Làm chủ vùng biển của Tổ quốc
VBĐVN.vn - Trong tình hình mới hiện nay, nhất là trước hành động lấn tới của nước ngoài, việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo đối với nước ta càng đặt ra yêu cầu cao hơn trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".
Phát huy lợi thế biển, đảo
Khẳng định của Người không chỉ thôi thúc cả dân tộc quyết tâm đánh bại đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc mà còn đặt trách nhiệm cho các thế hệ người Việt Nam phải biết chăm lo phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vì vậy, trong suốt tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy lợi thế về biển, kết hợp với phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, coi đó là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đại hội lần thứ VII của Đảng chỉ rõ: Từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của kinh tế biển, phát triển kinh tế ở hải đảo, làm chủ lãnh hải và thềm lục địa, thực hiện chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế. Đến Đại hội lần thứ VIII của Đảng tiếp tục xác định: "Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh - quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh - quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc".
Hiện nay, mật độ dân cư trên biển, đảo và quần đảo thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng ven biển, trên biển và trên các đảo còn chưa hoàn thiện; khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia còn nhiều hạn chế... Do đó, cần đầu tư về mọi mặt, bảo đảm cho phát triển kinh tế và tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; kết hợp chặt chẽ các yếu tố: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, tạo sự liên kết giữa biển, đảo và bờ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Gắn liền với đó là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển. Chúng ta phải "làm chủ vùng biển của Tổ quốc", thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2030, như trĐại hội XIII của Đảng đã xác định.
Bốn nhiệm vụ quan trọng
Trong tình hình mới hiện nay, nhất là việc nước ngoài tiến hành nhiều hoạt động gây phức tạp tình hình biển Đông, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo đối với nước ta càng đặt ra yêu cầu cao hơn trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy lợi thế kết hợp với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy lợi thế kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ thể hiện sự phát triển năng lực tư duy lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới mà còn là ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trước bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay.
Để thực hiện "mục tiêu kép" này, trước mắt và lâu dài chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.
Thứ hai, xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo vững mạnh đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, trong đó, lực lượng trực tiếp và tại chỗ là nòng cốt. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các hoạt động xây dựng lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo như lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển đủ mạnh.
Thứ ba, kiên trì đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo. Đây là quan điểm xuyên suốt, trong đó chú trọng mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển, đảo.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để chúng ta khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển. Đây là một chủ trương chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Theo nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận