Kỷ niệm khó quên nơi đảo xa

10:40 22-06-2021

VBĐVN.vn - Đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung và những người làm báo nói riêng, việc được ra thăm và tác nghiệp ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là điều hết sức thiêng liêng và vinh dự lớn. Ở đó, họ được trải nghiệm cùng vô vàn khó khăn, vất vả nhưng vô cùng hãnh diện để rồi khi trở về đất liền, những tác phẩm báo chí ra đời sẽ phản ánh sinh động, hấp dẫn về cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm của quân dân nơi đảo xa.

Trường Sa luôn là mảnh đất mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời của rất nhiều người. Bởi đây là biểu tượng của tình đoàn kết, của niềm tự hào dân tộc, của tình yêu quê hương đất nước. Hàng năm, Quân chủng Hải quân đã tổ chức nhiều chuyến tàu chở các đoàn đại biểu, phóng viên báo chí ra thăm, kiểm tra và giao lưu tại Trường Sa và Nhà giàn DK1. Qua các chuyến công tác ra Trường Sa đã để lại trong các đại biểu rất nhiều trải nghiệm, cảm xúc đáng nhớ.

Khắc hẳn với điều kiện tác nghiệp ở đất liền, các nhà báo khi tác nghiệp tại Trường Sa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì điều kiện nắng gió, thời gian gấp, lịch trình làm việc dày đặc. Ở trên tàu hay lên đảo thì lúc nào các nhà báo cũng trong cảm giác bồng bềnh theo những con sóng của biển nhưng vẫn phải chạy mới kịp “bắt” hết được những khoảnh khắc làm tư liệu để mang về.

Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: Trọng Đăng

Với nhà báo Ngọc Hân, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân được tác nghiệp hơn 10 ngày ở Trường Sa trong tháng 4 vừa qua là một kỷ niệm, dấu ấn không thể nào phai mờ. Chị cho biết: Trong chuyến đi, tôi luôn ấn tượng bởi hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên các đảo. Xúc động nhất với tôi là buổi lễ chào cờ thiêng liêng, hùng tráng tại đảo Trường Sa. Là quân nhân, tôi đã đọc, đã nghe nhiều lần “10 lời thề danh dự của quân nhân”, nhưng khi nghe tiếng “xin thề” hô vang giữa Trường Sa khiến tôi chợt lặng đi trong không khí trang nghiêm, ý chí quyết tâm cao. Rất nhiều lần những tình cảm của bộ đội Trường Sa khiến tôi phải rưng rưng.

“Ở đảo Sơn Ca, có một chiến sĩ đề nghị tôi: “Chị bỏ khẩu trang ra cho bọn em nhìn thấy mặt chị được không ạ?" đã khiến tôi sững người và một cảm xúc khó nói thành lời, có điều gì đó như nghèn nghẹn trong lồng ngực. Cách nói của chiến sĩ đó rất nghiêm túc, chân thành, thật thà chứ không mang ý bông đùa chút nào khiến tôi thực sự xúc động. Tôi cũng được tận mắt ngắm những hòn đảo đẹp như cổ tích ở Trường Sa, những công viên cây xanh mướt giữa biển khơi nắng gió… thấy thêm yêu Tổ quốc mình và tự hào vì đất nước mình đẹp quá”- Ngọc Hân chia sẻ.

Đến với Trường Sa, bên cạnh những khó khăn về không gian, thời gian lưu lại đảo, rồi các đoàn kiểm tra, tặng quà, giao lưu đã rất hạn chế để được tiếp xúc với chiến sĩ thì thách thức lớn nhất đặt ra đối với các phóng viên là phải tìm ra đề tài mới. Cuộc sống sinh hoạt và nhiệm vụ chiến đấu của quân dân trên huyện đảo Trường Sa dường như đã được các đồng nghiệp đi trước khai thác kỹ, nếu không có sự chuẩn bị thì quá trình tác nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Không chỉ đối với các phóng viên lần đầu ra đảo mà ngay cả những người từng nhiều lần ra thăm Trường đều cố gắng quan sát, tìm tòi và ghi chép. Những đề tài của họ luôn hướng tới những vấn đề gắn với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, để làm nổi bật sự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, vất vả của quân dân trên các đảo.

Các phóng viên tác nghiệp ở đảo An Bang

Cũng là lần đầu đến Trường Sa, cũng say sóng, cũng chưa quen với môi trường hoạt động trên tàu, biển, đảo nhưng nhà báo Đức Dục, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội đã có một lịch làm việc gần như kín thời gian trong 10 ngày hành trình trên biển. Ngay khi tàu rời cảng, các phóng viên được thủ trưởng đoàn công tác giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất chương trình phát thanh nội bộ, phản ánh hoạt động của đoàn công tác đều đặn vào 21 giờ hàng ngày. Để thực hiện các bản tin phát thanh, nhóm phóng viên đã họp, phân công nhiệm vụ, xây dựng nội dung từng ngày, từng đề tài để tránh trùng lặp. “Chỉ hơn một tiếng đồng hồ vào buổi tối, từ viết tin, bài phản ánh, biên tập, đọc thu âm, dựng, lồng nhạc, xuất file audio để kịp phát đúng giờ… Khi mỗi chương trình được phát cũng là lúc các phóng viên mới được nghỉ ngơi”-nhà báo Đức Dục chia sẻ.

Kết thúc chuyến công tác, chúng tôi-những phóng viên đã mang về tình cảm của quân dân Trường Sa cùng những cảm xúc, trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình. “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, chúng tôi, cả người về và người ở lại đồng thanh hô to câu nói đó như một lời ước hẹn, lời hứa, để người ở lại vững vàng trước sóng gió, người trở về tràn đầy niềm tin…

Văn Nam (theo baohaiquanvietnam.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang