Lan tỏa sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

22:14 04-03-2021

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 01) đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng tại các tỉnh, thành phố biên giới của cả nước. Các địa phương tiếp tục củng cố, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo trong nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hỗ trợ BĐBP hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Những năm trước đây, trong quá trình quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, như nhận thức về vị trí, vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tại một số địa phương còn hạn chế. Các phong trào, mô hình do nhân dân xây dựng hoạt động mang tính chất tự phát, thiếu đồng bộ và tính thống nhất cao...

Ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị sử dụng phương tiện cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP cứu nạn người trên biển. Ảnh: Viết Lam

Trong khi đó, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm trên các tuyến biên giới, biển, đảo của nước ta có diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do đó, việc phát huy, nâng cao sức mạnh toàn dân, đặc biệt là vai trò của nhân dân ở khu vực biên giới cùng với BĐBP triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết.

Chỉ thị 01 ra đời là bước phát triển mới, hoàn thiện và cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với các vấn đề có tính chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, là cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương tạo ra phong trào sâu rộng trên phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung của cấp ủy, điều hành của chính quyền các địa phương.

Ngay sau khi Chỉ thị 01 được ban hành, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch, tập huấn đưa nội dung của Chỉ thị 01 đi vào thực tiễn.

Hiện nay, các mô hình, phong trào như “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” không những được duy trì mà còn phát huy rất hiệu quả.

Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố biên giới của cả nước có 1.513 tổ tự quản/53.543 hộ gia đình và 96.079 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 4.201km đường biên giới, 3.160 mốc quốc giới, 111 công trình biên giới; 3.094 tổ tàu, thuyền đoàn kết, an toàn/22.547 tàu thuyền/80.959 thành viên vừa khai thác hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 14.822 tổ tự quản an ninh trật tự thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời thông tin cho lực lượng BĐBP, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật.

Trong 5 năm qua, có 69.214 lượt người dân biên giới tham gia 10.761 buổi/90.060 ngày công phát quang đường biên, đường tuần tra biên giới. Nhân dân ở khu vực biên giới, biển, đảo đã cung cấp cho BĐBP trên 60.140 thông tin có giá trị, kịp thời bắt, xử lý 54.314 vụ/90.062 đối tượng, tang vật thu giữ trên 16,85 tấn ma túy và tiền chất ma túy, 5.593 khẩu súng, 64 tấn thuốc nổ và nhiều tang vật có liên quan...

Bên cạnh đó, chính quyền, nhân dân địa phương ở khu vực biên giới cũng tích cực tham gia cùng BĐBP trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong 5 năm qua, đã có 39.589 lượt người dân biên giới sử dụng 14.750 lượt phương tiện cùng BĐBP tổ chức tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân dân trên địa bàn biên giới đã đồng hành, sát cánh cùng BĐBP trong việc kiểm soát chặt chẽ biên giới, đấu tranh với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, ngăn ngừa dịch lây lan qua biên giới vào nước ta. Nhân dân biên giới còn cho BĐBP mượn đất để dựng lán trại, lập các tổ, chốt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới.

Trên tinh thần của Chỉ thị 01, chính quyền địa phương các cấp, nhân dân khu vực biên giới đã sát cánh cùng BĐBP trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới. Đến nay, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho 21/25 UBND tỉnh, thành phố biên giới đất liền ký kết nghĩa 207 cụm dân cư biên giới (tuyến Việt Nam - Trung Quốc 59 cặp, Việt Nam - Lào 103 cặp và Việt Nam - Campuchia 45 cặp).

Đặc biệt, BĐBPAn kinh tế - xã hội; bàn giao 15 Nhà hữu nghị, 2 nhà văn hóa cộng đồng, 1 trường tiểu học cho phía bạn quản lý, khai thác, sử dụng. Trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các đơn vị BĐBP đang đỡ đầu 82 cháu học sinh người Lào, 102 cháu học sinh người Campuchia với kinh phí 500 nghìn đồng/cháu/tháng.

Việc chính quyền địa phương, nhân dân khu vực biên giới cùng BĐBP tham gia công tác đối ngoại đã góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển.

Theo bienphong.com.vn

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang