Bà Rịa - Vũng Tàu

Lan man làng cá

15:35 12-11-2021

VBĐVN.vn - Khi đi về phương Nam, những người lưu dân Việt xa quê không chỉ “gánh theo tên xã, tên làng trong những chuyến di dân” mà còn mang theo những nghề nghiệp truyền thống của người dân Việt, trong đó có nghề đánh bắt cá. Do đó, chính tại những vùng đất này, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu qua nhiều thế kỷ, lần lượt hình thành các làng cá truyền thống mang dấu ấn lưu dân.

Là một tỉnh nằm ở vùng miền Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có mặt phía nam giáp với Biển Đông. Đây chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông, với bờ biển dài trên 156km; là một huyện đảo có vùng đặc quyền kinh tế 297.000km2, vùng nước nội địa bao gồm trên 4.000 ha rừng ngập mặn. Với vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên thuận lợi, Bà Rịa-Vũng Tàu rất có điều kiện để phát triển kinh tế biển như công nghiệp dầu khí, các ngành công nghiệp, dịch vụ hàng hải, du lịch và thủy sản… Hiện nay, Bà Rịa -Vũng Tàu là một trung tâm nghề cá lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Lần giở những trang lịch sử để tự hào, chúng ta thấy: Vùng đất miền Nam đã thật sự thành hình trong lịch sử Việt Nam chỉ vào khoảng 400 năm, khi theo đường biển, các lưu dân Việt đến với nơi này . Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, cho đến lúc đó“đồng bằng sông Cửu Long chỉ là đầm lầy hôi thối, những bãi bùn rộng mênh mông với những cây đước”. Với địa thế có nhiều cửa sông, cảng biển, vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng trong toàn vùng. Các nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam cũng khẳng định: Từ cuối thế kỷ 16, một số người Việt rời quê hương đến vùng đất Mô Xoài –Bà Rịa làm ruộng, đánh cá... và chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi định cư lâu dài. Đó là những người Việt đầu tiên có mặt trên vùng Đồng Nai- Gia Định. Cùng các dân tộc bản địa đã có mặt trên vùng đất này, họ mở đầu cho công cuộc khai mở vùng đất phiá Nam cuả Tổ Quốc.

Khi hành phương Nam, những người lưu dân Việt xa quê không chỉgánh theo tên xã, tên làng trong những chuyến di dân mà còn mang theo những nghề nghiệp truyền thống của người dân Việt, trong đó có nghề đánh bắt cá. Do đó, chính tại những vùng đất này, qua nhiều thế kỷ, lần lượt hình thành các làng cá truyền thống mang dấu ấn lưu dân. Tính từ Đông sang Tây, ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu có những làng cá nổi tiếng lâu đời như Phước Hải, Long Hải, Phước Tỉnh, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam...

Những làng chài lâu đời với tàu thuyền đánh bắt cá đậu san sát là hình ảnh thường gặp ở Bà Rịa- Vũng Tàu

Trong số những làng cá lâu đời ở Bà Rịa - Vũng Tàu, làng cá Phước Hải (huyện Đất Đỏ) có lịch sử lâu đời nhất. Lịch sử hình thành Phước Hải được truyền đời qua câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1725 - 1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất hoang. Hiện nay dân Phước Hải tôn ông là Tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương khói quanh năm. Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Hằng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước lên xuống để đánh bắt tôm, cá. Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê - ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau này, cuộc sống của người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ. Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền được sáp nhập lại, gọi là Phước Hải thôn.

Làng chài Phước Hải

Tại Phước Hải còn có một nghĩa trang Cá ông voi lâu đời. Những nấm mồ nơi đây luôn được người dân vạn chài ngày đêm nhang khói. Và đây, Ngọc Lăng Nam Hải của vạn chài Phước Hải, một công trình kiến trúc được xem là nguy nga tráng lệ so với sự bình dị nghèo khó của một ngôi làng biển . Nơi chánh điện thờ Ông là bức di ảnh của một loài kình ngư, và trên bệ thờ là 3 pho tượng linh vật cá voi – loài kình ngạc to lớn nhất của đại dương. Những bức trướng hai bên chánh điện đã chỉ rõ đây chính là thủy thần của ngư dân – đấng mang lại điềm may mắn và an lành cho những chuyến xa khơi.

Và Ngọc Lăng Nam Hải được xem là nghĩa địa cá Ông lớn nhất Việt Nam với hàng trăm ngôi mộ được an táng. Đồng thời, nó cho thấy sự gắn bó lâu đời của người ngư dân Phước Hải với nghề biển.

Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho đời sống ngư dân Phước Hải ngày một khá lên. Ca dao Bà Rịa -Vũng Tàu cổ có câu:Ngó lên Đất đỏ làm cỏ cho quen/ Lưới Rê đi cưới một thiên cá mòi/ Không tin dỡ hộp ra coi/ Rau răm ở dưới cá mòi ở trênđể nói về sự trù phú của vùng biển này. Nước mắm và cá khô Phước Hải là hai sản phẩm nổi tiếng khắp vùng. Hiện nay, Phước Hải có hơn 2/3 dân số sống bằng nghề đánh bắt cá, 1/3 làm nghề nông và buôn bán. Đội tàu đánh cá của Phước Hải có hơn 680 chiếc, với tổng công suất hơn 143 ngàn mã lực, khai thác khoảng 40 ngàn tấn hải sản/năm. Trải qua không ít thăng trầm, nhưng những người ngư dân ở đây hàng ngày vẫn cần cù, gắn bó cùng nghề biển. Lúc biển yên thì ra khơi đánh bắt cá, khi biển động thì vá lưới, khai thác cá tôm ở những bãi biển gần bờ.

Thuyền thúng- Nét đặc sắc thường gặp ở vùng biển làng chài Phước Hải

Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhiều ngư dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu cho gia đình và quê hương từ chính nghề biển mà họ đã gắn bó. Đến thị trấn Phước Hải hôm nay, thay cho những ngôi nhà lá đơn sơ là những ngôi nhà cao tầng san sát và nhiều nhà hàng, quán sá sầm uất. Làng chài Phước Hải hôm nay không khác nào một khu phố nằm bên bờ biển xanh, với cảnh làm ăn, chợ búa nhộn nhịp, với những con người tần tảo sớm hôm với nghề biển.

Cách Phước Hải không xa là làng cá Phước Tỉnh, thuộc huyện Long Điền, cũng là làng cá hình thành từ rất sớm. Vị trí của xã như một hòn đảo nhỏ, 3 phía được bao quanh bởi sông và biển với chiều dài bờ biển trên 2,5km, chiều dài bờ sông khoảng 4km. Làng cá này nằm ở phía Đông Cửa Lấp, thuận lợi cho ghe tàu đánh cá ra vào và đỗ nghỉ. SáchĐại Nam nhất thống chí cho biết, từ thời Gia Long (1802-1820), người ta đã dựng Đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần.

Đất lành chim đậu, nếu như theo tài liệu địa bạ của người Pháp, năm 1900, Phước Tỉnh có hơn 1.600 người dân thì đến nay, đây đã là một vùng đông đúc với hơn 25 ngàn cư dân sống chủ yếu nhờ nghề đánh cá và các hoạt động dịch vụ trên bờ phục vụ nghề này. Cơ cấu kinh tế của Phước Tỉnh là ngư nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ. Trong đó mũi nhọn của xã là ngư nghiệp. Những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh đầu tư phát triển đối với nghề đánh bắt hải sản, tạo mọi điều kiện cho bà con ngư dân đầu tư đóng mới và hoán cải tàu thuyền, thay máy có công suất lớn và mua sắm các trang thiết bị khoa học kỹ thuật cao để phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ.

Đến cảng cá Phước Tỉnh hôm nay, lúc nào người ta cũng có thể thấy cảnh tàu thuyền ra vào, cảnh mua bán hải sản tấp nập. Số lượng tàu thuyền của xã Phước Tỉnh hiện có hơn một ngàn chiếc với công suất gần 128.000 mã lực, trong đó chủ yếu là tàu thuyền làm nghề giã cào, đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác hàng năm của Phước Tỉnh đạt khoảng 50.000 tấn hải sản các loại, trong đó có 14.000 tấn hải sản xuất khẩu có giá trị cao. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm của xã Phước Tỉnh khoảng 700USD. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế biển, Phước Tỉnh là một trong những làng cá lớn nhất và giàu có trong số các làng cá ở Nam bộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình thời tiết thất thường, nguồn hải sản ngày càng khan hiếm do nhiều năm thả nổi cho việc đánh bắt theo kiểu tận thu và giá xăng dầu tăng cao cũng gây không ít khó khăn cho người ngư dân nơi đây. Song, họ vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề .

Cũng như các làng cá lâu đời của Bà Rịa- Vũng Tàu, làng Tam Thắng xưa, nay thuộc TP. Vũng Tàu) có một đặc điểm là quá trình hình thành và phát triển gắn liền với quá trình tụ cư, trong đó chủ yếu là các quá trình di dân tự do từ các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ.

Tại ba ngôi làng tiền thân của Vũng Tàu, nay là làng cá Bến Đá- Bến Đình vẫn còn ba ngôi đình. Trong đó, đình làng Thắng Tam là biểu hiện đặc sắc của đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển. Theo truyền ngôn, Đình Thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng (1820 – 1840). Hiện nay, đình thần còn lưu giữ 2 đạo sắc của nhà Nguyễn phong cho các vị thần được thờ tại đình là Thiên YA Na, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Thượng Đẳng Thần, Cá Ông, Thuỷ Long Thần Nữ… Theo truyền thuyết, Đình Thần Thắng Tam thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng Thắng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Đầu đời vua Minh Mạng (1820), ba ông được phái đến Vũng Tàu trấn ải, lập đồn binh, dẹp yên nạn cướp biển. Từ chính sách “ngụ binh ư nông”, ba ông đội này lập ra ba làng (Tam Thắng) gồm: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam.

Truyền thống gắn bó với nghề biển vẫn được người dân ở đây phát huy đến hôm nay. Các làng cá Bến Đá-Bến Đình hiện vẫn đang có hàng ngàn tàu thuyền công suất lớn, ra khơi đánh bắt cá hàng ngày, là một địa bàn quan trọng trong lĩnh vực khai thác thủy sản của TP Vũng Tàu . Với lòng yêu nghề, bám biển của những người ngư dân, sự phát triển liên tục của những làng cá lâu đời đã đóng góp rất nhiều vào sự lớn mạnh của nghề cá tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm và có nhiều biện pháp để phát huy thế mạnh của các làng cá truyền thống.

Không chỉ có đóng góp lớn về kinh tế, truyền thống văn hóa của các cộng đồng ngư dân hội tụ về sinh sống ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã có tác động quan trọng trong việc hình thành các lễ hội cũng như nét văn hóa đặc trưng của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành một bản sắc văn hóa làng biển độc đáo của vùng biển Đông Nam Bộ.

Theo hoinhap.vietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang