Kỳ sau: Vì biển đảo thân yêu, vì sự toàn vẹn chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc
(Tiếp theo và hết)
VBĐVN.vn - Cùng với Ðường Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, Ðường Hồ Chí Minh trên biển là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là hiện thân sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Con đường của ý chí và khát vọng
Âm thầm, lặng lẽ chở nặng nghĩa tình, vũ khí trang bị từ miền Bắc đến với miền Nam, Đường Hồ Chí Minh trên biển được làm nên bởi trí tuệ, lòng yêu nước, sức mạnh của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và khát vọng hòa bình, khát vọng về một ngày mai tươi sáng.
Suốt những năm tháng kháng chiến để đi tới thống nhất đất nước, những đóng góp của Đường Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng. Phát huy những giá trị lịch sử của tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển, để tiếp tục bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, sau ngày Thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta lại mở các tuyến vận tải cho việc đi lại của cán bộ, nhân dân hai miền Nam- Bắc và phục vụ vận tải cho các tuyến đảo xa vừa mới giải phóng, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Và Đoàn 125 lại tiếp tục làm nhiệm vụ thiêng liêng này.
Theo ước tính, từ tháng 5-1975 đến hết năm 1975, Đoàn 125 đã huy động 121 lần chiếc tàu, hành trình 64.856 hải lý, chở 40.809 tấn hàng và 14.762 lượt người an toàn.
Ngày 26-10-1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 142-QĐ/QP “Về tổ chức lực lượng Lữ đoàn 172”, trong đó Đoàn 125 đổi tên thành Hải đoàn 125 và sáp nhập vào Lữ đoàn 172. Năm 1976, lần đầu tiên chiến dịch vận chuyển cho quần đảo Trường Sa được thực hiện. Hải đoàn 125 đã huy động 11 lượt tàu, đi 22 chuyến, chở 2.300 tấn hàng ra đảo và làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, chở các tù chính trị từ đảo Phú Quốc về đất liền an toàn.
Từ năm 1976 - 1981, Hải đoàn 125 đã huy động 127 lần chuyến tàu, chở 23.214 tấn hàng và 6.696 lượt cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra đảo, góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ đảo, ổn định một bước nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, trong 2 năm (1978 và 1979), Hải đoàn 125 đã tổ chức 48 chuyến, vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng công trình chiến đấu, hàng trăm tấn vật chất hậu cần phục vụ sinh hoạt cho bộ đội trên các đảo dọc tuyến Đông Bắc, trọng tâm là đảo Bạch Long Vĩ, Vạn Hoa.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, lực lượng vận tải quân sự Quân chủng Hải quân đã tổ chức 139 lần chuyến tàu, chở 19.790 tấn hàng hóa quân sự và 25.151 lượt cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường và đổ bộ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong chiến dịch Tà Lơn, cùng các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, tái thiết đất nước…
Để phù hợp với nhiệm vụ vận tải chi viện đảo trong tình hình mới, ngày 12-2-1979, Hải đoàn 125 được Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, làm nhiệm vụ vận tải quân sự, đánh dấu một giai đoạn phát triển và trưởng thành mới của đơn vị.
Sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế, việc tăng cường khả năng phòng thủ đất nước nói chung và phòng thủ biển, đảo nói riêng, nhất là ở quần đảo Trường Sa được đặc biệt coi trọng.
Để nâng cao hiệu quả điều hành công tác vận chuyển cho Trường Sa, bắt đầu từ mùa vận chuyển năm 1981, Quân chủng Hải quân đã áp dụng phương thức khoán khối lượng vận chuyển cho từng tàu và từng hải đội. Phong trào thi đua quay vòng, tăng chuyến, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện đã diễn ra sôi nổi giữa các tàu.
Tổng kết 5 năm (1980 - 1985) lực lượng vận tải quân sự của Quân chủng đã vận chuyển 652.530 tấn hàng hóa, vật liệu xây dựng cho các đảo xa và các đơn vị trong Quân chủng (Lữ đoàn 125 đã huy động 993 lần chuyến tàu vận chuyển cho Trường Sa, chở 112.932 tấn hàng hóa, vũ khí).
Cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình trên vùng biển quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng và phức tạp; thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vận tải đã chạy đua với thời gian, vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió; khảo sát, thăm dò, vận tải và chốt giữ đảo, cùng các lực lượng trong Quân chủng tăng cường sức mạnh phòng thủ trên các đảo chìm và đảo nổi.
Năm 1988, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng vận chuyển chiến đấu với khối lượng tăng gấp 7 lần so với năm 1987 và hoàn thành kế hoạch vận chuyển 46.300 tấn hàng phục vụ cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, 129.453 tấn hàng phục vụ cho sinh hoạt thường xuyên, đạt khối lượng vận chuyển 44.438.686 tấn.
Năm 1989, thực hiện Hiệp ước ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia, lực lượng tàu vận tải quân sự Hải quân, trong đó có Lữ đoàn 125 đã hoàn thành thắng lợi 8 đợt vận chuyển quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.
Những năm gần đây, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng được bổ sung hàng chục tàu vận tải đóng mới có trang bị đồng bộ, có trọng tải lớn để thay thế số tàu nhỏ, trọng tải ít. Từ năm 2000 đến nay, lực lượng vận tải quân sự Hải quân đã vượt qua sóng gió và mọi khó khăn thử thách, vận chuyển hàng triệu tấn hàng, trung bình hằng năm hoàn thành từ 100% đến 105% kế hoạch. Riêng Lữ đoàn 125, từ năm 2011 đến 2020 đã tổ chức 385 lần chuyến, chở 293.390 tấn hàng hóa các loại; đưa, đón và phục vụ 2.493 lượt người, hành trình 281.312 hải lý an toàn.
Mài sắc ý chí, kiên cường bám biển
Phải khẳng định, Đường Hồ Chí Minh trên biển là sáng tạo độc đáo của chiến lược vận tải quân sự trong cuộc kháng chiến chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước có giá trị thực tiễn hết sức to lớn trong cả quá khứ và hiện tại.
Những ngày đầu lực lượng vận tải quân sự trên biển chỉ có 4 tàu gỗ thô sơ gắn máy và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, cán bộ, với trang bị hàng hải thô sơ, nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm dày dạn, đã nắm vững kỹ thuật điều khiển tàu và khả năng phán đoán thời tiết, nắm vững địa hình, hàng hải thiên văn, giữ nghiêm kỷ luật chiến trường; mưu trí, khéo léo kết hợp với cải dạng, ngụy trang, nghi binh, tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ; kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, giữa du kích và hiện đại, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, sáng tạo ra chiến thuật độc đáo trong vận tải.
Công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam là công việc vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng với tinh thần quả cảm của lực lượng vận tải quân sự đường biển đã nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt và chiến thắng vẻ vang. Tiêu biểu như tàu 41, 42, 154... các đồng chí Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu... là điển hình của những tập thể, cá nhân anh hùng; và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính họ đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, cùng với thực hiện nhiệm vụ vận tải biển, các tàu vận tải Hải quân Việt Nam đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Là một quốc gia ven biển, có diện tích biển lớn, bờ biển dài nên kinh tế biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII năm 2018 đã thông qua Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những chiến lược này đã được triển khai qua nhiều văn bản pháp lý, hành chính có tính thực thi như Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thuỷ sản 2017, Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ tháng 3-2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế biển.
Tình hình mới, bên cạnh xu thế toàn cầu hóa với sự hợp tác đan xen về kinh tế giữa các quốc gia và khu vực thì vẫn còn nảy sinh những đòi hỏi phi lý về chủ quyền, lãnh hải... Để đối phó với những thách thức mới, quan điểm nhất quán, trước sau như một của Đảng, Nhà nước ta là giải các quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982... Kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải, biển đảo trong mọi tình huống.
Thảo Nguyên (Theo tư liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận