Làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

16:07 03-08-2021

VBĐVN.vn - Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển(23-10-1961 / 23-10-2021). Ban biên tập Vibiendaovietnam.vn trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền.

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu.

ĐỀ CƯƠNG

KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

I. SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

1. Sự ra đời Đường Hồ Chí Minh trên biển

Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam. Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V nhưng không thành công, do vậy Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương án mới.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5; Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Cuối năm 1961, Đề án công tác của Đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua.

Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23-10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

2. Sự phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển

a) Giai đoạn 1962 - 1965: Táo bạo - bí mật - bất ngờ vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ

Thực hiện chủ trương của của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển đường biển từ Bắc vào Nam chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để thuyền “Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Đêm ngày 10-4-1962, thuyền rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam; đến 10 giờ đêm ngày 18-4-1962 cập vào Vàm Lũng (Ngọc Hiển, Cà Mau). Nghiên cứu, khảo sát bến xong, thuyền Bạc Liêu tiếp tục quay trở ra miền Bắc; chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công.

Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới, nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” được ra đời.

Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16-10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Đây là một thắng lợi lớn, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của quân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương khen ngợi, đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc.

Những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Cà Mau thành công, khẳng định chúng ta có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài, cần phải có những phương tiện vận chuyển tốt hơn đi trong mọi thời tiết. Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn. Cuối năm 1962, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thuộc Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm việc đóng tàu vỏ sắt.

Ngày 17-3-1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm chính trị viên chở 44 tấn vũ khí lên đường đến bến Trà Vinh an toàn. Nhờ tổ chức tốt, kỷ luật nghiêm, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần vững vàng và trình độ chuyên môn giỏi, những chuyến đi của Đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ được bí mật. Chỉ trong 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường, đạt hệ số vận chuyển cao.

Phát huy kết quả vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 7 mở bến đón tàu. Đoàn 759 được lệnh chuẩn bị một tàu chở vũ khí đột phá mở đường mới vào bến Bà Rịa. Đêm 26-9-1963, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Đặng Văn Thanh là Chính trị viên tàu cùng 11 thuỷ thủ, chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng) đã mở bến vào Bà Rịa thành công, chi viện vũ khí kịp thời cho Khu 7.

Tháng 8-1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Cục Hải quân. Ngày 29-01-1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ năm 1962 - 1964, Đoàn 125 đã huy động 17 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ gỗ, tổ chức 79 chuyến vận chuyển hơn 4.000 tấn vũ khí trang bị và cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Quân đội vào miền Nam. Tàu của Đoàn đã cập bến Bạc Liêu (Cà Mau) 43 lần, Bến Tre 17 lần, Trà Vinh 14 lần, Bà Rịa 2 lần, Phú Yên 2 lần, Bình Định 1 lần. Số vũ khí đã đến chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Khu 7 đúng lúc, trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt như chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Cuối năm 1964, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng tuyến vận tải đường biển vào các bến thuộc địa bàn Khu 5. Ngày 21-9-1964, Tàu 401 được lệnh lên đường vào Khu 5 và cập bến Lộ Diêu sáng ngày 01-11-1964, toàn bộ vũ khí được cất giấu an toàn, do mắc cạn, Tàu 401 bị hỏng nặng và được đốt cháy để xóa dấu vết. Trước tình hình trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: Không sử dụng bến Lộ Diêu nữa mà tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên.

Chấp hành chỉ thị của Đại tướng, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định chọn bến Vũng Rô làm điểm giao hàng cho chiến trường Phú Yên. Tàu 41 nhận lệnh chở vũ khí cập bến Vũng Rô cả 3 chuyến đều thắng lợi, an toàn. Có vũ khí từ miền Bắc chuyển vào, tháng 12-1964, Bộ Tư lệnh Khu V đã mở các đợt tác chiến tiêu diệt quân chủ lực ngụy, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kìm, diệt ác, giải phóng một số vùng ở đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, góp phần làm chuyển biến cục diện chung trên toàn Miền.

Công việc vận chuyển đang tiến triển thuận lợi thì xảy ra sự kiện Tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô ngày 16-2-1965. Con đường vận chuyển chiến lược trên biển không còn giữ được bí mật nữa. Biết rõ ý đồ của ta, địch tăng cường tuần tiễu, phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ. Việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển gặp muôn vàn khó khăn, Quân ủy Trung ương quyết định tạm ngừng việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam để nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển mới, phù hợp với tình hình.

b) Giai đoạn 1965 - 1972: Vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ

Trong điều kiện yếu tố bí mật, bất ngờ của tuyến đường biển không còn và bị địch kiềm toả gắt gao, công tác chuẩn bị cho chuyến mở đường được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo. Đoàn 125 giao cho Tàu 42 gồm 16 thuỷ thủ do đồng chí Nguyễn Văn Cứng làm Thuyền trưởng và đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn làm Chính trị viên tàu. Đêm 15-10-1965, Tàu 42 chở 60 tấn vũ khí nhổ neo, xuất bến; đêm 24-10, Tàu cập bến Rạch Kiến Vàng (Cà Mau) an toàn. Tiếp theo các Tàu 69 và Tàu 68 lần lượt lên đường thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, từ ngày 23 đến ngày 27-02-1968, Bộ Tư lệnh Hải quân sử dụng 4 tàu: 165, 56, 54 và 235 lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường và làm phân tán sự đối phó của địch.

Kết thúc giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt, từ tháng 10-1965 đến tháng 3-1968, Đoàn 125 đã tổ chức 37 chuyến vận chuyển, trong đó có 17 chuyến thành công, chở 310 tấn vũ khí cho chiến trường.

Trước thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và tổn thất nặng nề trên chiến trường miền Nam, ngày 31-3-1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Theo chỉ thị của Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 tham gia “Chiến dịch Vận chuyển VT5” (vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào Sông Gianh - Quảng Bình) và từ đây sẽ được các lực lượng vận chuyển vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ. Với phương châm chỉ đạo: “Chuẩn bị chu đáo, tranh thủ thời cơ, làm nhanh, gọn, liên tục, an toàn, đi gần bờ, dựa vào dân”, từ ngày 03-11-1968 đến ngày 29-01-1969, vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, Đoàn 125 đã huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch.

Tháng 02-1969, Đoàn 125 tiếp tục “Chiến dịch Vận chuyển VT5”, với 187 chuyến tàu, vận chuyển 10.889 tấn hàng hóa, vượt chỉ tiêu 1.000 tấn, góp phần chi viện cho chiến trường, đặc biệt là chiến trường Thừa Thiên - Huế và Mặt trận Khu 5. Tết Nguyên đán năm 1969, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng lẵng hoa và đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, chúc tết đơn vị.

Tháng 7-1969, sau khi rút kinh nghiệm từ những chuyến đi thành công và không thành công, Đoàn 125 sử dụng Tàu 42 cải trang thành tàu nghiên cứu biển, đi trinh sát để tìm phương thức vận chuyển mới. Từ kết quả của chuyến đi trinh sát, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhận định tình hình và quyết định chuẩn bị đợt vận chuyển lớn vào chiến trường Khu 5, 6, 8 và Khu 9. Năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức 15 chuyến đi, song chỉ có 5 chuyến vào được bến, 9 chuyến gặp địch tuần tra, kiểm soát gắt gao, để giữ bí mật của con đường chiến lược, đành phải quay về, một chuyến buộc phải phá tàu.

Ngày 27-7-1971, Quân khu 9 thành lập đoàn vận tải S950, đến năm 1972 đổi tên là Đoàn 371. Từ năm 1971 đến năm 1972, Đoàn đã tổ chức 37 chuyến đi, vận chuyển được 620 tấn vũ khí vào chiến trường Khu 9 an toàn.

Từ tháng 10-1971 đến tháng 4-1972, Đoàn 125 tổ chức liên tục 20 chuyến, nhưng chỉ có một chuyến tàu tới đích. Kết quả tuy hạn chế, nhưng đã góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện của “phương thức vận tải công khai” trong giai đoạn sau.

Giai đoạn 1965 - 1972, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 phải đối mặt với những thử thách gay go, ác liệt. Trong đội ngũ trung kiên của Đoàn, xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

c) Giai đoạn 1973 - 1975: Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn 125 tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, thành lập thêm tiểu đoàn, tiếp nhận tàu mới, tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ mọi mặt và rèn luyện ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.

Với tinh thần trách nhiệm cao, trong 2 năm 1973 và 1974, Đoàn đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt qua chặng đường 158.292 hải lý an toàn.

Cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch. Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”. Trong tháng 3,4-1975, Đoàn đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 04-4-1975, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đoàn 125 nhanh chóng thành lập một biên đội gồm 3 tàu: Tàu 673, 674, 675, hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chở Đoàn 126 Bộ đội Đặc công Hải quân và một bộ phận của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 ra giải phóng đảo. Từ ngày 14 đến 29-4-1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.

d) Giai đoạn 1975 - nay: Tiếp tục tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ chủ yếu lúc này của Đoàn 125 là vận tải cho các tuyến đảo xa vừa mới giải phóng và phục vụ đi lại của cán bộ, Nhân dân 2 miền Nam - Bắc, trong đó nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa được đặt lên hàng đầu. Từ tháng 5-1975 đến hết năm 1975, Đoàn 125 đã huy động 121 lần chiếc tàu, hành trình 64.856 hải lý, chở 40.809 tấn hàng và 14.762 lượt người an toàn.

Ngày 26-10-1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 142-QĐ/QP “Về tổ chức lực lượng Lữ đoàn 172”, trong đó Đoàn 125 đổi tên thành Hải đoàn 125 và sáp nhập vào Lữ đoàn 172. Năm 1976, lần đầu tiên chiến dịch vận chuyển cho quần đảo Trường Sa được thực hiện. Hải đoàn 125 đã huy động 11 lượt tàu, đi 22 chuyến, chở 2.300 tấn hàng ra đảo và làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền, chở các tù chính trị từ đảo Phú Quốc về đất liền an toàn.

Từ năm 1976 - 1981, Hải đoàn 125 đã huy động 127 lần chuyến tàu, chở 23.214 tấn hàng và 6.696 lượt cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra đảo, góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ đảo, ổn định một bước nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, trong 2 năm (1978 và 1979), Hải đoàn 125 đã tổ chức 48 chuyến, vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng công trình chiến đấu, hàng trăm tấn vật chất hậu cần phục vụ sinh hoạt cho bộ đội trên các đảo dọc tuyến Đông Bắc, trọng tâm là đảo Bạch Long Vĩ, Vạn Hoa.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, lực lượng vận tải quân sự Quân chủng Hải quân đã tổ chức 139 lần chuyến tàu, chở 19.790 tấn hàng hóa quân sự và 25.151 lượt cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường và đổ bộ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong chiến dịch Tà Lơn, cùng các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia thực hiện cuộc tiến công và nổi dậy, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, tái thiết đất nước.

Để phù hợp với nhiệm vụ vận tải chi viện đảo trong tình hình mới, ngày 12-02-1979, Hải đoàn 125 được Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, làm nhiệm vụ vận tải quân sự, đánh dấu một giai đoạn phát triển và trưởng thành mới của đơn vị.

Sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế, việc tăng cường khả năng phòng thủ đất nước nói chung và phòng thủ biển, đảo nói riêng, nhất là ở quần đảo Trường Sa được đặc biệt coi trọng. Để nâng cao hiệu quả điều hành công tác vận chuyển cho Trường Sa, bắt đầu từ mùa vận chuyển năm 1981, Quân chủng Hải quân đã áp dụng phương thức khoán khối lượng vận chuyển cho từng tàu và từng hải đội. Phong trào thi đua quay vòng, tăng chuyến, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện đã diễn ra sôi nổi giữa các tàu. Tổng kết 5 năm (1980 - 1985) lực lượng vận tải quân sự của Quân chủng đã vận chuyển 652.530 tấn hàng hóa, vật liệu xây dựng cho các đảo xa và các đơn vị trong Quân chủng (Lữ đoàn 125 đã huy động 993 lần chuyến tàu vận chuyển cho Trường Sa, chở 112.932 tấn hàng hóa, vũ khí).

Cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình trên vùng biển quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng và phức tạp; thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vận tải đã chạy đua với thời gian, vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió; khảo sát, thăm dò, vận tải và chốt giữ đảo, cùng các lực lượng trong Quân chủng tăng cường sức mạnh phòng thủ trên các đảo chìm và đảo nổi.

Năm 1988, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng vận chuyển chiến đấu với khối lượng tăng gấp 7 lần so với năm 1987 và hoàn thành kế hoạch vận chuyển 46.300 tấn hàng phục vụ cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, 129.453 tấn hàng phục vụ cho sinh hoạt thường xuyên, đạt khối lượng vận chuyển 44.438.686 tấn (Lữ đoàn 125 đã huy động 318 lần chuyến tàu, vận chuyển 22.564 tấn).

Năm 1989, thực hiện Hiệp ước ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Campuchia, lực lượng tàu vận tải quân sự Hải quân, trong đó có Lữ đoàn 125 đã hoàn thành thắng lợi 8 đợt vận chuyển quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

Những năm gần đây, các lực lượng vận tải quân sự trong Quân chủng được bổ sung hàng chục tàu vận tải đóng mới có trang bị đồng bộ, có trọng tải lớn để thay thế số tàu nhỏ, trọng tải ít. Từ năm 2000 đến nay, lực lượng vận tải quân sự Hải quân đã vượt qua sóng gió và mọi khó khăn thử thách, vận chuyển hàng triệu tấn hàng, trung bình hằng năm hoàn thành từ 100% đến 105% kế hoạch. Riêng Lữ đoàn 125, từ năm 2011 đến 2020 đã tổ chức 385 lần chuyến, chở 293.390 tấn hàng hóa các loại; đưa, đón và phục vụ 2.493 lượt người, hành trình 281.312 hải lý an toàn.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ vận tải biển, các tàu vận tải Hải quân đã tham gia nhiều chuyến trực bảo vệ chủ quyền trên biển, kịp thời phát hiện sớm những vấn đề nảy sinh, chủ động đấu tranh, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ta, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.

II. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.

Một là, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng vận tải quân sự đường biển đã nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt và chiến thắng vẻ vang. Tiêu biểu như Tàu 41, 42, 154... các đồng chí Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu... là điển hình của những tập thể, cá nhân anh hùng; và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chính quyền và Nhân dân các địa phương, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam là công việc vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng với tinh thần quả cảm và trình độ nghiệp vụ tinh thông, trình độ tổ chức, chỉ huy thống nhất, kiên quyết, bí mật, hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; cán bộ, chiến sĩ tuyến vận tải biển của Hải quân nhân dân Việt Nam đã được sự đùm bọc, chở che của các lực lượng, chính quyền và Nhân dân các địa phương hai miền Nam - Bắc; được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong chuyên chở, tiếp nhận hàng hóa, vũ khí, cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu, thuyền, cấp cứu cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên huyền thoại của một con Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ba là, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; nắm vững khoa học kỹ thuật; khắc phục khó khăn, phá thế bao vây của địch; linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, liên tục tiến công, quyết chiến, quyết thắng; tìm ra nhiều phương thức vận chuyển có hiệu quả.

Ra đời và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày đầu lực lượng vận tải quân sự trên biển chỉ có 4 tàu gỗ thô sơ gắn máy và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt, cán bộ, với trang bị hàng hải thô sơ, nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm dày dạn, đã nắm vững kỹ thuật điều khiển tàu và khả năng phán đoán thời tiết, nắm vững địa hình, hàng hải thiên văn, giữ nghiêm kỷ luật chiến trường; mưu trí, khéo léo kết hợp với cải dạng, ngụy trang, nghi binh, tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ; kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, giữa du kích và hiện đại, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, sáng tạo ra chiến thuật độc đáo trong vận tải. Sau một thời gian hoạt động đã trở thành lữ đoàn vận tải, đảm đương hướng chiến lược trên biển, với những trang bị từng bước hiện đại, đưa vũ khí đạn dược và đưa, đón cán bộ, chiến sĩ vào các chiến trường đúng lúc, đúng thời cơ; góp phần duy trì, phát triển chiến tranh cách mạng, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, tháng 9-1963, Đoàn 759 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Tàu 41 được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất; các tàu 43, 54, 55 và 56 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; các tàu 42, 67 và 68 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đoàn 125 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất ngày 30-4-1966, Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất ngày 01-01-1967 và lần thứ hai ngày 03-6-1976. Tổng kết đợt hoạt động “Chiến dịch CQ-88” (năm 1988), Lữ đoàn 125 có 2 tập thể: Tàu HQ505, tàu HQ931 và 1 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lữ đoàn 125 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2016).

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo cần tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

Một là, tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Hai là, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng, an ninh, đối ngoại vùng biển và ven biển vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo. Có chính sách thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Ba là, xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của của Tổ quốc vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trọng tâm là chi bộ và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo.

Bốn là, tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ Nhân dân làm ăn trên các vùng biển và ổn định đời sống nhân dân trên các đảo. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các gia đình có thân nhân, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Năm là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là hoạt động đối ngoại quốc phòng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển.

Sáu là, tiếp tục phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chủ động, sáng tạo, cần kiệm lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG và TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ QĐND VIỆT NAM

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang