật, điều động tàu, xác định các yếu tố, tham số của mục tiêu; những giờ tập bài chiến thuật-chiến dịch chú trọng rèn luyện thành kỹ năng, kỹ xảo, rèn luyện tư duy chiến thuật, tác phong và bản lĩnh chỉ huy; không lệ thuộc vào công nghệ, dẫn đến chủ quan duy ý chí.
Hiện nay, ở Học viện Hải quân đã và đang đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, hoàn thiện và áp dụng triệt để mô hình “Học tập tích cực-Học tập năng động” để học viên đạt được kiến thức, kỹ năng, thái độ toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan Hải quân và các lực lượng khác cho quân đội, quân chủng.
Thứ ba, GD-ĐT phải bám sát với thực tiễn chiến trường.
Việc ra đi của những con tàu chở đầy vũ khí vào các bến ở miền Nam luôn phải gắn chặt với những đợt hoạt động nóng bỏng nhất trên khắp chiến trường ven biển của đối phương. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù.
Đã có những chuyến đi không thành công, Hải quân ta phải tạm dừng hoạt động vận tải chi viện, củng cố, xây dựng lực lượng, tiến hành các hoạt động trinh sát thực địa, khảo sát các bến bãi, tổ chức các chuyến tàu đánh cá giả dạng trinh sát tìm hiểu quy luật hoạt động của địch. Trong quá trình hoạt động vận tải chi viện, chính thực tiễn chiến trường đã tôi luyện nên khả năng đi biển, bản lĩnh chiến đấu, ý chí kiên cường cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta.
Do đó, ngày nay, hoạt động GD-ĐT phải bám sát với thực tiễn chiến trường, Nhà trường gắn với đơn vị là một trong những phương châm huấn luyện của Học viện Hải quân.
Học viện Hải quân chủ động phối hợp với Bộ Tham mưu (Quân chủng Hải quân), đề xuất với Tư lệnh Hải quân ban hành Quy chế phối hợp, đưa cán bộ các cơ quan, đơn vị trong quân chủng tham gia hoạt động đào tạo, huấn luyện tại học viện. Đồng thời, học viện tăng cường cử hàng trăm cán bộ, giảng viên đi thực tế nghiên cứu, khảo sát ở các đơn vị có VKTB mới, hiện đại để cập nhật, điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, huấn luyện theo mục tiêu chuẩn đầu ra, phù hợp với hoạt động thực tiễn huấn luyện, SSCĐ; chuyển từ đào tạo cái mình có sang đào tạo những cái mà đơn vị cần và sẽ cần.
Học viện Hải quân bổ sung các môn học mũi nhọn về lĩnh vực quân sự Hải quân; vừa đáp ứng tính liên thông, liên ngành, vừa trang bị thêm các kỹ năng cho học viên; cải cách mạnh mẽ phương pháp dạy, học; phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, phát hiện cái mới; tăng cường đối thoại, tranh luận, gợi mở, nêu vấn đề. Quá trình đào tạo chú trọng rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, chỉ huy, giao tiếp, diễn đạt, thuyết trình, sử dụng ngoại ngữ, xử trí tình huống trong thực tiễn và năng lực tự học, tự nghiên cứu; tác phong sát thực tế, chiến trường, chức trách, nhiệm vụ với từng đối tượng; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trình độ ngoại ngữ để nâng cao hiệu quả quá trình giao lưu, hội nhập và đối ngoại quốc phòng của quân chủng trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Học viện Hải quân còn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo; chuyển phương pháp đánh giá kết quả học tập người học, từ đánh giá kiến thức sang đánh giá kỹ năng thực hành, vận dụng, tư duy tổng hợp, khả năng giải quyết sáng tạo, hiệu quả nhiệm vụ khó khăn, phức tạp trong thực tiễn.
Thứ tư, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm những hoạt động thực tiễn, tìm ra phương thức mới đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Thực tế trên biển thời kỳ bấy giờ, Mỹ-ngụy đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân, không quân kiểm soát gắt gao đề phòng tàu thuyền ta xâm nhập. Nhất là từ năm 1965, Mỹ-nguỵ tiến hành chiến dịch phong toả vùng sông biển miền Nam nhằm rào chặt con đường trên biển. Trong điều kiện đó, lực lượng của ta thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để không ngừng lớn mạnh, kịp thời tìm ra những phương thức vận chuyển mới, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Vận dụng điều đó, công tác GD-ĐT của Học viện Hải quân nói riêng thường xuyên được tổng kết để truyền thụ lại không chỉ cho cán bộ, giảng viên, học viên, mà còn cho cán bộ, sĩ quan trong toàn quân chủng. Những hoạt động đi thực tế đơn vị, thực tập, khảo sát chiến trường được tiến hành bài bản và ngày càng chuyên sâu hơn. Việc phối kết hợp với các đơn vị trong quân chủng khi tổ chức diễn tập có bắn đạn thật, bắn tên lửa… cho giảng viên, học viên được tham gia nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao kinh nghiệm hoạt động trên biển thu nhiều kết quả quan trọng.
Những chuyến đi biển đường dài áp dụng phương pháp dẫn tàu bằng tính toán tác nghiệp địa văn, thiên văn trên các vùng biển, trong các mùa khác nhau, điều kiện thời tiết phức tạp; kinh nghiệm hoạt động ở các vùng biển phức tạp như Trường Sa, các luồng thủy nội địa; các cuộc diễn tập, ở trung tâm mô phỏng tác chiến được tổng kết, truyền thụ cho các thế hệ học viên để mỗi chuyến đi biển, mỗi cuộc diễn tập thực binh, khảo sát chiến trường... là một hoạt động ý nghĩa giúp nâng cao kiến thức, trí tuệ, kinh nghiệm cho hoạt động công tác và chiến đấu mai sau.
Thời gian dần trôi, nhưng những bài học kinh nghiệm phong phú về nghệ thuật quân sự của Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển trong mọi hoạt động của bộ đội Hải quân; trong đó có hoạt động GD-ĐT của Học viện Hải quân, góp phần đào tạo, cung cấp những cán bộ, sĩ quan ưu tú, có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới cho Quân chủng Hải quân và quân đội.
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận