Khai thác tiềm năng, phát triển nghề nuôi biển bền vững

07:54 02-03-2023

VBĐVN.vn - Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km, môi trường nước biển trong sạch, độ mặn cao và ổn định quanh năm rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển. Khai thác lợi thế này, tỉnh đang tập trung phát triển các mô hình nuôi cá biển, tôm hùm, các loài nhuyễn thể cho giá trị kinh tế cao, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Anh Nguyễn Thanh Duy (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) thu hoạch hàu Thái Bình Dương treo dây trong lồng bè ở Đầm Nại.

Tận dụng vùng Đầm Nại rộng lớn khoảng 1.200 ha, ngư dân huyện Ninh Hải đang phát triển mô hình nuôi hàu treo dây trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Thanh Duy (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cho biết: Nghề nuôi hàu có từ lâu đời với người dân ven bờ Đầm Nại, nhưng trước đây do nuôi tự phát, con giống phụ thuộc vào khai thác trong tự nhiên nên hiệu quả không cao. Khoảng 5 năm lại đây, địa phương được Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao kỹ thuật nuôi giống hàu Thái Bình Dương treo dây trên lồng bè.

Giống hàu Thái Bình Dương rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh lồng bè nuôi để hạn chế ốc và các sinh vật, đất, bùn bám vào làm hàu chậm phát triển, khi hàu lớn có thể tách ra thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát. Khu vực Đầm Nại có điều kiện thuận lợi về độ mặn nước biển, ít sóng gió, tàu bè qua lại nên rất thích hợp cho con hàu phát triển. Nuôi hàu không phải cung cấp thức ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước, sau khoảng 4 tháng nuôi là có thể thu hoạch.

Anh Duy cho hay: “Gia đình tôi có 15 bè nuôi hàu Thái Bình Dương, mỗi bè có diện tích hơn 60 m2, nhờ nuôi luân phiên nên gia đình thu hoạch hàu quanh năm với sản lượng bình quân đạt 3,5 - 4 tấn/bè. Thương lái thu mua với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 30 triệu đồng/bè, giúp gia đình ổn định cuộc sống”.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương ở Đầm Nại đang được các hộ nhân rộng, hiện tại có khoảng 145 hộ đang nuôi trên 840 bè hàu thả dây. Nuôi hàu, sau khi cạy tách ruột, người nuôi còn có thể tận dụng vỏ hàu bán cho các cơ sở làm giá thể cấy hàu giống, nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu an toàn, thân thiện với môi trường nước.

Theo ông Nguyễn Khắc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, để mô hình nuôi hàu phát triển bền vững và nhân rộng cần rất nhiều yếu tố bảo đảm như con giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ quy hoạch vùng nuôi. Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương còn nhiều tiềm năng phát triển, do đó UBND huyện đã lập quy hoạch vùng nuôi tại khu vực Đầm Nại để bà con ngư dân tham gia nuôi trong vùng quy hoạch, giữ gìn vệ sinh để bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực nuôi.

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trong lồng bè đang phát triển mạnh tại khu vực biển Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận).

Cùng với phát triển mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương, các mô hình nuôi tôm hùm, các loại cá biển, ốc hương, cua, ghẹ, các loài nhuyễn thể đang được các huyện ven biển Ninh Hải, huyện Thuận Nam, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nhân rộng. Theo thống kê của ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 222 bè với 2.200 lồng nổi đang nuôi tôm hùm, giá bán tôm hùm bông dao động ở mức từ 1.500.000 - 2.500.000 đồng/kg và tôm hùm xanh có giá từ 650.000 - 850.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, các hộ thả nuôi xen kẽ khoảng 900 lồng các loại cá bớp, cá chim, cá mú trong các bè nuôi tôm hùm tại khu vực Mỹ Tân, Vĩnh Hy, khu vực C1, C2, Cà Ná; các loại cá biển nuôi trong lồng bè có giá bán từ 90.000 - 270.000 đồng kg tùy theo kích cỡ. Ngoài ra, diện tích nuôi hàu, cua, ghẹ khoảng 40 ha mặt nước, giá bán cua, ghẹ hiện dao động từ 240.000 - 280.000 đồng/kg... Giá các loại thủy hải sản tương đối ổn định nên hầu hết người nuôi đều có lãi.

Qua đánh giá, tiềm năng nuôi các loại cá biển, tôm hùm, các loài nhuyễn thể của Ninh Thuận rất lớn, song hiện nay các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Nguyên nhân do nghề nuôi biển chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng dược yêu cầu, trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, mật độ lồng nuôi ngày càng gia tăng dễ dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch tại các vùng nuôi. Ngoài ra, nguồn thức ăn dư thừa cùng rác thải sinh hoạt trên lồng bè dễ gây ô nhiễm môi trường..., đây là những mặt hạn chế, bất cập cần sớm được xử lý, khắc phục.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Lồng bè nuôi cá biển tại vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển nghề nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm chất lượng góp phần làm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý đất đai, mặt nước nuôi biển, có cơ chế chính sách thu hút các công ty, tập đoàn vào sản xuống giống thủy sản, phát triển các mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Các đơn vị trung tâm giống thủy sản, công ty đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, ương dưỡng tôm giống, các loại cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển có giá trị kinh tế cao. Năm 2023, tỉnh phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản thương phẩm đạt 8.500 tấn và sản xuất giống thủy sản đạt 40,4 tỷ con.

Để phát triển bền vững nghề nuôi biển, Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển các vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm, khu công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển. Cùng đó, địa phương khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các mô hình liên kết sản xuất trong nuôi biển theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, giống bố mẹ, giống con, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Đặng Kim Cương, với hơn 105 km đường bờ biển, để chủ động ứng phó trước những tác động biến đổi khí hậu, tỉnh phối hợp các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi biển như sử dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết sóng to, gió lớn, bão; trong đó, chú trọng phát triển các phương thức nuôi biển công nghiệp ven bờ phù hợp với các vùng sinh thái, gắn với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái ven biển.

Song song với đó, các cơ sở đào tạo, tổ chức, hiệp hội đẩy mạnh tổ chức đào tạo nghề nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi biển. Các đơn vị chức năng xây dựng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường tự động cảnh báo dịch bệnh kịp thời; hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp phòng trị bệnh, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, ghi chép nhật ký phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Ninh Thuận đang dần hình thành các vùng nuôi biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện để phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản trong thời gian tới.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang