Huấn luyện thuần thục, sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn

14:49 16-05-2022

VBĐVN.vn - Đóng quân ở vùng biển Tây Nam, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển. Tháng 5, thời tiết các tỉnh phía Nam đang chuyển sang mùa mưa, chính vì vậy công tác huấn luyện, TKCN ở đơn vị diễn ra thường xuyên hơn, với nhiều tình huống sát thực tế nhiệm vụ.

Một buổi huấn luyện TKCN của Tàu 251, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân. Tình huống giả định là một ngư dân bị nạn trong quá trình đánh bắt trên vùng biển Kiên Giang. Lúc này, khi đang làm nhiệm vụ trực tuần tiễu gần khu vực tàu cá bị nạn, Tàu 466 nhận được lệnh của trên nhanh chóng cơ động ra vị trí ứng cứu. Đến địa điểm đã được xác định, cách người bị nạn 10-15m, bằng các kỹ năng đã được luyện tập, tổ cứu vớt trên tàu nhanh chóng thả dây, phao để nạn nhân bám. Trên tàu, một tổ 3 người dùng cáng vớt kéo nạn nhân lên tàu, khẩn trương tiến hành các biện pháp sơ, cấp cứu.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 512 và Tàu 466, Lữ đoàn 127 kéo tàu cá ngư dân gặp nạn vào bờ

Thượng uý Phan Thành Luân, Thuyền trưởng Tàu 251 chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất khi TKCN trên biển là các tình huống đều diễn ra trong điều kiện sóng to, gió lớn; các tàu cá chưa được trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc. Do vậy, người làm công tác TKCN vừa phải có kỹ năng sơ cấp cứu, bơi giỏi, vừa phải biết vận dụng thuần thục các động tác yếu lĩnh, sao cho bản thân mình an toàn, rồi mới thực hiện phương án cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm”. Cùng với các kĩ năng TKCN, việc rèn luyện sức khoẻ cho bộ đội được Lữ đoàn đặc biệt quan tâm… Nhiều đồng chí khi nhập ngũ bơi chưa giỏi nhưng sau thời gian huấn luyện tại đơn vị đã có thể bơi được hàng nghìn mét…

Để bộ đội làm chủ trên biển, ngoài thời gian chính khoá, Lữ đoàn còn tổ chức duy trì luyện tập bổ trợ vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Tận dụng các hoạt động huấn luyện SSCĐ và tuần tra, canh gác, lồng ghép các nội dung huấn luyện các bảng bố trí chiến đấu, bảng phòng tai, chống cháy, chống chìm, cứu người rơi xuống nước; huấn luyện cách làm dây cứu kéo, ủi bãi, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn…

Trung tá Nguyễn Văn Cường, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn cho biết: Lữ đoàn huấn luyện theo phương châm “cơ bản thiết thực vững chắc”, huấn luyện cứu hộ, cứu nạn được kết hợp khi làm nhiệm vụ trên biển. Chúng tôi thường tổ chức huấn luyện từng người, từng vị trí, sau đó mới tiến hành hợp luyện toàn tàu. Hàng tuần các tàu tổ chức huấn luyện lý thuyết kết hợp thực hành; coi trọng huấn luyện nâng cao kỹ năng sử dụng, bảo quản và các động tác thực hành trên các phương tiện, trang bị cứu nạn. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 huấn luyện TKCN theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Nhờ vậy, Lữ đoàn luôn có phương án, lực lượng và phương tiện chuẩn bị sẵn sàng cơ động ứng cứu ngư dân, giúp họ yên tâm làm ăn trên biển.

Thực tế cho thấy, huấn luyện càng sát thực tiễn chừng nào thì khi gặp tình huống, bộ đội càng nhanh chóng tiếp cận và xử lý vấn đề nhanh, gọn, hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, các tàu của Lữ đoàn 127 đã ứng cứu hàng trăm vụ tai nạn trên biển, cung cấp hàng nghìn lít dầu, nước ngọt, khám, cấp thuốc cho ngư dân.

Luyện tập xử lý cứu người bị đuối nước. Ảnh: CTV

Ông Tiêu Hiên Trung, chủ tàu cá KG 93003TS ở Châu Thành, Kiên Giang cho biết: Năm 2020, tàu của tôi bị trôi dạt và mắc cạn ở bãi đá trong điều kiện thời tiết rất xấu, dễ xảy ra nguy hiểm nhưng cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 466 không quản ngại khó khăn, vất vả đã cứu kéo về cảng an toàn cả người và tài sản. Chúng tôi luôn trân trọng tấm lòng của bộ đội Hải quân nói chung, các anh ở Tàu 466 nói riêng. Còn Thiếu tá Nguyễn Trung Thông, Chính trị viên Hải đội 512 thì khẳng định: Cứu giúp ngư dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh trái tim của người lính Hải quân khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Trong những tình huống nguy cấp liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của bà con, thì ngoài những kỹ năng đã được luyện tập thường xuyên, mỗi người lính còn phải có tấm lòng, coi bà con ngư dân như người thân của mình để nỗ lực giúp đỡ. Qua mỗi lần cứu hộ, cứu nạn tình cảm quân, dân càng thêm gắn kết, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng vững chắc.

Việc huấn luyện các phương án, rèn luyện kỹ năng TKCN trên biển là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị, để bộ đội Hải quân nói chung, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127 nói riêng trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang