Khai mở nhiều nguồn tài nguyên biển

09:32 19-12-2019

Các nghiên cứu, điều tra khảo sát trước đây đã chỉ ra rằng, vùng biển Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, mỗi dạng tài nguyên, hệ sinh thái của biển có tính đặc thù và giữ vai trò, vị trí nhất định trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển. Để có cái nhìn tổng quan và chân thực, số liệu khảo sát khoa học, Đề án điều tra cơ bản tài nguyên môi trưởng biển, đảo (Đề án 47) đã đi sâu nghiên cứu và làm rõ nhiều nguồn lợi tài nguyên mới trên vùng biển Việt Nam.

Hệ sinh thái của biển có vị trí nhất định trong phát triển bền vững. Ảnh: MH

Mở rộng vùng hiểu biết về tài nguyên môi trường biển

Với quan điểm điều tra tích hợp, đa mục tiêu, các dự án điều tra địa chất khoáng sản biển kết hợp điều tra tổng hợp TNMT biển theo một hệ thống mạng lưới khảo sát quy định theo các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000 và lớn hơn đã được tiến hành từ năm 1991 đến nay. Tính đến thời điểm Đề án 47 được phê duyệt năm 2006, đã điều tra được 97.431km2 tỷ lệ 1:500.000 ở vùng biển ven bờ đến 30m nước, tương ứng khoảng 9,7% diện tích các vùng biển Việt Nam.

Từ năm 2006 đến nay, chỉ tính riêng các dự án điều tra địa chất khoáng sản biển thuộc Đề án 47 đã kết thúc, hoàn thành báo cáo tổng kết, lập báo cáo và các loại bản đồ liên quan, nộp lưu trữ thêm được 147.330km2 ở tỷ lệ 1:500.000, tương ứng khoảng 14,73% diện tích các vùng biển Việt Nam, nâng tỷ lệ điều tra 1:500.000 lên khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam. Ở tỷ lệ 1:100.000, hoàn thành thêm 20.768km2, tương ứng khoảng 2,77% diện tích các vùng biển Việt Nam; tỷ lệ 1:50.000 hoàn thành thêm 3.023km2. Các diện tích nêu trên chủ yếu tập trung ở khu vực biển nông ven bờ, độ sâu từ 0 đến 100m nước.

Sản phẩm giao nộp vào lưu trữ Nhà nước, cập nhật vào cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam gồm nhiều báo cáo quan trọng góp phần làm rõ hơn nguồn tài nguyên cũng như thực trạng TNMT biển như: Báo cáo tổng kết dự án, các báo cáo chuyên đề và bản đồ kèm theo: Bản đồ độ sâu đáy biển; Bản đồ địa mạo; Bản đồ trầm tích tầng mặt; Bản đồ tướng đá thạch động lực; Bản đồ dị thường các nguyên tố quặng chính; Bản đồ vành trọng sa; Bản đồ dị thường phổ gamma; Bản đồ địa chất; Bản đồ phân vùng triển vọng khoáng sản; Bản đồ hiện trạng địa chất môi trường; Bản đồ hiện trạng tai biến địa chất và dự báo tai biến; Bản đồ địa động lực vùng biển; Bản đồ thủy - thạch động lực; Bản đồ cấu trúc địa chất và dự báo triển vọng khoáng sản theo tài liệu địa vật lý; Bản đồ trường từ tổng T; Bản đồ đẳng trị dị thường từ Ta; Bản đồ dị thường trọng lực Bouguer và dị thường Fai (ở một số khu vực). Toàn bộ số liệu, tài liệu, các báo cáo, bản đồ kết quả nêu trên và các kết quả trung gian khác được số hóa và tổ chức thành cơ sở dữ liệu dạng WEB-GIS lưu trữ ở cơ quan chủ trì và được tích hợp trên hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường biển đang được giao cho Trung tâm Thông tin TNMT biển quản lý và cung cấp.

Khoanh định và khai mở tài nguyên mới

Thông qua công tác điều tra cơ bản TNMT biển, đảo làm rõ đặc điểm địa chất, địa vật lý, đặc điểm trầm tích Đệ tứ, trầm tích đáy, địa hóa môi trường, cấu trúc địa chất, địa động lực, tai biến địa chất vùng biển Việt Nam độ sâu đến 100m nước; đã phát hiện, khoanh định được nhiều khu vực có triển vọng sa khoáng (titan, zircon, đất hiếm có vàng, thiếc đi kèm) và khoáng sản vật liệu xây dựng, gồm: Về sa khoáng, đã khoanh định được 62 vùng triển vọng sa khoáng Ti-Zr-TR, tập trung chủ yếu ở khu vực Bình Thuận, Bình Định, Thừa Thiên - Huế với tổng tài nguyên dự báo cấp 334a+334b khoảng 164 triệu tấn (trong đó, cấp 334a là 17,2 triệu tấn, cấp 334b là 146,8 triệu tấn);

Về vật liệu xây dựng, có 50 vùng triển vọng vật liệu xây dựng (cát xây dựng, cát san lấp), tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài khơi Côn Đảo, Bạch Long Vỹ, Bình Thuận, Thừa Thiên - Huế với tổng tài nguyên dự báo cấp 334a+334b khoảng 196,500 tỷ m3 (trong đó cấp 334a là 12,225 tỷ m3, cấp 334b là 184,275 tỷ m3).

Ở vùng biển sâu, xa bờ, trong khuôn khổ “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí Hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” được bổ sung vào Đề án 47 bởi Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang triển khai Dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí Hydratre ở các vùng biển Việt Nam”. Với việc thực hiện dự án này, lần đầu tiên chúng ta đã tổ chức khảo sát theo mạng lưới tỷ lệ 1:500.000 ở vùng biển sâu bằng tổ hợp các phương pháp địa vật lý, địa chất, địa hóa một cách toàn diện bằng các thiết bị hiện đại. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn khảo sát thực địa. Bước đầu đã thu được những số liệu khách quan, có nhận định sơ bộ về đặc điểm địa chất, địa vật lý, địa hình đáy biển, địa mạo, môi trường địa chất ở những khu vực đã khảo sát.

Ngoài ra, đã khoanh định và xác định các vùng có tiềm năng dầu khí, làm định hướng cho việc hoạch định chính sách hợp tác, phát triển khai thác nguồn lợi này trong tương lai. Đồng thời, trong khuôn khổ Dự án “Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam” do Bộ Ngoại giao thực hiện, đã tiến hành khảo sát 5.855,1 km tuyến địa chấn 2D; xử lý, minh giải 13.065,350 km tuyến địa chấn 2D. Đây là nguồn tài liệu tin cậy, quan trọng về đặc điểm địa chất, địa mạo, làm cơ sở xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo hướng dẫn và mẫu quản lý số liệu của chuyên gia Anh; xây dựng Báo cáo chung Việt Nam - Malaysia theo mẫu hai bên thống nhất, hợp chuẩn quốc tế để trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa đúng thời hạn quy định.

Theo (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang