Không ngừng bồi đắp tình yêu biển, đảo
VBĐVN.vn - Năm 2023 đánh dấu tròn 10 năm Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” do lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nói chung và Bộ tư lệnh (BTL) Vùng CSB 4 nói riêng triển khai tổ chức. Với nhiều đổi mới tích cực, Vùng CSB 4 đã tổ chức cuộc thi đạt hiệu quả cao trên khắp các địa bàn vùng biển Tây Nam Bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tình yêu biển, đảo quê hương trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngư dân tương lai...
Đại tá Nguyễn Thái Dương, Phó chính ủy Vùng CSB 4 chia sẻ: Những năm đầu triển khai, Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với các hoạt động sân khấu hóa theo format của Gameshow “Rung chuông vàng” (chương trình truyền hình thực tế). Hằng năm, BTL Vùng CSB 4 phối hợp với ban dân vận các tỉnh ủy trên địa bàn tổ chức cuộc thi nằm trong tổng thể Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các trường THCS lựa chọn học sinh tham gia cuộc thi, với các câu hỏi trắc nghiệm, chọn đáp án về các chủ đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo, các vấn đề pháp luật, xã hội.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, việc tổ chức cuộc thi trực tiếp bị gián đoạn. Quyết tâm duy trì cuộc thi, Đảng ủy, BTL Vùng CSB 4 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thi theo hình thức online thông qua ứng dụng Zoom (ứng dụng học tập trực tuyến), kết nối các trường THCS trên địa bàn, tạo sân chơi vừa học tập, vừa giải trí cho học sinh. Với mong muốn mở rộng quy mô tổ chức cuộc thi, đơn vị đã nghiên cứu và triển khai thành công hình thức thi trực tuyến vòng sơ tuyển trên ứng dụng phần mềm Myaloha (phần mềm thi trực tuyến) để lựa chọn cùng lúc hàng trăm học sinh của nhiều trường THCS trên địa bàn có kết quả cao nhất, cùng tham gia vòng thi chung kết trực tiếp. Việc áp dụng phần mềm thi trực tuyến đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, chỉ cần điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet là học sinh thực hiện được nhiều lượt thi trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi.
Hằng năm, qua quá trình tổ chức và rút kinh nghiệm, đơn vị đã ban hành quy chế và thể lệ mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi với hàng nghìn câu trắc nghiệm cụ thể về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, truyền thống của Quân đội, lực lượng CSB, các quy định của pháp luật về biển, đảo Việt Nam, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy... Công tác tổ chức ngày càng bài bản, chính quy thông qua việc tạo lập các phòng họp trực tuyến, kết nối điểm cầu của BTL Vùng với hàng chục điểm cầu của phòng giáo dục-đào tạo cấp huyện và các trường THCS trên địa bàn. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI (trí tuệ do người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người), các phần mềm dựng video để tạo hiệu ứng sinh động hơn cho phần thi trực tuyến.
Với những đổi mới về nội dung và hình thức, Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” do Vùng CSB 4 tổ chức luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, trở thành điểm sáng trong triển khai tổ chức cuộc thi trong toàn lực lượng. Thời gian tới, Vùng CSB 4 tiếp tục tổ chức cuộc thi không chỉ ở các địa bàn có biển và mở rộng đối tượng tham gia, giúp cho cuộc thi ngày càng lan tỏa sâu rộng, hiệu quả thiết thực.
Mới đây, tại Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” được BTL Vùng CSB 4 tổ chức ở huyện Châu Thành (Kiên Giang), thầy Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành chia sẻ: Cuộc thi đã tạo ra một sân chơi thú vị, thu hút được gần 100% học sinh tham gia, giúp các em học sinh biết thêm nhiều kiến thức xã hội, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, nâng cao trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với ý nghĩa và hiệu ứng to lớn mà Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” đem lại, trong báo cáo tổng kết 10 năm tổ chức cuộc thi, BTL CSB Việt Nam đã trình thủ trưởng, cơ quan cấp trên nâng cấp trở thành đề án của lực lượng CSB nói riêng và Bộ Quốc phòng nói chung; đề xuất nhân rộng hình thức thi trực tiếp kết hợp trực tuyến như BTL Vùng CSB 4 đã áp dụng hiệu quả. Qua đó, ngày càng bồi đắp tình yêu biển, đảo quê hương đối với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần thực hiện tốt phương châm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng, Nhà nước ta.
Vùng CSB 4 là đơn vị đầu tiên của lực lượng CSB Việt Nam áp dụng hình thức thi trực tuyến kết hợp trực tiếp trong Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức thành công 8 cuộc thi tại 58 trường THCS ở 12 huyện, thành phố của 3 tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, thu hút khoảng 34.000 học sinh tham gia với gần 72.000 lượt dự thi.
Nguyễn Văn Tuân
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận