Khánh Hòa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững
VBĐVN.vn - Thủy sản là một trong những ngành kinh tế biển quan trọng trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế biển hiện nay. Với lợi thế vốn có của mình, Khánh Hòa đang phát triển ngành này theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Làm giàu từ biển
Có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang-một trong những cảng cá sôi động nhất khu vực Nam Trung Bộ, chúng tôi bắt gặp hàng chục ghe cá từ ngoài xa chuẩn bị cập bờ. Trên cầu cảng, rất nhiều xe đông lạnh đã đứng chờ sẵn để nhận hàng. Ông Nguyễn Đức Thắng, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, chủ tàu cá KH 90127 TS chia sẻ: Trong chuyến đi biển dài ngày lần này, tàu của ông đánh bắt được 6 tấn cá các loại như cá ngừ vằn, cá ngừ chù, cá thu, cá cờ… Với giá các loại cá đánh bắt được dao động từ 20-42 nghìn đồng/kg, Tàu KH 90127 TS thu về khoảng 180 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí các loại, tàu còn lãi được khoảng 108 triệu đồng. Số tiền này thông thường chủ tàu hưởng 50%, còn lại chia cho các thuyền viên.
Cùng niềm vui như ông Thắng còn có 10 tàu lưới rê của ngư dân Khánh Hòa và một số tỉnh Nam Trung bộ cập cảng Hòn Rớ. Số hải sản đánh bắt được các xe đông lạnh chuyển đến các chợ đầu mối khu vực Nam Trung Bộ tiêu thụ. Đối với mặt hàng hải sản khai thác ngoài biển xa không có chuyện được mùa, mất giá mà nhiều lúc cung không đủ cầu. Mỗi chuyến biển bội thu, không chỉ chủ tàu mà thuyền viên đều có lợi. Câu chuyện vươn khơi, bám biển làm giàu luôn là niềm mong ước của ngư dân nơi đây. Mẹ thiên nhiên rất khắc nghiệt nhưng cũng sẵn lòng mở rộng vòng tay đối với những người dân có chí làm giàu từ biển.
Tuy nhiên, để phát triển ngành thủy hải sản bền vững, các chủ tàu phải trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại theo yêu cầu của nhà chức trách để bảo đảm đúng quy trình khai thác, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang các nước châu Âu. Vì vậy mỗi lần tàu xuất bến, các cơ quan chức năng tại đây như: Ban Quản lý cảng Hòn Rớ, Văn phòng đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá tại Hòn Rớ, Bộ đội Biên phòng khu vực cũng hoàn tất việc kiểm tra các quy định chống khai thác IUU, đủ các điều kiện cho phép tàu vươn khơi thì mới được xuất phát.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế biển
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương về vật tư, nguồn lực cho các đội tàu đánh bắt xa bờ thì mới đây, ngày 12/8/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ ra mắt và phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Quỹ đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo các doanh nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là một trong những chương trình nhằm cụ thể hóa việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Khánh Hòa xác định xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa sẽ góp phần bổ sung nguồn lực phát triển nghề cá; đầu tư cho các hạng mục công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến khu vực hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác nhằm phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện đảo Trường Sa.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 3.200 tàu cá, trong đó đội tàu khai thác xa bờ có 673 tàu, với hơn 10 nghìn lao động. Toàn bộ tàu cá xa bờ của tỉnh tham gia vào 8 nghiệp đoàn nghề cá và hơn 80 tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển. Vì thế, tiềm năng của việc khai thác thủy hải sản là rất lớn.
Theo số liệu của UBND tỉnh Khánh Hòa, những năm gần đây, thủy sản và đóng mới tàu biển là 2 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 276 triệu USD, chiếm 34,98% trong tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Với chính sách khai thác theo hướng bền vững, các trung tâm nghề cá lớn được đầu tư, xây dựng tại địa phương chính là bàn đạp phát triển mũi nhọn đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Cùng với đó, tỉnh đang thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân; hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả khai thác, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện tốt IUU.
Bài, ảnh: Hồ Anh Mão (baohaiquanvietnam.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận