Kinh tế khởi sắc nơi xã đảo Tiên Hải
VBĐVN.vn - Tiên Hải là xã đảo duy nhất của thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, còn có tên gọi khác là quần đảo Hải Tặc với 18 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên hơn 283ha. Những năm qua, kinh tế của xã đảo phát triển ngày càng khởi sắc nhờ vào hai trụ cột chính là khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ du lịch.
Phát triển nuôi trồng thủy hải sản kết hợp với du lịch
Xã đảo Tiên Hải nằm cách thành phố Hà Tiên theo đường biển gần 30km, cách thành phố Phú Quốc khoảng 40km, tiếp giáp với Campuchia. Xã đảo hiện có 480 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu ở đảo Hòn Đốc (Hòn Tre Lớn), Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Trong đó, Hòn Đốc là đảo lớn nhất-trung tâm hành chính của xã. Xã đảo này có rất nhiều lồng bè nuôi cá trên biển. Đây cũng là nghề nghiệp chính mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.
Là một trong những hộ gia đình nuôi cá lồng bè đầu tiên trên đảo Hòn Đốc, ông Hồng Ngọc Điệp (57 tuổi) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi cá lồng bè khoảng 20 năm nay. Trước đây, khi chưa làm mô hình này, công việc chính của gia đình tôi là đánh bắt hải sản xa bờ rồi bán lại cho các tàu cá chở vào đất liền. Tuy nhiên, thu nhập từ đánh bắt hải sản không cao nên gia đình tôi quyết định chuyển sang mô hình nuôi cá lồng bè, từ đó kinh tế của gia đình đã khởi sắc”. Hiện nay, quy mô nuôi cá lồng bè của gia đình ông Điệp là 10 bè với khoảng 20.000 cá mú, cá bớp, lợi nhuận thu về mỗi năm từ 1 đến 2 tỷ đồng. Nhiều gia đình tại đảo cũng đã học theo ông Điệp nuôi cá lồng bè để nâng cao thu nhập và được ông Điệp tận tình truyền đạt kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Công Tước, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết: Năm 2023, các chỉ tiêu kinh tế của xã tiếp tục có bước phát triển. Tổng giá trị sản xuất (GO) đạt gần 484 tỷ đồng, tăng 14,37% so với năm 2022. Trong đó, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 2.763 tấn, tổng giá trị khai thác đạt gần 105 tỷ đồng. Về nuôi trồng thủy sản, toàn xã có 88 hộ, 1.041 lồng bè nuôi cá các loại với tổng sản lượng thu hoạch cá là 750 tấn, tổng giá trị nuôi trồng thủy sản là 225 tỷ đồng, tăng 29,76% so với năm 2022.
Không chỉ làm giàu từ nuôi trồng thủy hải sản, những năm gần đây, ngư dân trên xã đảo Tiên Hải đã dần quen với nghề làm dịch vụ du lịch. Trong năm 2023, xã Tiên Hải đón hơn 40.300 lượt khách đến tham quan du lịch, doanh thu đạt hơn 32 tỷ đồng, tăng 1,58% so với năm 2022. Hiện toàn xã có 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Du khách đến xã đảo được tham quan bè cá, đi tàu thuyền quanh đảo trải nghiệm lặn ngắm các sinh vật biển, thưởng thức những món ăn ngon. Đặc biệt, cư dân trên đảo có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đi dạo quanh đảo sẽ thường xuyên gặp cảnh cư dân nơi đây nhặt rác thải bỏ vào thùng rác. Tiên Hải cũng là một trong số ít địa phương cấp xã ở Kiên Giang có nhà máy xử lý rác thải hiện đại.
Hướng tới những mô hình, giải pháp mới
Bên cạnh những thuận lợi thì xã Tiên Hải vẫn còn những khó khăn trong phát triển kinh tế. Cụ thể, theo Phó chủ tịch UBND xã Tiên Hải Nguyễn Công Tước, ngành nghề đánh bắt hải sản những năm gần đây sụt giảm về sản lượng do nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, do tác động của giá xăng dầu tăng cao, nguồn cung không ổn định nên một số phương tiện không thể ra khơi đánh bắt. Một số hộ còn gặp khó khăn về mặt kinh phí, kỹ thuật khi chuyển từ nghề đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng chịu thiệt hại do dịch bệnh trên cá nuôi và các biến động về giá cả thị trường. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch phục hồi còn chậm, các công trình kiến trúc, hoạt động bổ trợ ngành du lịch còn chậm được triển khai trên địa bàn xã dẫn đến lượng khách du lịch ra tham quan còn thấp so với chỉ tiêu.
Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển, năm 2024, xã Tiên Hải sẽ thử nghiệm thêm một số mô hình nuôi trồng hải sản ven biển như nuôi hàu, rong sụn... Xã cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng của thành phố và tỉnh tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh, chế biến, bảo quản hải sản cho nhân dân để nâng cao hiệu quả kinh tế. Vận động nhân dân gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng phát triển ổn định, bền vững; sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu để giảm sự phụ thuộc của việc nuôi trồng thủy sản vào các yếu tố tự nhiên; áp dụng việc gắn nhãn thương hiệu cho cá bớp của địa phương để tạo sự cạnh tranh, nâng cao về giá trị trên thị trường. Đồng thời, xã sẽ phối hợp với địa phương và các tổ chức xã hội tìm biện pháp để bảo vệ các nguồn lợi thủy hải sản.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, xã tiếp tục tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch mô hình như: Câu cá, lặn biển, tham quan các đảo... cùng các ngành của thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các loại hình dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về giá cả dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ bảo đảm an toàn trật tự; xây dựng phong cách kinh doanh, giao tiếp văn minh, lịch sự và có ý thức bảo vệ môi trường, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Bài và ảnh: LA DUY
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận