Ký sự Trường Sa: 'Mắt thần' nơi đảo xa
Giữa ngàn khơi, cán bộ, công nhân viên các trạm Hải đăng ngày đêm âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân để ngọn Hải đăng không bao giờ tắt. “Mắt thần” ấy, không những soi sáng chỉ đường cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối mà còn khẳng định cột mốc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Những “mắt thần”
Trong chuyến hải trình, mỗi khi tàu 571 thả neo cập bờ lúc trời còn tối, điều duy nhất để chúng tôi nhận biết vị trí đảo là từ ánh sáng ngọn Hải đăng hay còn gọi là “mắt thần”. Theo một thủy thủ, hiện nay trên các đảo và điểm đảo Trường Sa có 9 ngọn Hải đăng ở đảo Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết. Tất cả 9 ngọn Hải đăng này do các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo quản lý vận hành, bảo dưỡng. Việc xây dựng trạm Hải đăng trên các đảo được bắt đầu khi đường hàng hải quốc tế mở rộng trên biển và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, hải đăng Song Tử Tây được xây dựng đầu tiên trên quần đảo (năm 1993), cách xa 17 hải lý tàu thuyền có thể nhìn thấy được ánh đèn màu sáng trắng, chớp đơn chu kỳ 15 giây.
Việc xây dựng ngọn Hải đăng tùy thuộc vào địa chất và nền san hô. Ở đảo Song Tử Tây, ngọn Hải đăng được xây theo hình tháp tròn phía Đông đảo; Hải đăng ở đảo Đá Lát xây theo hình mũi tên trên nền san hô, có kết cấu bằng sắt thép với những lỗ xiên hoa để giảm gia tốc của sức gió, còn ngọn Hải đăng ở đảo Sơn Ca có hình trụ...
Ngọn Hải đăng đảo Sơn Ca cao sừng sững như một pháo đài, hiên ngang giữa trùng khơi và được xem là ngọn Hải đăng đẹp nhất trong 9 ngọn đèn Hải đăng ở quần đảo Trường Sa. Theo ông Trần Văn Chiến - Trạm trưởng Hải đăng Sơn Ca cho biết: “Hải đăng Sơn Ca cao 28m, tâm sáng 25,5m chớp trắng nhóm 2, chu kỳ 10 giây, tầm hiệu lực 15 hải lý. Ban ngày, vào những lúc thời tiết tốt, cách xa hàng chục hải lý tàu thuyền qua lại có thể nhìn thấy. Hải đăng hoạt động từ 17 giờ 30 phút ngày hôm trước đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Ngày nào có giông gió, sương mù, thời tiết xấu thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn. Khi gặp sự cố, đèn chính bị hỏng, đèn phụ sẽ được bật lên để thay thế và ngay lập tức phải khắc phục sự cố đèn chính. Trong bất luận điều kiện nào, Hải đăng không được tắt. Bởi Hải đăng không chỉ là mốc chỉ dẫn cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực mà còn là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển”.
Những người “thắp lửa”
Với nhiệm vụ không để Hải đăng bị tắt trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo phải làm việc ngày đêm. Môi trường khắc nghiệt, thường xuyên phải tiếp xúc với ắc qui, axit, thiết bị máy móc, những vật dẫn điện nhưng các anh luôn hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Họ được xem là những người “thắp lửa” cần mẫn, để ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước luôn bừng sáng. Công việc bình dị của họ chính là sự hy sinh thầm lặng, Hải đăng sáng mãi với thời gian, đồng nghĩa với mái tóc của họ bạc thêm một phần vì nắng gió.
Anh Phạm Văn Thưởng (SN 1990, Trạm Hải đăng Nam Yết) công tác 4 năm trong nghề và kinh qua 6 đảo để làm nhiệm vụ. “Do nhiễm nước biển mặn, những ngọn Hải đăng thường xuyên bị gỉ, nếu không bảo dưỡng liên tục thì đèn dễ bị chập cháy. Dù nắng cháy da hay mưa gió thét gào thì chúng tôi cũng phải leo lên đỉnh cột đèn để lau chùi, bảo dưỡng định kỳ. Ở độ cao hàng chục mét, chỉ cần sơ suất nhỏ là bị tai nạn. Những lúc biển động, tại các trạm Hải đăng ở đảo chìm, sóng đánh lên nền tầng 1, cứ 15 phút là anh em phải thay phiên trực để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Giờ có điện năng lượng mặt trời nên đỡ vất vả hơn, chứ lúc trước dùng máy nổ phát điện ngồi trực canh mệt lắm. Tôi đến với nghề là một cơ duyên”, anh Phạm Văn Thưởng chia sẻ.
Là người có thâm niên trong nghề “thắp lửa hải đăng” hơn 24 năm, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1976, Trạm Hải đăng Song Tử Tây) đã ăn Tết hơn 15 lần trên đảo. Anh Tuấn tâm sự: “Làm việc trong thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện thiếu thốn, tuy có khổ cực nhưng đã rèn luyện cho tôi thêm ý chí, bản lĩnh. Tôi tự hào khi được công tác ở Trường Sa. Nhìn ánh đèn chớp sáng trên bầu trời đen, tôi cảm nhận Tổ quốc mình quá đỗi thiêng liêng. Mỗi nhịp đèn nháy là nhịp thở và sự sống của người thắp lửa. Làm nghề này phải yêu nghề, yêu biển đảo quê hương mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ông Bùi Văn Sơn (Trạm trưởng Hải đăng Sinh Tồn) được xem là một cây cổ thụ của các trạm Hải đăng ở Trường Sa. Với quãng thời gian hơn 25 năm, ông Sơn đã đi hết 9 trạm, có ngọn Hải đăng ông đi lại lần thứ năm. “Mỗi trạm một vẻ, điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Vai trò trạm trưởng, tôi phải cân đối lương thực thực phẩm, tính toán làm sao cho hợp lý, rồi gọi điện về đất liền mua những cái gì cấp thiết để anh em đỡ thiếu thốn. Ngoài điều tiết công việc trong trạm, tôi thường xuyên nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân viên, động viên kịp thời, giúp mọi người vượt qua khó khăn. Cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, luyện tập các phương án bảo vệ đảo, góp phần tăng cường sức chiến đấu cho đảo khi có tình huống xảy ra thì phong trào thể thao, giao lưu văn nghệ cũng được duy trì. Tất cả chúng tôi đến với nhau rất tự nhiên, anh em trên trạm sống với nhau nhiều hơn sống với gia đình”, ông Sơn cho hay.
Đèn Hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối nhưng luôn phải đảm bảo máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện, nhất là mưa bão kéo dài. Hơi muối mặn và gió biển dễ làm hư hỏng máy móc và các trang thiết bị kỹ thuật nên cán bộ, công nhân viên phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị trên trạm. “Mắt thần” không bao giờ được phép tắt, bởi nó được thắp sáng từ trái tim của mọi cán bộ, nhân viên các trạm cùng những người lính hải quân canh giữ phên dậu của Tổ quốc nơi đảo xa…
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận