Huy động gần 12.700 tỷ đồng phát triển nuôi biển
Theo đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm 0,16%, ngân sách địa phương 0,85% và thu hút từ các thành phần kinh tế 98,99%. Các nguồn vốn này, tỉnh đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển 11.931 tỷ đồng, nuôi nhuyễn thể 757 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, ngân sách nhà nước 128 tỷ đồng (Trung ương, địa phương) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi biển, cơ sở vật chất, tăng cường năng lực ngành và các đề tài nghiên cứu về khoa học công nghệ liên quan đến nuôi biển.
Đối với nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế 12.560 tỷ đồng, tỉnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện thiết yếu cho các khu nuôi nội bộ bằng hình thức thu hút các nhà đầu tư hoặc đối tác công tư (PPP) và đầu tư khu sản xuất giống tập trung.
Tỉnh tranh thủ nguồn vốn các tổ chức phi Chính phủ thực hiện trợ giúp kỹ thuật, tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình công nghệ…
Tỉnh chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài như: Quỹ xuất khẩu thủy sản Na Uy, quỹ Aqua-Spark (Hà Lan), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)…
Tỉnh phát triển nuôi biển giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, nuôi biển được xác định trở thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa.
Tỉnh chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại và bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh tập trung phát triển các loài nuôi lồng bè có khả năng thích nghi môi trường tốt, kháng bệnh cao, có giá trị kinh tế như cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng Mỹ, cá cam, cá bớp, cá chẽm, tôm hùm đá, ghẹ… Sò huyết, sò lông, nghêu, hến biển, vẹm xanh, hàu và phát triển trồng rong, tảo biển được nuôi ở bãi triều.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 7.500 lồng nuôi biển; trong đó, 4.700 lồng nuôi cá lồng truyền thống, 1.900 lồng nuôi cá lồng công nghệ cao và 900 lồng nuôi thủy sản khác.
Diện tích mặt nước nuôi lồng 7.000 ha (nuôi trai ngọc 100 ha), diện tích nuôi nhuyễn thể 24.000 ha. Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn; trong đó, nuôi lồng bè 29.870 tấn, sản lượng ngọc trai 260.000 viên. Thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển hơn 18.500 người.
Tiếp đến, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh có 14.000 lồng nuôi biển; trong đó, 5.300 lồng nuôi cá lồng truyền thống, 6.600 lồng nuôi cá lồng công nghệ cao và 2.100 lồng nuôi thủy sản khác. Diện tích mặt nước nuôi lồng 16.000 ha (nuôi trai ngọc 200 ha), diện tích nuôi nhuyễn thể 25.000 ha. Sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn; trong đó, nuôi lồng bè 1.05.720 tấn, sản lượng ngọc trai 520.000 viên. Thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển hơn 47.680 người.
Để phát triển nuôi biển an toàn, bền vững và hiệu quả, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, mặt nước nuôi biển, cơ chế chính sách, tín dụng, hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư… một cách linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định của pháp luật.
Cùng đó, tỉnh thực hiện các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề khai thác đánh bắt thủy sản ven bờ sang nuôi biển, khoa học công nghệ, khuyến ngư, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và những giải pháp về hậu cần dịch vụ…, đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi biển.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận