Ký sự Trường Sa: Gặp người con của liệt sỹ Gạc Ma

07:45 18-05-2021
Thượng úy Trần Thị Thủy ngấn lệ trong lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh sự kiện 14/3/1988

“Là con của liệt sỹ Gạc Ma, tự hào về sự anh dũng hy sinh của cha và đồng đội, bản thân tôi luôn phấn đấu, cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”, Thượng úy Trần Thị Thủy tâm sự.

Chuyện về người cha

Khoảng 19 giờ ngày 30/4, tàu 571 thả neo trên vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, nơi mà cách đây 33 năm (ngày 14/3/1988), 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên cường bám trụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Với niềm tiếc thương vô hạn, sự cảm phục và lòng tự hào về các anh, đoàn công tác số 4 đã làm lễ Tưởng niệm ngay tại vùng biển này. Trùng dương lặng sóng, cơn mưa phảng phất rơi như hòa cùng nỗi niềm của mỗi người.

Thượng úy Trần Thị Thủy, cán bộ văn thư bảo mật, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) nhìn về phía đảo Gạc Ma. Thủy là con gái duy nhất của Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”.

Từng giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt, Thủy cho biết, cô sinh ra trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Gianh ở làng quê Đơn Sa, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình). Ngày cô ra đời cha đã hy sinh. Câu chuyện về cha mà cô biết là qua lời kể của bà, của mẹ và từ nhiều đồng đội của cha năm xưa cũng như lịch sử hào hùng của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

“Cha tôi vừa học xong lớp 10 thì lên đường nhập ngũ (3/1983), hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện, cha được cử đi học nghiệp vụ kế toán trinh sát pháo binh. Tháng 1/1984, cha tôi được phân công đảm trách Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo thuộc Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146. Là một cán bộ có năng lực và trách nhiệm cao, sau thời gian thực thi nhiệm vụ, cha tôi tiếp tục được cử đi học ở Trường Quân chính Quân khu 7, đến tháng 1/1986 trở về đơn vị, được phong cấp bậc Thiếu úy và giữ chức vụ Trung đội trưởng”, Thượng úy Trần Thị Thủy kể.

Nhắc đến câu chuyện của cha và những lá thư gửi mẹ, nữ Thượng úy rưng rưng: “Cha với mẹ ở cùng làng và là bạn học cùng trường thời niên thiếu. Hai người yêu nhau chưa được bao lâu thì nhập ngũ, giữa tháng 6/1987, cha về quê tổ chức lễ cưới. Không lâu sau, ông nhận được lệnh rời đất liền ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa. Trước khi lên đường, cha tôi được nghỉ phép dịp Tết Mậu Thìn - 1988, đó cũng là lần cuối cùng cha gặp mẹ và những người thân trong gia đình. Ngày mùng 10 tháng Giêng năm 1988, mẹ tôi tiễn cha vào đơn vị.

Đến nơi, cha tôi viết cho mẹ lá thư đong đầy tình yêu thương với những lời dặn dò giữ gìn sức khỏe và bảo mẹ tạm dừng hồi âm vì đang chuẩn bị cùng đồng đội khởi đầu hải trình ra Trường Sa. Tại đảo xa, ông được bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma nằm trong cụm đảo Sinh Tồn. Trong trận hải chiến không cân sức vào ngày 14/3/1988, 64 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong đó có cha tôi”. Nói tới đây, Thủy sà vào lòng người phụ nữ lớn tuổi trên tàu 571, khóc nức nở...

Biến nỗi đau thành sức mạnh

Dưới sự nuôi dạy của mẹ, cô bé Trần Thị Thủy dần khôn lớn, chăm ngoan học giỏi. Năm 2009, cô tốt nghiệp ngành Việt Nam học (Trường Đại học Quảng Bình) và quyết định vào tỉnh Khánh Hòa, với mong ước được nối nghiệp người cha kính yêu, trở thành lính hải quân.

Tiếp nhận ý nguyện của Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND huyện Trường Sa phân công chị vào làm việc ở văn phòng ủy ban.

Trần Thị Thủy chia sẻ: “Ngày 31/3/2010, tôi được đi theo đoàn công tác Trường Sa trên con tàu HQ - 936. Đang chống chọi với cảm giác say sóng nhưng tôi vẫn bật dậy khi nghe loa tàu thông báo, đang đi qua vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao. Đứng ở boong tàu, nhìn biển trời quê hương, tôi trào nước mắt khi lắng nghe tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” ngân lên trong lễ tưởng niệm. Tôi thấy bóng hình cha cùng đồng đội hiên ngang dưới quốc kỳ. Tàu rẽ sóng đi xa, tôi chỉ biết hướng mắt nhìn về đảo và khóc. Mẹ tôi đã bật khóc khi nghe tôi thốt lên trong cuộc điện thoại: “Mẹ ơi! Con đã nhìn thấy cha ở đảo Gạc Ma””.

Thời gian trên tàu HQ-936, Thủy may mắn được gặp Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh. Cầm lá đơn tình nguyện xin nhập ngũ, vị thủ trưởng đồng ý phê chuẩn. Chị òa khóc trong hạnh phúc ngay trong thời khắc thiêng liêng, khi trở thành đồng đội của cha mình.

Năm 2010, chị kết hôn với một cán bộ Chi đội kiểm ngư 04, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đến nay, vợ chồng anh chị đã có hai con, bé gái đầu là Nguyễn Trần Navy, 11 tuổi (Navy - tiếng Anh nghĩa là Hải quân); bé gái thứ hai là Nguyễn Trần Trúc Giang, 6 tuổi)”.

“Từ lúc bé, tôi nhiều lần kể cho các cháu nghe câu chuyện ông ngoại và các đồng chí, đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh ở Gạc Ma như thế nào, phần vì để con trẻ hiểu, tự hào về truyền thống anh dũng, bất khuất của các bậc tiền nhân; phần để hướng cho các cháu đi theo cuộc đời binh nghiệp như ông ngoại, như bố mẹ. Biến nỗi đau, sự hy sinh thành sức mạnh phấn đấu, cống hiến cho Tổ quốc”, Thủy trải lòng.

Để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, năm 2019 Thượng úy Trần Thị Thủy theo học lớp Văn thư lưu trữ khoá 2, thuộc Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội và kết thúc xuất sắc khóa học. Sau 11 năm công tác, bằng truyền thống gia đình, nỗ lực của bản thân, chị đã nhận được nhiều bằng khen của các bộ, ngành và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Vùng 4 Hải quân trao tặng.

Trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm của lễ tưởng niệm, Đại tá Lê Xuân Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Quân chủng Hải quân bồi hồi: “Những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu, các anh sống là người chiến sỹ giữ biển, các anh hy sinh trở thành hồn thiêng giữ biển, đảo Tổ quốc. Sự hy sinh ấy đã khắc vào bia lòng của dân tộc; hình ảnh các anh trở thành tượng đài bất tử ngàn thu. Máu các anh đã hòa vào, làm mặn thêm muối biển Đông, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng”...

Năm 1989, Chủ tịch nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đối với tập thể tàu HQ-505 cùng Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.

(Còn nữa)

Nguồn:tienphong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang