Kiên Giang phối hợp với các địa phương chống khai thác hải sản trái phép

15:17 26-12-2023

VBĐVN.vn - Tăng cường giám sát tàu cá, tỉnh Kiên Giang đã ký quy chế phối hợp với nhiều địa phương về quy chế phối hợp trong công tác chống khai thác hải sản trái phép.

Phối hợp chống khai thác hải sản trái phép

Là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, tàu cá của ngư dân tỉnh Kiên Giang không chỉ hoạt động ở vùng biển Tây, mà còn vươn khơi ra cả biển Đông đánh bắt, cập cảng Bà Rịa-Vũng Tàu, Nam Định để lên hàng và tiếp nhiên liệu. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý đội tàu, nhất là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Cà Mau thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên vùng biển Tây. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang cho biết, tính đến giữa tháng 12-2023, toàn tỉnh có 8.209 tàu cá đã đăng ký, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 3.631 tàu. Tổng số tàu đã được cấp phép là 7.841/8.209 tàu và còn hạn giấy phép là 7.073/8.209, đạt 86,2%. 100% tàu cá Kiên Giang thực hiện đánh dấu tàu cá khi làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp phép.

Đến nay đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.607/3.631 tàu và được tổ chức giám sát hành trình tàu cá 24/7, còn lại 24 tàu nằm bờ không đi khai thác nên chủ chưa lắp đặt. Kết quả các chỉ tiêu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn bình quân chung của cả nước.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT, thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang cùng các ngành chức năng tặng cờ, thư kêu gọi của Tỉnh ủy Kiên Giang về chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Để tăng cường chống khai thác IUU, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành 6 Kế hoạch triển khai thực hiện chống khai thác IUU và 2 Quyết định về kiện toàn Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh và thành lập Đoàn kiểm tra các sở, ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh đã ban hành cũng đã ban hành các quyết định và kế hoạch hành động. Trong đó, có kế hoạch thăm hỏi chủ tàu có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và làm việc với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành đơn vị có liên quan. Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

Tổ chức Đoàn công tác Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo về IUU các tỉnh Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nam Định và Cà Mau về việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác chống khai thác IUU, quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản khai thác. Triển khai kế hoạch hành động chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đến tháng 4 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Tăng cường giám sát tàu cá

Thiết bị giám sát hành trình và nhật ký khai thác là công cụ quan trọng giúp ngành chức năng quản lý hoạt động tàu cá, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Nhằm đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động 24/24, không bị gián đoạn, tỉnh Kiên Giang đã triển khai hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá 2 đợt cho các chủ tàu cá, với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục xem xét, phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 12 tháng tiếp theo.

Rất nhiều vụ vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình tàu cá của ngư dân bị lực lượng chức năng phát hiện, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 89 thiết bị của 41 chủ tàu, với tổng số tiền hơn 19,6 tỷ đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Cùng với đó, là tăng cường các giải pháp quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá. Trong năm 2023, Tổ thanh tra, kiểm tra nghề cá tại cảng cá đã kiểm tra 2.954 lượt tàu cập cảng, rời cảng, trong đó tàu trên 24 m là 710 lượt, tàu dưới 24 m là 2.244 lượt. Kết hợp với các tỉnh ven biển quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản khai thác. Đến hết tháng 11/2023, đã cấp 116 giấy xác nhận nguyên liệu với khối lượng 2.097 tấn, cấp 177 giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản với khối lượng 1.729 tấn để chế biến xuất khẩu.

Về thực thi pháp luật thủy sản và xử lý tàu cá vi phạm, thời gian qua lực lượng chức năng ngành nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển 4, Kiểm ngư vùng 5 đã xử phạt 145 thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 11-2023, đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia 931 vụ với số tiền hơn 49 tỷ đồng, trong đó năm 2022 có 276 vụ và năm 2023 là 655 vụ.

Lũy kế từ năm 2020 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65 vụ, tịch thu 55 tàu cá, với tổng số tiền xử phạt hơn 55 tỷ đồng. Trong đó, riêng các vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 89 thiết bị của 41 chủ tàu, với tổng số tiền hơn 19,6 tỷ đồng.

Đ.T.Chánh (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang