Huyện đảo Lý Sơn - Một tuyệt tác địa chất

07:49 07-07-2021

VBĐVN.vn - Mỗi nơi ở huyện đảo Lý Sơn mang vẻ đẹp khác nhau của núi lửa. Buổi chiều, thủy triều lùi về phía đại dương sẽ lộ ra một triền núi lửa rộng lớn, từng lớp san hô bám vào đá khoe sắc. Đeo kính lặn xuống làn nước xanh, bạn sẽ chứng kiến bản hòa tấu đầy màu sắc của lòng biển: san hô và các loài cá.

Toàn cảnh đảo Lý Sơn
Ngọn núi lửa triệu năm nay trở nên hiền lành, kiêm luôn vai trò "kiến trúc sư" khi thiết kế đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) như tiên cảnh giữa trùng khơi.

Chưa kịp say sóng đã cập cảng Lý Sơn

Từ TP Quảng Ngãi, chúng tôi rẽ về đường Hoàng Sa - con đường được mệnh danh đẹp nhất Quảng Ngãi - đến cảng Sa Kỳ. Trên xe buýt, nhóm du khách Hà Nội chừng hơn chục người tuổi đôi mươi hồ hởi nói cười. Trần Hoàng Thiên Khoa - thành viên trong nhóm - chia sẻ rằng Lý Sơn có sức hút mạnh với họ.

Rất nhiều bạn bè và trên các trang mạng dành cho dân đi phượt trở về với những hình ảnh đẹp và lời khen không ngớt về con người Lý Sơn. "Điều đó thôi thúc chúng tôi phải đến một lần. Ngay cả con đường Hoàng Sa này cũng khiến chúng tôi thích thú. Còn gì tuyệt vời hơn khi đến hòn đảo gắn liền với Hoàng Sa trên cung mang tên quần đảo Hoàng Sa", Khoa chia sẻ.

Những người Lý Sơn lâu năm cảm thấy rất vui khi dịch vụ vận tải hành khách ra đảo mỗi ngày một tiện lợi. Đi tàu hiện là cách duy nhất nối đất liền với Lý Sơn. Đội tàu khách hùng hậu và ngày một hiện đại ấy đã mang xứ đảo đến gần hơi với du khách trong và ngoài nước.

Tiếng còi tàu kéo dài, Lý Sơn hiện ra như một chiến hạm giữa trùng khơi. Ngũ sơn đất đảo treo mình giữa trời biển bao la kéo du khách ra boong tàu, nắm những hình ảnh đầu tiên của đảo nhìn từ ngoài biển vào. Thiên Khoa nói: "Đẹp quá, đúng là thiên đường giữa biển. Tôi thật không ngờ đi Lý Sơn lại nhanh đến vậy".

Ông Phan Đình Độ - trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (Quảng Ngãi) kể về những ngày xa xưa, mỗi lần về quê thăm đảo phải lênh đênh trên tàu gỗ hơn 4 giờ. Cách đây chục năm, tàu cao tốc xuất hiện, thời gian ra đảo còn khoảng hai tiếng. 5 năm trước, ra đảo còn hơn một tiếng. "Lúc đó vậy là mãn nguyện lắm rồi, ai dè bây giờ ra đảo chỉ còn 30 phút. Chưa kịp say sóng tàu đã cập cảng Lý Sơn", ông Độ tâm sự.

Một số thông tin địa giới của đảo Lý Sơn

Lý Sơn bây giờ đổi thay quá nhiều, với hơn 6.000 chỗ lưu trú, dịch vụ cao cấp bốn sao đến khách sạn, nhà nghỉ bình dân. Năm 2018, đón 250.000 du khách, vậy mà hòn đảo xinh đẹp này vẫn "phục vụ" chu đáo".

Những nhóm đi gia đình thường chọn lưu trú hình thức ở nhà dân (homestay). Chị Tý, chủ một homestay chia sẻ: "Lúc đầu, chỉ là nơi nghỉ ngơi, bây giờ chúng tôi nâng cấp đầy đủ tiện nghi hơn. Tôi đi học làm homestay ở Hội An, Đà Lạt. Chúng tôi muốn mọi người đến Lý Sơn có được dịch vụ lưu trú tốt nhất".

Trên đảo có rất nhiều nhà hàng, quán ăn. Đặc sản xứ đảo dĩ nhiên là hải sản: cá, tôm, mực tươi rói vừa đánh bắt từ biển về được chế biển từ giản dị đến công phu.

Đến Lý Sơn đúng mùa tỏi, mùa rong, du khách sẽ thưởng thức món gỏi tỏi non nức tiếng và gỏi rong biển nhai giòn tan.

Những người đầu tiên như chị Tý, hay những người trẻ mở dịch vụ lưu trú sau này có những cách thức để biến nơi lưu trú của mình mang vẻ đẹp khác nhau, nhưng cùng chung câu chuyện trường tải thông điệp chủ quyền biển đảo. Mỗi buổi tối khi du khách trở về nhà, trong buổi cơm, lúc uống trà, chủ nhà luôn muốn kể về niềm tự hào của họ - là đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải vâng lệnh vua đi mở rộng bờ cõi, hay những bản sắc phong vẫn còn nguyên giá trị hiện diện trong những nhà thợ họ trên Lý Sơn.

"Tôi muốn cho du khách biết về xứ sở này. Không chỉ cảnh đẹp mà con người gan dạ, một tấc biển Hoàng Sa cũng chưa bao giờ bỏ", chị Tý tâm sự.

Tuyệt tác địa chất

Tìm nơi lưu trú, thưởng thức những món ăn đậm hương vị biển khơi, bạn hãy thuê xe máy, hoặc đi xe điện, xe taxi, bắt đầu khám phá tuyệt tác mà tạo hóa tặng Lý Sơn. Hòn Vung, hòn Tai, hòn Sỏi, và 2 núi Thới Lới, Giếng Tiền là điểm nhất định phải tới để chiêm ngưỡng những miệng núi lửa có niên đại từ 25 đến 30 triệu năm về trước gầm gừ đổ nham thạch đỏ lừ tạo thành Lý Sơn.

Người dân gọi hòn để chỉ những ngọn núi nhỏ, lớn thì gọi núi. Núi hay hòn đều là "miệng lửa" của quá khứ. Đẹp nhất là núi Thới Lới và Giếng Tiền, đứng từ xa nhìn, hay có flycam du khách sẽ thấy hai ngọn núi như chiến hạm mở tung đầu đạn sẵn sàng khai hỏa. Đến hai ngọn núi này, du khách sẽ thả trí tưởng tưởng của mình cảm nhận dòng nham thạch đổ ào ra. Bằng chứng là những triền đá núi lửa xếp chồng lên nhau, chỗ khác vết khuyết như một dòng suối cuộn chảy. Vết thời gian in hằn trong đá.

Người dân bản địa có thể kể cho bạn những câu chuyện ngoại sử thú vị trên hành trình khám phá Lý Sơn, cùng câu chuyện của các nhà khoa học nghiên cứu mấy năm qua. Như danh thẳng Cổng Tò Vò, Chùa Đục nằm ngay miệng núi lửa Giếng Tiền có câu chuyện giận hờn của núi, chúng tách nhau ra tạo nên đảo Bé. Chuyện ngoại sử ấy hóa ra lại có căn cứ khi công nghệ phát triển. Từ bản đồ vệ tinh, nếu lấy đảo Bé ghép vào đảo Lớn sẽ chính xác như có mối nối.

Thả hồn nơi hai ngọn núi lớn nhất đảo, du khách cảm nhận đủ đầy gió trời từ biển thổi vào căng tràn lồng ngực, trước khi ngắm nhìn "thành trì" khổng ở danh thắng Hang Câu. Có thể nói nơi đây là đệ nhất thắng cảnh núi lửa của Việt Nam và thế giới. Giáo sư Setsura Nakada - Chủ tịch Hội đồng khoa học Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (UNESCO) - đã nhiều lần đến nơi này. Ông khẳng định: "Giá trị địa chất và thắng cảnh ở Hang Câu rất quý giá và hiếm có trên thế giới".

Du khách ngắm san hô và cá dưới lòng biển
Danh thắng Cổng Tò Vò, Hang Câu là những nới du khách ưa thích.

Du khách đến đây vào buổi sáng có thể thấy bình minh lộ dần trên nền biển, vào buổi chiều xem khung cảnh hoàng hôn chìm dần sau đáy nước, để rồi trầm mình xuống biển mà hít hà đại dương mát lành, vừa tắm biển vừa nhìn di sản địa chất Hang Câu mà trầm trồ bàn tay tạo hóa quá khéo khi dựng lên công trình hoàn mỹ giữa đại dương.

Mỗi nơi ở Lý Sơn mang vẻ đẹp khác nhau của núi lửa. Buổi chiều, thủy triều lùi về phía đại dương sẽ lộ ra một triền núi lửa rộng lớn, từng lớp san hô bám vào đá khoe sắc. Đeo kính lặn xuống làn nước xanh, bạn sẽ chứng kiến bản hòa tấu đầy màu sắc của lòng biển: san hô và các loài cá.

Tiến sĩ Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện địa chất khoáng sản Việt Nam - từng khẳng định các nghiên cứu khoa học chứng minh trầm tích núi lửa ở Lý Sơn trải dài trên diện tích 40km2. "Không chỉ trên bờ, dưới lòng biển vẫn còn những công trình địa chất ít người biết đến, như Cổng Tò Vò dưới nước như một bản sao của danh thắng Cổng Tò Vò trên cạn". Thế mới thấy, Lý Sơn còn biết bao điều huyền bí. Núi lửa như một kho tàng càng khám phá càng mở ra bao điều thú vị.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - chuyên gia môi trường, du lịch cộng đồng - nói rằng đến Lý Sơn mà không qua đảo Bé thì đã mất một nửa hành trình. Ở đó, hơi thở thời gian còn nguyên lành như thuở hồng hoang. Không đồ sộ như đảo Lớn, di sản địa chất ở đảo Bé mang trong mình vẻ bí ẩn riêng biệt. Những chuyển mình của núi lửa triệu năm trước để lại những hang Chàng Thiếp, Hòn Đụn, bãi Trăng Khuyết, Vườn Hẹn Hò...

"Sự hoang sơ của đảo Bé đủ để chúng ta quên đi những mệt nhọc trong cuộc sống thường nhật. Ở đây, từ thiên nhiên đến tình người vẫn còn giữ nguyên sự "quê mùa" khó kiếm được trong thời đại xô bồ này", tiến sĩ Trinh tâm sự.

Tiến sĩ Trinh ở đây đã bốn năm, giúp đỡ người dân làm du lịch và dẫn nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đến, cũng như đưa người dân đi học làm du lịch. Ông khẳng định: "Nơi khác phải đến đây học đặc sản tình người và thiên nhiên". Cụ Bùi Hoàng, người già nhất đảo Bé, cười khà khà khi nghe tiến sĩ Trinh nói vậy. Tuổi gần thất thập, ông cụ cả đời sống ở đảo Bé bảo: "Chúng tôi muốn mọi người đến đây như trở về nhà. Không có chủ và khách, chúng tôi đón mọi người bằng ân tình".

Một vùng di sản văn hóa

Chùa Hang trên đảo Lý Sơn
Tục khao lề thế lính Hoàng Sa

Sẽ thật thiếu sót nếu đến Lý Sơn chỉ để khám phá núi lửa. Có một vùng di sản văn hóa trên đảo mà ở đó lịch sử kiêu hùng của vùng đất còn vẹn nguyên trong ý chí biển khơi của lớp lớp người Lý Sơn. Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa với đội tàu mô hình thẳng tiến ra biển có từ bao đời đã trở thành di sản phi vật thể quốc gia từ năm 2013. Đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm Linh Tự trở thành di sản cấp quốc gia.

Ở những di sản văn hóa trên luôn có những cụ già, mỗi ngày chờ du khách đến và kể cho họ nghe về đội binh phu tuân mệnh triều đình nhà Nguyễn dong thuyền mở cõi. Để rồi sáu tháng ròng rã trên biển, đội binh phu ấy trở về cửa Eo ở Thuận An (Huế) dâng lên vua những sản vật Hoàng Sa mà họ liều mình có được.

Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Đăng Vũ - nguyên giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi - dành cả đời nghiên cứu của mình ở Lý Sơn. Ông khẳng định: "Những tư liệu mà các dòng tộc ở Lý Sơn giữ lại từ mấy trăm năm trước khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa".

Ở Lý Sơn vẫn còn những ngôi nhà cổ kính hàng trăm năm, mang kiến trúc riêng biệt với lớp mái bằng đất sắt phía dưới và mái ngói phía trên. Chủ nhân của những ngôi nhà này sẽ kể cho bạn nghe về cuộc chiến chống giặc Tàu Ô, chính xác hơn là những toán cướp biển luôn rình rập. Người Lý Sơn nghĩ ra cách lấy đất núi lửa tạo thành một mái nhà độc đáo để trốn sự truy đuổi mỗi khi toán cướp biển ùa vào.

Đi qua hết thảy những điều thú vị của lịch sử, văn hóa, du khách được thả mình giữa những cánh đồng tỏi bao la, có thể cùng bà con canh tác hành, tỏi. Những người nông dân thân thiện sẽ hướng dẫn khách cách trồng và chăm sóc từng tép tỏi cho đến quá trình thu hái để có được đặc sản nức tiếng.

Thu Thảo (theo tuoitre.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang