Lại Sơn - viên ngọc của biển

17:05 06-09-2021

VBĐVN.vn - Đảo Lại Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải) cách thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) 53km về hướng Tây Nam. Không nổi tiếng như đảo Phú Quốc và quần đảo Nam Du, Lại Sơn mang vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình bởi chưa được nhiều người biết đến. Cùng với đó, phong tục tập quán truyền thống được người dân giữ gìn qua bao thế hệ đã tạo nên bản sắc văn hóa và sức hấp dẫn riêng cho hòn đảo vốn được ví như “viên ngọc của biển” này.

Đảo Lại Sơn. Ảnh: Thanh Đoàn

“Maldives của Việt Nam”

Đảo Lại Sơn còn có tên là Hòn Sơn Rái hay Hòn Sơn. Người dân nơi đây lý giải cái tên này theo nhiều cách khác nhau. Người thì cho rằng, trước đây, trên đảo mọc rất nhiều cây dầu rái - loài cây cho nhựa có độ kết dính cao, chuyên dùng quét vỏ thuyền để chống nước. Lại có người kể rằng, nơi này từng là lãnh địa của loài rái cá, và khi nhìn từ trên cao xuống, hòn đảo có hình dáng như một con rái cá lội trên mặt biển, đầu hướng về phía đất liền.

Trải dài trên diện tích 11,5km2, Lại Sơn sở hữu nhiều điểm tham quan hấp dẫn như mũi Đá Bàn, giếng Ngự, sân Tiên, đỉnh Ma Thiên Lãnh cùng hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều bãi biển đẹp như bãi Xếp, bãi Nhà, bãi Bàng, bãi Thiên Tuế... Đặc điểm nổi bật của các bãi biển này là sạch sẽ, hoang sơ, nước xanh như ngọc và trong vắt, có thể dễ dàng nhìn thấy đáy. Vì vậy, nhiều người ví Lại Sơn là “Maldives của Việt Nam". Chỉ khác ở chỗ, nơi đây chưa có cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại với dịch vụ, tiện nghi cao cấp. Toàn đảo hiện có khoảng 350 cơ sở lưu trú, đa phần là các homestay của người dân cùng vài khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhỏ nhưng bù lại, du khách có thể hòa mình vào không gian thiên nhiên nguyên sơ, trong lành.

Một ngày của du khách sẽ bắt đầu với nhiều hoạt động thú vị như dậy sớm ngắm bình minh, trekking chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh cao 450m so với mực nước biển, khám phá thác nước không tên hay sưu tập những tấm ảnh cực “chất” bên cây dừa nằm có hình dáng kỳ lạ. Buổi chiều, du khách có thể tản bộ hoặc thuê xe máy dạo quanh đảo, khám phá cuộc sống bình dị trên đảo hay đi lặn biển, ngắm san hô. Tối đến, du khách theo người dân đi câu mực đêm, tham quan chợ đêm Hòn Sơn và thưởng thức các loại hải sản tươi ngon... Chị Hoàng Bảo Ngọc, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Lại Sơn là một hòn đảo đẹp, môi trường trong lành, khí hậu lý tưởng. Khung cảnh thiên nhiên và biển nơi đây đẹp không kém Maldives. Nếu được khai thác tốt, đây sẽ là hòn đảo mang thương hiệu du lịch Việt Nam”.

Lấp lánh những sắc màu văn hóa

Không chỉ có lợi thế về biển, Lại Sơn còn lưu giữ “kho tàng” văn hóa đặc sắc. Cư dân trên đảo là những người ở đất liền di cư đến hòn đảo này từ nhiều thế kỷ trước. Họ mang theo cả tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa ở các vùng miền tới đây, tạo nên nét văn hóa đặc trưng, đa dạng nhưng vô cùng hòa hợp.

Đến với Lại Sơn, du khách có thể thăm viếng các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo mang đậm nét văn hóa biển đảo như miếu Bà Cố Chủ, chùa Hải Sơn, lăng Ông Nam Hải, đình thần Lại Sơn, Thánh thất Cao Đài... Những hình thái thờ tự này cho thấy sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đảo cũng như sự giao thoa của các nền văn hóa Việt, Hoa, Chăm Pa và các tín ngưỡng: Tín ngưỡng thờ thần bảo hộ (Thành hoàng Bổn Cảnh, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực), tín ngưỡng thờ thần nghề nghiệp (thần cá Ông, thần Hà Bá) hay tín ngưỡng thờ nữ thần (Bà Cố Chủ, bà Chúa Xứ Mã Châu)... Nếu đúng dịp, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội dân gian bản địa rộn ràng, đầy màu sắc như Lễ hội Nghinh Ông vào ngày 15 tháng Mười (âm lịch) và 19 - 20 tháng Giêng, Lễ vía Bà Cố Chủ vào mùng 9 tháng Chín (âm lịch)...

Cho đến nay, người dân Lại Sơn vẫn giữ gìn phong tục, tập quán truyền thống của mình bên cạnh các lễ hội. Đó đôi khi chỉ là những nếp sinh hoạt hằng ngày hay những nghề truyền thống như đóng tàu; khai thác, chế biến thủy sản; sản xuất nước mắm hay nấu rượu hoa quả... Nghề truyền thống không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định, mà còn góp phần gia tăng trải nghiệm, giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của người dân trên đảo.

Để Lại Sơn trở thành một trong những điểm du lịch quan trọng, huyện Kiên Hải đang đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như cầu tàu, đường giao thông, hệ thống điện lưới, hồ nước ngọt... Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa trên đảo Lại Sơn.

Nguồn:hanoimoi.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang