Kế hoạch thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
- Quyết định Số 2395/QĐ-BTNMT Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương đến năm 2030
- Thông tư 143/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 130/2014/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 162/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển, đảo và thềm lục địa
Tải bản PDF
Tải Văn bản tiếng Việt
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 1822/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về
phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa các nội dung và nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi Đề án; phân công rõ ràng trách nhiệm chủ trì điều phối, phối hợp đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trong việc triển khai các hoạt động được xác định trong Kế hoạch.
2. Yêu cầu
a) Chủ động và tích cực triển khai một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với xu thế, bối cảnh và tiến trình phát triển của khu vực và trên toàn cầu về kinh tế biển đến năm 2030.
b) Các hoạt động được xây dựng có tính khả thi với sự đảm bảo về nguồn lực, có lộ trình triển khai phù hợp với sự điều phối và phối hợp hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án.
c) Thiết lập chế độ giám sát và báo cáo định kỳ nhằm đảm bảo việc triển khai Kế hoạch một cách nghiêm túc, tiết kiệm và hiệu quả, phát huy tính bền vững các kết quả và hoạt động sau khi Đề án kết thúc.
II. NHIỆM VỤ
1. Hợp tác quốc tế về quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Các đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường và các đơn vị liên quan.
Các hoạt động chính:
- Rà soát, đánh giá và nghiên cứu đề xuất xây dựng mới các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển, hải đảo theo hướng hội nhập với khu vực và quốc tế, tập trung vào các mô hình phát triển kinh tế biển mới, bao gồm kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.
- Thúc đẩy, mở rộng các hoạt động tác quốc tế với các đối tác khu vực và toàn cầu về quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ,… trong đó chú trọng đến các đối tác như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các Biển Đông Á (PEMSEA), Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF),… và các đối tác song phương khác. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.
- Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường; mạng thông tin đa ứng dụng trên biển; cơ chế hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu hướng tới việc kết nối với các hệ thống trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2030.
2. Hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ biển
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Các đơn vị phối hợp: Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan.
Các hoạt động chính:
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, đầm phá, bãi triều - cửa sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.
- Đề xuất mới các chương trình, dự án hợp tác về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về biển với các đối tác quốc tế của khu vực và quốc tế và tổ chức thực hiện. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2030.
3. Công tác truyền thông thúc đẩy hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Các đơn vị phối hợp: Các cơ quan, đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan.
Hoạt động chính: Xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông hằng năm nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biển; chính sách và luật pháp quốc tế (bao gồm cả các điều ước và thỏa thuận quốc tế liên quan) về biển và đại dương cho tất cả các đối tượng trong phạm vi cả nước.
4. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
4.1. Bảo vệ môi trường biển
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Các đơn vị phối hợp: Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan.
Hoạt động chính: Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường biển, trọng tâm là giảm thiểu chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương và bảo tồn đa dạng sinh học biển đã và sẽ được phê duyệt. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2030.
4.2. Phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Các đơn vị phối hợp: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu và các đơn vị liên quan.
Hoạt động chính: Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và sẽ được phê duyệt. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2030.
5. Hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển và phát triển nguồn nhân lực biển
Đơn vị chủ trì: Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các đơn vị phối hợp: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan.
Các hoạt động chính:
- Xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công tác quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển từ trung ương đến địa phương bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2023.
- Tổ chức hợp tác đào tạo, phát triển nhân lực biển chất lượng cao; đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
6. Thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế.
Các đơn vị phối hợp: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan.
Các hoạt động chính:
-Thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác đối tác với các đối tác khu vực và quốc tế về phòng, chống và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt chú trọng các đối tác ở khu vực ASEAN, PEMSEA, COBSEA và UNDP, UNEP, Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN),… và các diễn đàn quốc tế lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Hội nghị Thượng đỉnh G20, G7, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á –
Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng Đại dương Thế giới (WOC),… Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
-Phối hợp tìm kiếm, vận động các nguồn lực quốc tế cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về hoàn thiện chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý tài nguyên biển và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến năm 2030.
7. Điều phối thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030
Đơn vị chủ trì: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Các đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan. Các hoạt động chính:
- Đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thực hiện các nội dung của Đề án thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển ở các bộ, ngành và địa phương; định kỳ 5 năm 2 lần tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2030.
- Xây dựng và tổ chức Nhóm hỗ trợ quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam với sự tham gia rộng rãi của các nước, các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.
- Nâng cao năng lực điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế về biển và hải đảo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2025.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có trách nhiệm: là đơn vị đầu mối điều phối, chủ trì việc triển khai thực hiện các hoạt động; tham mưu giúp Bộ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổ chức đánh giá, báo cáo và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.
2. Các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động, tích cực phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung được phân công; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ (qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) để tổng hợp.
3. Các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế tham mưu, đề xuất trình Bộ bố trí nguồn kinh phí phù hợp từ ngân sách nhà nước và nguồn hỗ trợ quốc tế, đảm bảo cho việc thực hiện Kế hoạch một cách hiệu quả và tiết kiệm theo quy định hiện hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận