Kết nối nguồn lực để phát triển bền vững đảo Lý Sơn
Tiến tới Hội thảo khoa học tham vấn các bên liên quan về phát triển bền vững Lý Sơn, mới đây, Trung tâm bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phối hợp với nhóm Nghiên cứu Môi trường và Tài nguyên sinh Vật - Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kết nối nguồn lực để phát triển bền vững đảo Lý Sơn”.
Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc GreenViet, Lý Sơn là một đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có phong cảnh tự nhiện tuyệt đẹp. Lý Sơn cũng là kết hợp hòa quyện giữa núi - chứng tích của núi lửa với đại dương bao la. Hiện, Lý Sơn đang đứng trước kỉ nguyên “kinh tế biển” với nhiều quan điểm phát triển trái ngược nhau. Tuy nhiên, dù phát triển cách nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải hướng đến phát triển bền vững, tức là phải đảm bảo các mục tiêu kinh tế phát triển, sinh kế cộng đồng đảm bảo; văn hóa được gìn giữ, xã hội văn minh; tài nguyên được sử dụng hợp lí, môi trường được bảo vệ và chủ quyền thiêng liêng củaTổ quốc phải được gìn giữ. Do vậy, tọa đàm nhằm mục tiêu kết nối tất cả nguồn lực đóng góp trí tuệ để Lý Sơn phát triển bền vững.
Chia sẻ thách thức tiềm năng đa dạng sinh học biển ở Lý Sơn, Tiến sỹ Nguyễn Văn Long, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, Lý Sơn được xác định là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên những năm gần đây, việc phát triển một số ngành kinh tế ào ạt, không theo quy hoạch đã chia cắt các phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển làm mất cân bằng sinh thái, phá vỡ cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh. Nguyên nhân chính là do việc khai thác quá mức cát san hô, san hô bị tẩy trắng, nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm rác thải nhựa… Ngoài ra, các công trình giao thông thủy, tàu biển, khu neo đậu tàu cá nằm xen kẽ với các vùng cấm cũng gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý vi phạm vùng biển.
“Để nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy vùng biển đảo Lý Sơn, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cần tiếp tục tuyên truyền, đồng thời cải thiện sinh kế; tăng cường tác động tuần tra, xử lý các hành vi tổn hại đến khu bảo tồn; thúc đẩy nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh các giải pháp tài chính ...” Tiến sỹ Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Bàn về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo tồn phát triển đảo Lý Sơn, chị Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho rằng, trong tương lai gần, sự tham gia của doanh nghiệp cho các khu bảo tồn thiên nhiên (quy mô nhỏ) có thể là chìa khóa để bảo tồn thành công một số hệ sinh thái cần phải bảo vệ như: rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn… Các đơn vị tư nhân có thể quản lý áp dụng nguyên tắc và cách tiếp cận quản lý biển, đảo theo không gian, trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp, liên ngành và dựa vào hệ sinh thái.
Tại tọa đàm, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ và thảo luận một số vấn đề liên quan đến bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đúng hướng bảo đảm lợi ích và hiệu quả lâu dài; thực hiện nguyên tắc về mặt trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra một số đề xuất và các giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững đảo Lý Sơn như nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng phần mềm bảo quản đa dạng sinh học tài nguyên; điều chỉnh phân vùng hoạch định; thiết lập và quản lý các khu duy trì nguồn giống thủy sản trên cơ sở liên kết các hệ thống sinh thái giữa khu bảo tồn biển và vùng ven lân cận; thiết lập quản lý cộng đồng mô hình và khai thác bên liên kết tài nguyên giữa bảo tồn và du lịch sinh thái; phát triển các mô hình phục hồi thân thiện với môi trường.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận