Lan tỏa ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

16:36 23-12-2021

VBĐVN.vn - Vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy cách làm hay, sáng tạo phù hợp với từng địa bàn, đối tượng là những dấu ấn nổi bật qua 3 năm thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, giai đoạn 2019-2023 của Vùng CSB 4, góp phần quan trọng đưa luật vào cuộc sống, lan tỏa ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền

Kể từ khi ban hành, Luật CSB Việt Nam được cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm, đặc biệt là ngư dân, bởi có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Vậy nên, mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Vùng CSB 4 đến tuyên truyền, bà con ngư dân luôn có mặt đông đủ. 8 chương, 41 điều trong Luật CSB Việt Nam được cán bộ Vùng CSB 4 phổ biến, lý giải cặn kẽ, đi sâu phân tích những điều luật gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của ngư dân.

Để có được những buổi tuyên truyền tập trung hiệu quả, Bộ tư lệnh (BTL) Vùng CSB 4 đã tổ chức biên soạn tài liệu đầy đủ nội dung, kết hợp hình ảnh trực quan, sinh động từ những câu chuyện người thật, việc thật.

Ngoài ra, đơn vị còn thành lập các tổ công tác trực tiếp đến gặp gỡ chủ phương tiện, thuyền viên, tuyên truyền bằng hình thức nói chuyện, phát tờ rơi, cấp sổ tay pháp luật với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho ngư dân.

Ông Đỗ Phú Tiến, ngư dân xã Thuận Hòa (An Minh, Kiên Giang) cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ CSB hướng dẫn rất chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu. Qua những buổi tuyên truyền về pháp luật giúp tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích để hỗ trợ cho quá trình làm ăn trên biển”.

Trong khi đề án đang được triển khai ở giai đoạn đầu thì năm 2020 dịch Covid-19 xuất hiện, công tác tuyên truyền Luật CSB Việt Nam vì thế cũng trở nên khó khăn hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Vùng CSB 4.

Để khắc phục, đơn vị đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thực hiện các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực; tập trung vào vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của lực lượng CSB; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phối hợp, hiệp đồng, giúp đỡ và xây dựng lực lượng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả các nhóm zalo, facebook... như các trang fanpage: “Trang tin BTL Vùng CSB 4”, “Đồng đội”, “Chiến sĩ Kiên Giang”, “Những người con của biển”... thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia, theo dõi, đăng tải, bình luận, chia sẻ, góp phần tuyên truyền hiệu quả Luật CSB Việt Nam trên không gian mạng.

Thượng tá Dương Xuân Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Vùng CSB 4 cho biết: “Sau 3 năm triển khai Luật CSB Việt Nam, đến nay Vùng CSB 4 đã tuyên truyền cho hơn 20.000 người, gần 2.000 phương tiện.

Ngoài ra, đơn vị chủ động in ấn hơn 7.500 tài liệu liên quan đến Luật CBS Việt Nam và các văn bản pháp luật khác; in ấn 37.500 tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)”.

Đồng hành cùng nhân dân đưa luật vào cuộc sống

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để đưa Luật CSB Việt Nam vào cuộc sống chính là đồng hành, hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn, kết hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của CSB.

Từ năm 2019 đến nay, BTL Vùng CSB 4 đã huy động hàng chục lượt phương tiện và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ ứng cứu ngư dân khi gặp sự cố về thiên tai; trường hợp đau ốm, hư hỏng tàu; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ người và tài sản khi ngư dân bị tội phạm tấn công và các hành vi xua đuổi, bắt giữ người trái pháp luật của tàu nước ngoài.

Đặc biệt thông qua Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, đơn vị còn khéo léo lồng ghép việc tuyên truyền về Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, Luật CSB Việt Nam, Luật Thủy sản... thông tin về tình hình chủ quyền biển, đảo và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển đảo... với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng. Qua đó góp phần đưa Luật CSB Việt Nam từng bước đi vào cuộc sống.

Ngư dân Đỗ Văn Kiệt, ở thị trấn Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, do dịch Covid-19 nên tàu cá phải nằm bờ dài ngày. Lực lượng CSB đã kịp thời chia sẻ, đến thăm hỏi, tặng quà, động viên ngư dân cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định đời sống.

“Thông qua chính quyền địa phương, CSB đã đến giúp đỡ, đồng thời tặng sách, tờ rơi tuyên truyền. Nhờ những tài liệu này mà trong thời gian tàu nằm bờ tôi có điều kiện tìm hiểu, nắm rõ các quy định để không vi phạm pháp luật trên biển cũng như có thêm thông tin về cách thức liên lạc, đề nghị hỗ trợ trong quá trình đánh bắt trên biển sau này”, ông Kiệt nói.

Thượng tá Lê Văn Tú, Phó chính ủy Vùng CSB4 cho biết: "Chúng tôi xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung quan trọng hàng đầu trong thực hiện chương trình, với mục đích nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo và những kiến thức cơ bản về pháp luật cho nhân dân.

Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã tổ chức 10 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” và 13 đợt tập trung tuyên truyền cho hơn 5.000 lượt chủ tàu cá, ngư dân, giáo viên, học sinh ở khu vực biên giới biển và tuyên truyền trực tiếp trên biển cho hơn 2.500 lượt phương tiện với hơn 15.000 thuyền viên, kết hợp phát hơn 25.000 tờ rơi, 1.800 sách và tập tài liệu tuyên truyền cho ngư dân...”.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang