Khai thác “mỏ” thủy sản trên vùng biển Tây Nam

09:43 14-03-2022

VBĐVN.vn - Vùng biển tỉnh Kiên Giang có 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, 43 đảo có người dân sinh sống, ít khi có bão xuất hiện ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Đây là môi trường lý tưởng để phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, gắn với du lịch. Mục tiêu đến năm 2025, Kiên Giang phấn đấu đạt tổng giá trị nuôi biển trên 7.500 tỷ đồng.

“Nuôi cá ở đây khỏe re, 100% giống cá bớp đánh bắt ngoài tự nhiên đưa vô lồng nuôi. Mùa này tàu đánh cá miền Trung vào đây ở lại làm dài ngày, giá cá cơm rẻ, mua cả tạ cá đổ xuống nó ăn ầm ầm, chỉ 3 phút là hết sạch trơn. Nhờ vậy, nó lớn nhanh, 5 tháng đã đạt trọng lượng 4 ký (kg), cố gắng nuôi lên 6-7 ký/con bán cho tàu thu mua chở vô đất liền” - ông Nguyễn Tấn Quang, chủ bè nuôi cá ở đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang xởi lởi nói.

Đặt bè trên “mỏ cá”

13 năm trước, ông Quang là một ngư dân làm trên tàu đánh cá huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, theo tàu vào đánh bắt ở vùng biển quần đảo Thổ Chu. Thấy điều kiện môi trường nuôi cá biển ở đây tuyệt vời, ông Quang “xuống tàu” làm cái bè nhỏ nuôi cá, đạt năng suất cao, ông về quê đưa vợ vào “định cư” lâu dài trên bè và mở rộng quy mô nuôi trồng. Thấy làm có ăn, nhiều người dân trên đảo học làm theo, trở thành khu nuôi cá biển nhộn nhịp ở giữa biển Tây Nam.

Người dân tắm nước ngọt cho cá bớp ở đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lệ Giang

Vợ chồng ông Quang đang thay lưới và tắm cá, nước ngọt đổ nửa thúng chai, vớt cá đổ vào, bắt từng con cá tắm kỳ cọ cẩn thận. Gặp những con cá trên 5kg, ông ôm vào lòng để nó không vẫy vùng mạnh làm trầy xước da. “Khoảng 1 tháng thay lưới 1 lần, tiện thể tắm cho cá luôn. Trên cơ thể cá có những loại ký sinh bám vào lâu ngày sẽ sinh bệnh lở da, mù mắt, nếu không xử lý sớm, cá sẽ chết. Cho cá tắm qua nước ngọt 5-10 phút, các loại ký sinh thay đổi môi trường đột ngột sẽ chết, cá khỏe mạnh” - ông Quang nêu bí quyết.

Những người nuôi cá ở đây, ban đêm tranh thủ ra các đảo câu cá làm giống nuôi thịt. Gặp con cá nào đạt trọng lượng 2-5kg thả vào các ô lưới riêng để chờ khách du lịch ra tham quan bè bán cho họ, chủ bè phục vụ ăn “dã chiến” tại chỗ. Cách làm này coi như chủ bè “ăn” trọn gói, vừa kiếm đồng lời bán cá, vừa lấy tiền công phục vụ. Khách từ thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... ra đây ăn cá tươi thoải mái, giá lại rẻ bằng một nửa so với ở thành phố, thả hồn với môi trường nước trong sạch. Khách ra đảo đông, nhiều hộ dân bắt đầu xây nhà nghỉ nhỏ và một số dịch vụ du lịch kèm theo.

Quần đảo Thổ Chu là ngư trường đánh bắt lớn ở vùng biển Tây Nam, tàu đánh cá Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre... tập trung đến Thổ Chu khai thác thủy sản. Giá cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi rất rẻ, nếu lượng tàu đánh cá đổ về đảo từ 500-800 tàu, giá cá tạp chỉ còn 2.000 đồng/kg. “Lợi thế nuôi cá ở đây ít khi bị bệnh chết hàng loạt như một số nơi ở ngoài miền Trung, vì nguồn nước ở giữa biển khơi không bị ô nhiễm từ chất thải cửa sông đổ ra. Bè đặt trên “mỏ cá” nên cá nuôi được ăn thường xuyên, chỉ cần 4-5 tháng có thể xuất bán “cắt lãi”, gom giống thả nuôi đợt khác” - ông Quang nhẩm tính.

Hướng đến phát triển quy mô lớn

Thổ Chu cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) gần 100 hải lý, khoảng cách khá xa với đất liền, hạn chế khâu tiêu thụ cá thịt, nhiều khi phải bán giá cá rẻ. Nhưng vùng biển, đảo Phú Quốc, Nam Du thực sự “thiên thời, địa lợi” để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển quy mô lớn. Nếu so sánh biển, đảo tỉnh Kiên Giang với các tỉnh miền Trung thì Kiên Giang vượt trội hơn hẳn, vì vùng này gần như không có bão uy hiếp.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang hướng dẫn thuyền trưởng tàu đánh cá vào neo đậu an toàn ở đảo Thổ Chu. Ảnh: Lệ Giang

Thế nhưng nghề nuôi biển ở Kiên Giang vẫn còn thua xa so với tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên... cả quy mô lồng bè và sản lượng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu hướng mạnh ra biển, phát triển kinh tế biển bền vững, đưa kinh tế biển thực sự là thế mạnh của tỉnh phù hợp với “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Theo đó, Kiên Giang tập trung vào 4 lĩnh vực: Phát triển nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển, chế biến và đánh bắt hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển; phát triển công nghiệp năng lượng và phát triển kinh tế hàng hải. Mục tiêu chung là vừa phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, nâng cao đời sống người dân vùng ven biển và hải đảo.

Lâu nay, tỉnh Kiên Giang vẫn chưa tự sản xuất được các loại giống cá biển có giá trị kinh tế cao, đa số phải mua cá giống từ tỉnh Khánh Hòa chuyển vào. Con giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi trong nuôi trồng. Ông Thái Bảo Trấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú, đang đầu tư xây dựng trại sản xuất giống cá nuôi biển lớn tại đảo Phú Quốc chia sẻ: “Phải chủ động nguồn cá giống, khi đó mới phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, các loại giống cá mú, cá bớp, cá chim, cá chẽm... làm ra hàng hoạt tại Phú Quốc. Từ đây sẽ phân phối vào Nam Du, ra Thổ Chu... Người dân chủ động được nguồn cá giống, họ bắt đầu nuôi chuyên nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển”.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang có 7.500 lồng nuôi biển, trong đó có 4.700 lồng nuôi cá lồng truyền thống, 1.900 lồng nuôi cá công nghệ cao, 900 lồng nuôi thủy sản khác. Sản lượng nuôi biển đạt khoảng 113.000 tấn; trong đó, nuôi lồng bè gần 30.000 tấn, nuôi nhuyễn thể trên 83.000 tấn và ngọc trai 260.000 viên. Tổng giá trị sản xuất đạt trên 7.500 tỷ đồng.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang