Hội nghị Bộ trưởng về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương dự kiến tổ chức vào đầu tháng 9-2021, tại Thụy Sỹ.

14:15 29-08-2021

VBĐVN.vn - Ngày 26-8-2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tham dự Hội nghị Bộ trưởng về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm tại Hội nghị trực tuyến Các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020)

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Năm 2017, Việt Nam cùng với 126 quốc gia khác thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Ngày 16-8-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Chính phủ Việt Nam, trong bối cảnh và vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và với cam kết trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, tăng cường sự hiểu biết, ủng hộ và hỗ trợ hình thành Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương. Đồng thời tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Sau Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.1) vào tháng 02 năm 2021, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức đã gửi Công thư mời Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia đồng chủ trì Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương (cùng với các Bộ đối tác của Ecuador, CHLB Đức, Ghana, với sự hỗ trợ tổ chức của UNEP).

Sau khi xem xét ý nghĩa quan trọng của việc tham dự Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tham dự nhằm mục đích giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương được đẩy lên cao trên chính trường nghị sự nhằm hướng tới kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5.2) sẽ được tổ chức vào tháng 02 năm 2022.

Ý nghĩa của Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương

Trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam tham gia cùng với các nước Ecuador, Đức, Ghana đồng chủ trì Hội nghị quốc tế quan trọng này sẽ mang tính biểu tượng, củng cố thêm vị trí và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế của Việt Nam với vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và với cam kết trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, cụ thể như:

- Triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII về chủ động hội nhập quốc tế; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030;

- Thể hiện vai trò chủ động và tích cực, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; thể hiện tinh thần “Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc;

- Truyền đạt thông điệp đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương vì mục tiêu phát triển bền vững;

- Đóng góp tiếng nói tích cực từ khu vực trong việc kêu gọi xây dựng Thỏa thuận với các mục tiêu tham vọng và mạnh mẽ trong việc chống lại ô nhiễm nhựa đại dương, đồng thời là cơ hội để phát triển quan hệ hợp tác với các vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế về giải quyết ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương;

- Góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia; thúc đẩy, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong quản lý ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương;

- Tạo dấu ấn về khả năng phối hợp với các nước đồng chủ trì tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua những hình thức, phương tiện phù hợp dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn phức tạp trong nước và trên
thế giới.

Thời gian, địa điểm tổ chức và dự kiến thành phần tham dự

Hội nghị dự kiến sẽ được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong 02 ngày (1 và 2 tháng 9 năm 2021) tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ở Geneva, Thụy Sỹ.

- Đại biểu tham dự tại Hội nghị trực tiếp (1+1): dự kiến đại diện Phái đoàn thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ tham dự và phát biểu.

- Đại biểu tham dự tại đầu cầu Việt Nam: dự kiến Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đại biểu dự trực tuyến: dự kiến mời đại diện một số Bộ, cơ quan, tổ chức quốc tế, cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và một số chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan thông tấn, báo chí.

Chương trình Hội nghị

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đại diện các quốc gia đồng chủ trì, Ban tổ chức Hội nghị, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình chi tiết theo Chương trình Hội nghị.

Hội nghị sẽ bao gồm các phiên chính sau:

(i) Phiên khai mạc Hội nghị: dự kiến Lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại đầu cầu ở Hà Nội;

(ii) Cập nhật về hiện trạng ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương gần đây;

(iii) Tóm tắt kết quả của các Cuộc họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng đã được tổ chức ngày 27,28 tháng 05 và 28, 29 tháng 06 năm 2021 và trình bày về dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng;

(iv) Tóm tắt các bước trong tiến trình hướng tới Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5.2);

(v) Phiên đối thoại cấp cao để xem xét, thảo luận, thông qua Tuyên bố Bộ trưởng: dự kiến đại diện Phái đoàn phát biểu trực tiếp tại Hội nghị;

(vi) Báo cáo tóm tắt của các đồng chủ trì;

(vii) Cập nhật về các quy trình liên quan và các vấn đề khác;

(viii) Bế mạc Hội nghị: dự kiến đại diện Phái đoàn sẽ phát biểu trực tiếp tại Hội nghị.

Trong bối cảnh hạn chế đi lại quốc tế hiện nay và do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh trong quá trình tham dự Hội nghị nêu trên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Thu Nguyên (theo vasi.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang