Khúc tráng ca trong bão

15:15 04-05-2020

Mỗi lần bão biển, ngay cả những con tàu ngày đêm ứng trực cũng được lệnh tìm nơi tránh trú, chỉ còn lại các anh, những người lính nhà giàn. Cuộc đời của người lính nhà giàn được khắc ghi bằng việc đương đầu với những cơn bão. Họ trở nên can trường hơn khi được huấn luyện, thử thách tinh thần để vượt qua bão, để bám trụ nhà giàn đến cùng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Rơi xuống biển vẫn điểm danh tìm đồng đội

Kể từ khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ vào tháng 12-1998 đến nay đã tròn 21 năm, trong sáu người sống sót sau cơn bão dữ, chỉ còn Trung tá Dương Văn Hoan vẫn bám trụ với nhà giàn, những người còn lại đã nghỉ hưu. Anh đang là Chỉ huy trưởng của nhà giàn DK1/21. Ký ức về ba đồng đội đã hy sinh, về một ngày đêm chống chọi với bão biển để giữ nhà giàn và 14 giờ đồng hồ trôi dạt trong bão vẫn hiện ra mồn một trong anh.

Ngày 12-12-1998, cơn bão số 8 mang tên quốc tế Faith đã tiến vào thềm lục địa phía nam. Dự đoán đây là cơn bão mạnh, cấp trên đã điện chỉ đạo các nhà giàn DK1 phòng chống chằng buộc, gia cố các trang thiết bị, đồng thời tổ chức sinh hoạt đơn vị động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó. Các tàu hoạt động trong khu vực cũng được lệnh về Côn Đảo tránh trú.

Sóng cuộn cao hàng chục mét đổ qua nhà giàn

Trên nhà giàn Phúc Nguyên 2A, ngoài Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương và Phó chỉ huy trưởng Dương Văn Hoan, còn có các cán bộ, chiến sĩ làm việc ở các vị trí khác nhau. Tất cả họ đã chuẩn bị phương án xấu nhất cho cả tập thể và cá nhân. Từng cán bộ, chiến sĩ trang bị áo phao đầy đủ, phân công mỗi người một mảng triển khai kiểm tra. Họ động viên nhau quyết tử bám trụ nhà giàn, bởi còn nhà là còn người.

Đêm hôm đó, bão cứ mạnh dần lên, sóng đánh lên tận cả sàn nhà, nhà giàn lắc lư trong bão. Bộ đội ngồi trong nhà còn nôn ói vì say sóng.

Sóng gió mạnh mỗi lúc một khủng khiếp hơn, đơn vị luôn giữ liên lạc báo cáo về sở chỉ huy Quân chủng Hải quân và Lữ đoàn 171 để chỉ đạo mọi vấn đề. Đến khoảng 18 giờ 30 tối, một cơn sóng cực lớn đánh trùm lên khiến nhà giàn nghiêng hẳn một bên, lắc lư chao đảo. Từ đó, sóng lớp sau đè lớp trước, nhà giàn cứ nghiêng dần theo cơn bão. Dù các cán bộ, chiến sĩ nỗ lực hết sức, nhưng khoảng 3 giờ 40 phút sáng, nhà không thể chịu được sóng gió nữa, đã đổ.

Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, đồng thời anh thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng. Chín cán bộ, chiến sĩ lần lượt nhảy xuống biển và được lệnh bám lên phao bè. Nhưng những cơn sóng dữ liên tục dội xuống khiến họ bị rơi ra nhiều hướng.

Trời đất mù mịt, cơn sóng từ trên cao bổ xuống nhà giàn

Trong cơn bão đêm, Trung úy Dương Văn Hoan gào khản tiếng để điểm danh từng người một. Anh không còn nghe thấy tiếng người chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương. Hai nhân viên ra-đa Lê Đức Hồng và nhân viên cơ điện Nguyễn Văn An cũng vậy. Riêng pháo thủ Nguyễn Văn Thơ sau cơn sóng đánh đã bám được vào bao gạo, lập lờ trôi trên sóng.

Các anh Tôn, Dũng, Thủy, Thuật lần lượt bám được vào chiếc phao cứu sinh. Nhưng chiếc phao lúc đó đã bị sóng đánh vỡ, nước tràn vào trong phao. Anh Hoan bơi đến để tát nước ra khỏi phao thì một cơn sóng to từ trên bổ xuống. Mọi người bật khỏi phao bè, còn anh Hoan bị mui phao chùm lên đầu, dìm cả người và phao xuống tận đáy biển.

“Tôi phải đạp chân để ngoi từ đáy biển lên, sóng đánh tuột mất cả quần áo. Lên đến mặt nước, tôi lại gọi đồng đội và cả nhóm bơi đến bám vào phao bè. Người yếu lên phao trước, người khỏe thì lên sau. Chúng tôi ngồi trên phao đến tảng sáng thì nhìn thấy đồng chí Thơ ôm bao gạo trôi gần đó. Tôi bảo Thơ đạp lên sóng để giữ khoảng cách, còn chúng tôi bơi phao bè lại gần vớt Thơ lên”. Từ nhà giàn DK1/21, nơi anh Hoan đang là chỉ huy trưởng, giọng người lính biển trầm buồn đều đều kể với tôi qua điện thoại.

Trung tá Dương Văn Hoan trao đổi công việc cùng các đồng chí tại nhà giàn DK1/21

Chiếc phao bè thành kỷ vật lịch sử

Lúc đó anh Thơ yếu lả đi. Thơ kêu lạnh, anh Hoan không ngại ngần cởi luôn chiếc áo phao đang mặc để ủ ấm cho đồng đội. Cứ thế, họ động viên, chia sẻ với nhau từng chút thức ăn để bám trụ trên phao bè. Trời sáng dần lên, sáu anh em nhen nhóm hy vọng được tàu tìm thấy. Nhưng rồi hy vọng dần tắt khi trời về chiều và bóng đêm dần buông. Biển thì vẫn chưa lặng sóng.

Đến 6 giờ tối, anh Hoan bỗng nhìn thấy một con tàu mấp mô trên đỉnh sóng. Rồi cứ như ảo ảnh, khi sóng tan anh không còn thấy tàu đâu nữa. Và rồi con tàu 606, một trong rất nhiều tàu được Quân chủng Hải quân điều động để tìm kiếm các anh lúc đó, cũng đã nhìn thấy chiếc phao bè móp méo nhỏ nhoi trôi dạt sau những cơn sóng chập chùng. Thuyền trưởng tàu 606, đại úy Lê Văn Muộn vừa khóc vừa báo về đất liền thông tin mà ai cũng chờ đợi. Trên phao có sáu đồng đội. Anh không dám quay tàu vì sợ lạc mất mục tiêu vừa thấy, bèn ra lệnh lùi tàu để tiến gần chiếc phao bè.

Trung tá Dương Văn Hoan trao đổi công việc cùng các đồng chí tại nhà giàn DK1/21

Nhưng vì sóng quá lớn, việc đưa sáu anh em lên tàu không hề dễ dàng. Tàu ném dây nhiều lần nhưng người trên phao bè không thể bắt được. Phải sau vài ba tiếng, đến 9 giờ tối 13-12-1998, cả sáu anh em nhà giàn Phúc Nguyên 2A mới lên được tàu 606, sau 14 tiếng đồng hồ dạt trôi trên những con sóng.

Các tàu vẫn tiếp tục tìm kiếm ba đồng đội nữa của các anh, nhưng ngày thứ hai, thứ ba, và nhiều ngày sau đó vẫn không thấy. Họ đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển, để lại những điều còn dang dở. Nguyễn Văn An chưa kịp nhìn mặt và đặt tên cho con trai đầu lòng. Chàng trai 21 tuổi Lê Đức Hồng vẫn còn tám lá thư màu mực tím chưa kịp gửi cho cô gái vừa làm quen qua hộp thư kết bạn. Và người chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương 30 tuổi chưa kịp lấy vợ, nhà chỉ còn hai em gái bị nhiễm chất độc da cam, đã nằm lại mãi dưới thềm lục địa cùng lá cờ Tổ quốc.

Anh Hoan kể lại, hồi đó chưa có điện thoại, chỉ có thư từ, vợ con anh ở Hà Nam không hề biết những chuyện đã xảy ra với anh và các đồng đội. Lúc anh trở về nhà kể thì vợ con mới biết. Còn chiếc phao bè cứu sinh bị vỡ dập trong bão đã trở thành kỷ vật được trưng bày tại nhà truyền thống Lữ đoàn 171.

Các chiến sĩ nhà giàn thắp hương, thả hoa xuống biển, tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh

Sau này, gặp chúng tôi, Trung tá Trần Sỹ Hoành, người 20 năm gắn bó với nhà giàn, nay là Chính trị viên Trạm sửa chữa Phòng kỹ thuật Vùng 2 Hải quân, nhớ lại: Sáng sớm 13-12-1998, tại nhà giàn Tư Chính 5 DK1/14, cách nhà giàn Phúc Nguyên 2A khoảng 15 hải lý, anh đang ngủ vì mệt sau một đêm chống chọi với bão thì nghe thấy tiếng anh Lê Đức Hồng gọi: “Bác Hoành ơi!”. Nhưng khi ra nhìn xuống biển thì chỉ còn thấy mấy phao bè, phao xốp bị sóng biển đánh trôi về đây. Tiếng gọi cuối cùng của người đồng hương Nghệ An, có thể chỉ trong tâm tưởng, khiến anh ám ảnh suốt nhiều năm.

Bão biển tôi luyện ý chí lính nhà giàn

Thử thách lớn nhất của người lính nhà giàn chính là bão. Họ vượt qua nỗi sợ bão, tích lũy, truyền cho nhau kinh nghiệm để chống bão. Ý chí thép của người lính được tôi luyện từ đó.

Trung tá Trần Sỹ Hoành kể lại, một năm sau khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ, vào một buổi sáng tháng 12-1999, các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn Tư Chính DK1/14 vẫn đang làm việc bình thường thì bỗng có hai cơn sóng cực lớn, cao tầm 20m đổ ập vào nhà giàn. Tư Chính 5 nghiêng hẳn 20 độ nhưng trả lại dần. Nhưng rồi sóng càng ngày càng lớn, nước tràn lên sàn nhà, cả người và đồ vật đều nghiêng ngả theo từng cơn sóng. Chỉ huy nhà giàn gọi về đất liền xin hỗ trợ. Các cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị áo phao để sẵn sàng nhảy xuống biển. Vì sóng lớn, khoảng cách xa, đến 5 giờ chiều, tàu cơ động 794 mới ra đến nhà giàn để cấp cứu. Lần lượt từng người nhảy xuống phao bè, nhưng sóng quá lớn khiến hai người văng xuống biển. Sóng kéo chìm cả người lẫn phao xuống chục mét dưới đáy biển rồi lại đẩy lên. May mắn là tất cả các anh đã an toàn lên tàu, nhưng toàn bộ quân tư trang đều bị chìm.

Bão đánh xô hỏng cầu thang và sàn nhà giàn

Trận bão biển tròn 20 năm trước khiến anh Hoành ám ảnh mãi. Nhưng không vì thế mà anh chùn bước trước những cuồng phong, đó chỉ là cách biển thử thách để lính nhà giàn kiên cường hơn. Ngay sau đó, anh vẫn quay lại biển và ở nhà giàn Ba Kè. Còn nhà giàn Tư Chính 5, sau cơn bão năm đó vẫn duy trì ở góc nghiêng 15 độ trong suốt bảy năm. Lính nhà giàn vẫn bám trụ và sinh hoạt trên sàn nhà nghiêng. Đến năm 2006, Tư Chính 5 được gia cố cho khỏi đổ, kéo lại dần còn 5-10 độ nghiêng. Nhà giàn DK1/14 được nâng cấp vào năm 2011. Lúc này, anh Hoành quay trở lại đây công tác hai năm trước khi về đất liền vào năm 2013.

Còn Trung tá Nguyễn Xuân Hà, Chỉ huy trưởng nhà giàn từ năm 1995 đến nay kể với chúng tôi, anh đã chứng kiến trên 30 cơn bão biển, và khoảng 50 cơn áp thấp khi ở nhà giàn. Dường như việc đếm bão trở thành thói quen của lính nhà giàn. Mỗi lần bão đến và đi, họ lại thêm một lần vững chãi. Họ hiểu bão, đón ý bão, đối mặt và vượt qua nó.

Chân của nhà giàn Ba Kè A còn sót lại sau trận bão đêm 4-12-1990

Được đồng đội đón về đất liền sau cơn bão dữ, chỉ ba tháng sau, khi đã ổn định sức khỏe, anh Dương Văn Hoan tiếp tục quay lại với nhà giàn, lần này là Phó chỉ huy nhà giàn DK1/17. Từ đó đến nay, anh đi hết tất cả các cụm nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam. Năm 2009, từ vị trí phó chỉ huy, anh đã lên làm Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16. Năm đó, Quân chủng Hải quân phối hợp cùng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức kỷ niệm 20 năm nhà giàn DK1 ngay ở cụm nhà giàn anh đang ở. Đó là lễ kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh.

“Tôi sẽ ở nhà giàn cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời làm lính”, nhân chứng lịch sử vụ đổ nhà giàn Phúc Nguyên 2A cuối cùng vẫn bám trụ nhà giàn tâm sự.

Nguồn:nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang