Kiểm ngư tăng cường giải pháp đồng bộ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá
VBĐVN.vn - Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của kiểm ngư địa phương chưa được luật hóa đang cản trở hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý tàu cá vi phạm trên biển.
15/28 tỉnh thành lập đơn vị Kiểm ngư
Tính đến cuối tháng 9/2023, cả nước có 15/28 tỉnh thành phố ven biển thành lập lực lượng Kiểm ngư trong đó có 14 tỉnh thành lập kiểm ngư cấp phòng, trạm thuộc Chi cục Thủy sản, riêng tỉnh Kiên Giang thành lập Chi cục Kiểm ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước tháng 7/2023, ở các tỉnh ven biển, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển đều do lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản các tỉnh thực hiện. Sau khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các chi cục thủy sản không còn nữa. Điều này dẫn đến thực tế là năng lực thực thi pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển được phân cấp, công tác tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU tại các địa phương chưa bảo đảm và thiếu tính răn đe.
Ngoài ra, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan kiểm ngư địa phương chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên biển gặp nhiều khó khăn.
Cao điểm 6 tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, lực lượng Kiểm ngư tiếp tục bổ sung nhân lực, phương tiện, kinh phí để đảm bảo năng lực tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển.
Theo đó, lực lượng kiểm ngư tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 81/QĐ-TTg, Công điện 265/CĐ-TTg và Chỉ thị số 17/CT-TTg, trong đó có tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thi hành pháp luật.
Đối với công tác đảm bảo năng lực thực thi pháp luật, Kiểm ngư Việt Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng Kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tham mưu trình Bộ có văn bản đề nghị địa phương tiếp tục thành lập kiểm ngư; bổ sung nhân lực, phương tiện, kinh phí cho lực lượng kiểm ngư để đảm bảo năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển; tham mưu xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư có liên quan đến lĩnh vực kiểm ngư về quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; cấp thẻ kiểm ngư viên; biển tên, trang phục, phù hiệu của kiểm ngư địa phương… nhằm đảm bảo tính thống nhất từ kiểm ngư trung ương đến kiểm ngư địa phương.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử ý vi phạm hành chính; huấn luyện bắn đạn thật; bồi dưỡng, cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư để cấp Thẻ kiểm ngư theo kế hoạch năm 2023.
Rà soát, ký lại quy chế phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển; chống khai thác IUU.
Liên ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giám sát nghề cá
Theo Kiểm ngư Việt Nam, các địa phương đã thành lập lực lượng kiểm ngư cần có kế hoạch bổ sung nhân lực, phương tiện, kinh phí… để đảm bảo năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển, đặc biệt đợt cao điểm 6 tháng cuối năm 2023, năm 2024.
Đối với các tỉnh chưa thành lập lực lượng kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực; bố trí nơi lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nhằm hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm hành chính được thuận lợi.
Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung ương tổ chức phát động và triển khai đợt cao điểm về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hạnh chính trong lĩnh vực thủy sản. Lực lượng thực thi pháp luật thuộc Bộ Quốc phòng (gồm Hải quân, Cảnh sát biển) chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn, giáp ranh để ngăn chặn tàu cá/ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời bảo vệ, hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo điều kiện, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thủy sản địa phương kiểm tra, kiểm soát ra vào cảng cá.
Các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tàu cá vi phạm quy định về khai thác IUU; giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển, tàu cá vượt ranh giới trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng cá, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
6 tháng đầu năm 2023, Cục Kiểm ngư đã chỉ đạo tổ chức 59 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên biển của 6.289 tàu cá, trong đó có 58 tàu cá nước ngoài.
Kiểm tra 189 tàu, trong đó có 169 tàu cá Việt Nam, 20 tàu cá nước ngoài; phát hiện và xử lý 37 tàu cá vi phạm, trong đó có 17 tàu Việt Nam, 20 tàu nước ngoài;
Xử phạt vi phạm hành chính 1,987 tỷ đồng; lập biên bản, ký xác nhận, điểm chỉ vào tổng đồ vị trí vi phạm, quay phim, chụp ảnh, sau đó buộc rời khỏi vùng biển Việt Nam 58 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản. Duy trì 30 tàu kiểm ngư/một tháng trực trên các vùng biển giáp ranh để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; ngăn chặn được khoảng 9.000 lượt tàu có ý định vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài.
Các hành vi vi phạm đã phát hiện, gồm: tàu hoạt động giấy phép khai thác đã hết hạn, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn, không đầy đủ bằng thuyền trưởng, máy trưởng; tàu khai thác, neo đậu ở tỉnh khác, xa tỉnh đăng ký, không về tỉnh để làm các thủ tục để đủ điều kiện được phép khai thác hải sản; khai thác hải sản sai vùng, sai tuyến, nhất là tàu lưới kéo vào khai thác ở vùng bờ vùng lộng; vượt ranh giới khai thác ở vùng biển của quốc gia khác; tắt thiết bị giám sát hành trình; một tàu mang theo nhiều thiết bị hành trình của tàu khác.
Kiên Trung (nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận