Kinh tế biển Đà Nẵng: Thực trạng và định hướng phát triển: Bài 1: Chuyển hướng phát triển kinh tế biển
VBĐVN.vn - Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, Thành phố (TP) tập trung nhiều giải pháp nhằm đổi mới cơ cấu và từng bước đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế trọng điểm ở địa phương…
Hướng đến nghề cá xa bờ, công suất lớn
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, đến nay trên địa bàn toàn TP có hơn 1.200 tàu đánh bắt các loại với công suất bình quân 324cv/tàu; trong đó tàu khai thác ven bờ là 324 tàu (chiếm 26%), tàu khai thác vùng lộng có 320 tàu (chiếm 26%) và khai thác vùng khơi có 596 tàu (chiếm 48%).
So với 5 năm trước (2016), số tàu khai thác vùng khơi của Đà Nẵng hiện tăng 223 tàu, tàu khai thác vùng lộng, vùng ven bờ giảm 146 tàu; công suất bình quân của đội tàu TP hiện cũng tăng 127cv/tàu so với 5 năm trước.
Nói về những đổi thay trên, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng khẳng định: “Đây là sự chuyển đổi theo hướng tích cực để đảm bảo yêu cầu vươn khơi bám biển các vùng biển xa và hiện đại hóa nghề cá. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc, ngư dân TP đang dần thay đổi nếp nghĩ và cách làm trước đây là đánh bắt gần bờ, ít đầu tư cho phương tiện đánh bắt hiện đại ở những vùng biển xa”.
Cũng liên quan đến nhận định về xu hướng phát triển nghề cá trên địa bàn thời gian gần đây, ông Trần Văn Thành, Phó trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà - địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất TP Đà Nẵng thông tin: Hòa cùng xu thế nghề cá của TP, trong những năm qua, ngư dân trên địa bàn quận Sơn Trà đã đầu tư, nâng cấp tàu cá và các phương tiện đánh bắt theo hướng hiện đại, bám biển dài ngày ở những vùng biển xa.
Ông Thành cho biết, nếu như 5 năm trước (2016), toàn quận có 1.100 tàu cá với tổng công suất gần 175.000cv (công suất bình quân đạt hơn 158cv/tàu) thì hiện nay, tổng số tàu của quận tăng không đáng kể (1.102 tàu, chỉ tăng thêm 02 tàu) nhưng công suất tàu lại tăng gần 305.000cv (tăng gần 1,75 lần), công suất bình quân đạt gần 277cv/tàu (tăng 119cv/tàu). Trong đó, riêng số lượng tàu khai thác xa bờ tăng 43 tàu, từ 339 tàu năm 2016 lên 448 tàu.
“Bên cạnh sự chuyển dịch cơ cấu về công suất của tàu thì cơ cấu nghề cá cũng đã có sự chuyển đổi rõ nét theo hướng vươn khơi, nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác và tăng thu nhập cho lao động nghề biển”- ông Trần Văn Thành cho biết thêm.
Trong khi đó, tại quận Thanh Khê- địa phương có lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn thứ 2 tại Đà Nẵng những năm qua cũng cùng xu hướng phát triển lượng tàu lớn, bám biển xa dài ngày. Cụ thể, theo Phòng Kinh tế quận này, vào cuối năm 2011 toàn quận chỉ có 116 tàu cá các loại, trong đó tàu đánh bắt xa bờ hơn 60 chiếc. Đến nay, thực hiện chủ trương đầu tư cho nghề cá xa bờ của lãnh đạo TP và quận, số lượng tàu cá của quận là 236 tàu, trong đó có 85 tàu đánh bắt xa bờ. Điều đáng nói là trong số các tàu đánh bắt xa bờ này, có nhiều tàu công suất lớn trên 1.000 cv, thường xuyên hoạt động, bám biển dài ngày tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao giá trị đánh bắt và thu nhập cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tiếp tục đầu tư cho hạ tầng nghề cá
Cùng với việc tăng lượng tàu và công suất cho đội tàu để bám biển xa dài ngày, những năm qua TP Đà Nẵng cũng đã đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt là tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (thuộc 2 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).
Theo Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghiệp này hiện được đầu tư đồng bộ, khép kín với hệ thống cảng cá, chợ đầu mối thủy sản, khu neo đậu tránh trú bão, nhà máy chế biến, chợ hậu cần, kho bảo quản lạnh, cửa hàng vật tư sửa chữa và trang thiết bị khai thác, cửa hàng xăng dầu và đội tàu cung ứng, xưởng sản xuất nước đá, cơ sở đóng tàu, dịch vụ: ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí...
Trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật dịch vụ phục vụ nghề cá này, đáng kể là khu neo đậu tránh trú bão Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước rộng 58ha; diện tích trên bờ 24ha. Nhờ kín gió và có diện tích khá lớn trên, hiện khu vực này là nơi neo đậu lí tưởng, đảm bảo cho lượng tàu tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền Trung ra vào xuất bán sản phẩm đánh bắt cũng như neo đậu tránh trú trong mùa mưa bão.
Đánh giá về hiệu quả của Cảng cá Thọ Quang hiện nay, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, sản lượng qua Cảng này đạt trên 100.000 tấn/năm; đã tạo việc làm và cho thu nhập ổn định cho khoảng 25.000 lao động. Vì thế Cảng cá không chỉ phục vụ đơn thuần về lĩnh vực thủy sản mà còn giải quyết về an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và thể hiện vai trò liên kết, thu hút nguyên liệu cho các tỉnh khu vực miền Trung.
Ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, dọc các địa bàn ven biển của Đà Nẵng, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm thủy sản có thương hiệu lâu đời như Làng nước mắm Nam Ô, các khu đóng tàu và Nhà máy chế biến hải sản thời gian qua cũng đã góp phần hiện đại và nâng tầm nghề cá trên địa bàn Đà Nẵng.
(Bài tiếp theo: Tháo khó cho kinh tế biển)
Văn Đoàn (theo dangcongsan.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận