Khánh Hòa: Tích cực phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

09:09 27-10-2022

VBĐVN.vn - Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt là các khu vực trên địa phận tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, địa phương là nơi có địa hình thấp dần từ tây sang đông, các sông, suối có đặc điểm là ngắn và có độ dốc lớn. Khi xuất hiện những trận mưa lớn thường gây ra hiện tượng lũ trên các sông, mực nước lũ lên nhanh, chảy xiết, gây sạt lở 2 bên bờ sông, suối. Trong điều kiện mưa lớn thường kèm theo gió giật, khiến sóng biển dâng cao, gây sạt trượt nhiều khu vực bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện các trận mưa lớn bất thường. Với địa hình có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa lớn bất thường sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Khu vực ven sông, ven biển lại là những nơi có dân cư đông đúc, trong trường hợp xảy ra sạt lở sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, công trình, tài sản của người dân. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có hơn 110 vị trí ven sông, suối và bờ biển bị sạt lở cần được khắc phục, gia cố.

UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị khắc phục sạt lở bờ sông Cái đoạn qua xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh. (Ảnh: PS)

Theo kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển. Phấn đấu đến năm 2023 cơ bản hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.

Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, phấn đấu đến năm 2030 Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển).

Trong 110 vị trí bị sạt lở cần được khắc phục, gia cố, tỉnh đã bố trí hơn 1.420 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 83 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ khu dân cư trên toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến bố trí hơn 1.657 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 27 công trình trong giai đoạn 2022 - 2025, đến năm 2030. Riêng đối với danh mục 100 vị trí sạt lở do các địa phương mới thống kê, đề xuất gia cố, khắc phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương để kiểm tra, rà soát, đánh giá và đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư.

Trước dự báo về tình hình mưa lũ trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương triển khai cấp bách những biện pháp phòng chống trước mắt như: Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức tái định cư xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, ven biển và rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn bảo vệ trực tiếp đê biển. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển tránh bị ảnh hưởng do sạt lở và làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Quản lý, kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông đường thủy (tốc độ phương tiện, trọng tải phù hợp) nhằm giảm thiểu tác động gây sạt lở.

Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quy hoạch sắp xếp lại dân cư, chủ động di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, trước hết là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn. Xây dựng các công trình chỉnh trị sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp. Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn ven biển, trồng cây chắn sóng để phòng chống sạt lở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, khai thác phù hợp gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất cho việc bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng vùng biển trên địa bàn tỉnh như sau: Quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có trên địa bàn tỉnh gồm hơn 1.470ha diện tích rừng tự nhiên và 124,68ha diện tích rừng trồng, không để người dân lấn chiếm, phá rừng và sử dụng rừng trái mục đích; thực hiện trồng mới đối với diện tích quy hoạch phòng hộ chắn sóng, phòng hộ chắn cát với diện tích hơn 612,37ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng với diện tích hơn 716,85ha.

Trần Vũ

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang