Hội thảo khoa học quốc tế “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

09:10 19-12-2019

Ngày 29/11/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, TS. Tạ Đình Thi đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo do Viện Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu biển và hải đảo – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và các giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam cũng như trên thế giới đồng thời tạo cơ hội mở rộng hợp tác và hình thành mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã và đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Ts. Tạ Đình Thi phát biểu tại hội thảo.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”. Dự thảo Kế hoạch này hiện đã được Bộ và Tài nguyên Môi trường trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự thảo Kế hoạch được xây dựng trên tinh thần đảm bảo tính cụ thể, khả thi; các nhiệm vụ, giải pháp được nêu có lộ trình thực hiện, vạch ra những nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên; gồm cả các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm giải quyết ngay các tồn tại trước mắt và lâu dài. Trong đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển, theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, Việt Nam mong muốn tạo được những bước đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa. Kế hoạch hành động cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể theo lộ trình từ nay tới năm 2030, gắn với hoàn thiện cơ chế, chính sách, giảm thiểu rác thải đại dương, hạn chế tiến tới loại bỏ sử dụng túi nilon sử dụng một lần trong các khu du lịch, dịch vụ ven biển… Sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành, các trường đại học trong nước và quốc tế có ý nghĩa rất lớn cùng với Việt Nam thực hiện hiệu quả và thành công Kế hoạch hành động này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tập trung xây dựng dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính trong tháng 12/2019 về việc xây dựng “Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương”; đồng thời triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu mở, đây sẽ là một cơ hội để Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, tổ chức quản lý và nghiên cứu quốc tế có liên quan, cũng như chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Thủ tướng Chính phủ cam kết huy động mọi nguồn lực của xã hội trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, đặc biệt sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ thông qua thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh nhằm hướng tới một xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, với vai trò là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần khẳng định tư duy lãnh đạo; vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh cho phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa đại dương đang ngày càng thu hút sự quan tâm toàn cầu.

Mặc dù Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không đề cập trực tiếp tới ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, nhưng những mục tiêu này đều đưa ra những nội dung nhằm ngăn ngừa xả thải rác thải nhựa ra môi trường, ngăn ngừa những hiểm họa đối với sinh vật và các hệ sinh thái biển, sức khỏe con người, đặc biệt là triển khai những sáng kiến để giảm thiểu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đồ nhựa dùng một lần. Vì vậy, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi nhấn mạnh, “cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa không còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mà đây chính là cuộc chiến mang tính toàn cầu. Sự tham gia tích cực của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt các chuyên gia đến từ các đại học danh tiếng trên thế giới trong Hội thảo này là một minh chứng cho điều đó”.

Toàn cảnh hội thảo

Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi đánh giá cao nỗ lực của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo và ông hy vọng rằng, những kết quả của Hội thảo này sẽ góp phần tích cực vào công tác nghiên cứu các giải pháp và xây dựng chính sách quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa trên biển Việt Nam trong thời gian tới.

Thông qua các phần trình bày của diễn giả tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước đã có dịp được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến rác thải nhựa, tập trung vào các chủ đề: (i) Thực trạng và tác động của rác thải nhựa đến thiên nhiên và con người; (ii) Các phương pháp xử lý rác thải nhựa, nhựa và vật liệu chất dẻo; (iii) Các giải pháp quản lý và kỹ thuật phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm nhựa/ rác thải nhựa… Các vấn đề quan trọng này đã lần lượt được làm rõ và cụ thể hoá, các nghiên cứu cùng với bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã được chia sẻ, các ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các bên liên quan đã được trao đổi, thảo luận và tổng hợp lại thông qua các phiên thảo luận toàn thể và theo chủ để tại Hội thảo.

Theo Thu Thuỷ (vasi.gov.vn-Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)

 

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang