Kiên Giang với hành trình tiến ra biển. Bài cuối: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

10:30 17-07-2023

VBĐVN.vn - Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 2 đơn vị biển, đảo là TP. Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải. Phần đất liền ven biển của tỉnh trải dài qua 7 đơn vị hành chính cấp huyện với 68/144 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển. Vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù đó đã tạo cho Kiên Giang nhiều lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đảo.

Để hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó tập trung vào 3 định hướng đột phá lớn và 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Theo đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang, để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, trong nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang luôn xác định trọng tâm lấy phát triển kinh tế biển làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ thị, chỉ đạo các địa phương ven biển xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch bám sát các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế biển phù hợp thực tế của địa phương để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay kinh tế biển của tỉnh phát triển khá toàn diện, giá trị tăng trưởng kinh tế biển chiếm 79,76% tổng giá trị GRDP của tỉnh.

Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, được mệnh danh là “vương quốc cá lồng bè” của Kiên Giang. Hiện toàn xã có hơn 1.300 lồng bè, gần 200 hộ nuôi, chủ yếu là cá bớp, cá mú, cá trân châu. Ảnh: ĐỨC BÌNH

Thành tựu này trước hết là nhờ chủ trương, chính sách thu hút đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng du lịch và dịch vụ tạo động lực cho ngành du lịch và dịch vụ biển phát triển mạnh mẽ. Tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu các địa điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh đến khách du lịch.

Kiên Giang tăng cường hợp tác liên kết với một số tỉnh, thành phố thuộc các nước Campuchia và Thái Lan để kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam và trao đổi, thảo luận với các đối tác từ các nước Pháp, Nga, Australia, Nhật Bản... về hợp tác du lịch, mở thêm tuyến bay đến Phú Quốc.

Với lợi thế là ngư trường trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang đã dành nhiều sự quan tâm phát triển lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững. Tỉnh huy động được nhiều nguồn lực đầu tư đóng mới tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại để vươn khơi.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển nghề nuôi thủy hải sản trên biển, với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, nhất là mô hình nuôi xen kết hợp tôm - cua; tôm sú - tôm càng xanh; mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng An Minh, An Biên; mô hình ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc...

Điểm nổi bật, tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã huy động hơn 111.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển vùng biển, đảo. Giai đoạn 2016-2020 số vốn huy động tăng lên 140.000 tỷ đồng, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh.

Từ đó, nhiều dự án, công trình, khu đô thị biển, ven biển được đầu tư và đưa vào sử dụng, như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang); mạng lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Kiên Hải; hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé; đang nâng cấp hệ thống cống, đê biển từ Hà Tiên đến An Minh (Kiên Giang); kết cấu hạ tầng các đô thị biển như Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc tăng cường đầu tư phát triển để tạo động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển...

Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) là một điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh trong những năm gần đây, điểm đến cực kỳ thu hút giới trẻ vì hội tụ đủ các yếu tố như cảnh đẹp, thức ăn ngon, chi phí rẻ… Trong ảnh: Một bãi biển trên đảo Nam Du. Ảnh: ĐỨC BÌNH

3 định hướng, 6 nghiệm vụ

Đồng chí Đỗ Thanh Bình cho biết quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhiệm vụ cốt lõi và thực hiện xuyên suốt là phát triển tỉnh Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Tỉnh ủy đề ra 3 định hướng đột phá lớn và 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Về 3 định hướng, thứ nhất tiếp tục phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển các cụm đảo Nam Du, Bà Lụa, Hà Tiên để phát triển du lịch và dịch vụ có giá trị. Thứ hai, phát triển đô thị biển mang đặc trưng của Kiên Giang, mở rộng phát triển không gian đô thị về phía biển đối với TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên… thật sự trở thành động lực cho phát triển. Thứ ba đối với phát triển thủy sản, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững đến năm 2030”, nâng dần tỷ trọng nuôi biển trong cơ cấu ngành thủy sản, giảm dần tỷ trọng khai thác và hướng đến khai thác bền vững.

Về 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, một là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền các cấp trong phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Kiên Giang đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Hai là, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo. Ba là, tập trung thực hiện các khâu đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đảng, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế biển.

Bốn là, tập trung phát triển văn hóa - xã hội vùng biển, đảo và ven biển. Năm là, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Sáu là, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.

Một góc núi Pháo Đài, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: ĐỨC BÌNH

Theo Tỉnh ủy Kiên Giang, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển Kiên Giang thành khu kinh tế trọng điểm về cảng biển mang tầm cỡ quốc tế để thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế. Ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực về biển riêng cho các tỉnh có biển, trong đó, ưu tiên đào tạo các nhà nghiên cứu, quản lý và lực lượng lao động trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế biển.

Bộ Xây dựng nên thực hiện thí điểm dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của biến đổi khí hậu như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) thuộc danh mục hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn theo đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Thực hiện thí điểm lập quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị cho TP. Phú Quốc gắn với các trung tâm kinh tế biển theo phương pháp quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị mới với sự hỗ trợ của quốc tế”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ làm cơ sở cho địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm ưu tiên nguồn lực đối với các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, các dự án biến đổi khí hậu, giao thông ven biển kết nối liên vùng, khu dân cư ven biển và các hồ chứa nước trên đảo.

Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch quy mô, công suất các cảng biển theo hướng quy hoạch mở; mở rộng không gian quy hoạch các cụm cảng khu vực Phú Quốc và Hà Tiên để tạo thuận lợi trong công tác kêu gọi đầu tư. Thống nhất cho địa phương cải tạo nâng cấp các bến thủy nội địa trên các đảo Hòn Tre, Lại Sơn, huyện Kiên Hải; Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương; Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) thành cảng thủy nội địa để tiếp nhận tàu biển…

Đức Bình - Tú Minh (baokiengiang.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang