Lão ngư đi đầu trong vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

10:59 10-01-2024

VBĐVN.vn - Ông Danh Phú, sinh năm 1958, là người dân tộc Khmer, ngụ tại số 70B, tổ 15, khu phố 3, phường Dương Đông, thành phố (TP) Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh TP Phú Quốc. Với hơn 30 năm tuổi Đảng, là chủ một doanh nghiệp nhỏ, ông đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào, thực hiện tốt các quy định của địa phương.

Ông còn vận động và tự nguyện hỗ trợ mỗi năm gần 500 triệu đồng cùng địa phương giúp đỡ nhiều hộ nghèo vươn khơi bám biển. Ông đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027.

Ông Danh Phú (ngồi giữa) cùng cán bộ Biên phòng tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: Tiến Vinh

Sinh ra và lớn lên trên đảo Phú Quốc, năm 1978, ông Danh Phú gia nhập Quân đội, công tác tại Huyện đội Phú Quốc. Năm 1983, ông xuất ngũ, trở về địa phương vừa làm nghề biển cùng cha mẹ, vừa tiếp tục tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Với bản tính cần cù, chịu khó, cộng với kinh nghiệm làm nghề biển của ông cha truyền lại, đời sống gia đình ông ngày một khấm khá. Sống có tình làng, nghĩa xóm, luôn thân ái giúp đỡ chòm xóm nên ông được mọi người tin yêu, quý mến, từ đó, những phần việc do ông phát động luôn được bà con hưởng ứng.

Thượng tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông chia sẻ: “Là một cựu chiến binh, người cao tuổi, có uy tín, chú Danh Phú luôn tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương và lực lượng biên phòng phát động. Trong đó, phải kể đến việc chú là người đứng ra vận động các doanh nghiệp, chủ tàu, dùng tiền của mình tham gia vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Được bà con tín nhiệm, chú đã cùng với lực lượng Biên phòng tuyên truyền, vận động mọi người bài trừ tệ nạn xã hội, phát động nhân dân giữ gìn an ninh xóm, ấp, khu dân cư...”.

Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ông Danh Phú đã bỏ tiền cá nhân mua hàng chục ngàn chiếc khẩu trang, hàng trăm chai nước sát khuẩn để tặng bà con trong khu phố và ngư phủ. Ông dùng phương tiện của mình ra khơi, phát khẩu trang, tặng nhu yếu phẩm, đồng thời kêu gọi bà con ngư dân tích cực chấp hành, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi Ủy ban châu Âu cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản của nước ta, ông Danh Phú đã phát huy tối đa vai trò của một người dân có trách nhiệm với biển, đảo quê hương. Theo đó, ông đã hỗ trợ 2 tàu tham gia lực lượng dân quân biển, 1 tàu cùng địa phương tham gia đội phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, 1 tàu cùng với lực lượng Biên phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân...

Ông Danh Phú (ngoài cùng, bên phải) phát tờ rơi tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt các quy định khi đánh bắt trên biển. Ảnh: Tiến Vinh

Với cương vị là Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn, Tổ đoàn kết trên biển, thành viên dân quân biển, ông Danh Phú đã phát huy vai trò của mình trong các cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên biển; tích cực cùng với chính quyền, đoàn thể, BĐBP tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cung như các văn bản luật như: Luật Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam. Ông đã đóng góp tiền hỗ trợ lực lượng biên phòng in hàng chục nghìn tờ rơi, mua hàng nghìn lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ để tặng ngư dân, kèm theo những lời động viên để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đánh bắt đúng quy định của pháp luật.

Với vai trò là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với những đóng góp đáng kể của mình vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chung tay bảo vệ biển, nhiều năm qua, ngư dân Danh Phú đã được chính quyền, đoàn thể các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, cùng rất nhiều giấy chứng nhận, danh hiệu các loại...

“Là một đảng viên, người cao tuổi, điều kiện kinh tế ổn định nên tôi muốn tham gia, đóng góp một chút kinh phí, sức lực vì cái chung. Xuất thân là một ngư dân, lớn lên từ biển, sống nhờ vào biển, tôi hiểu cái khó khăn, vất vả của bà con xứ biển, sống chủ yếu vào nghề biển. Do đó, tôi tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn tài nguyên biển với tất cả tấm lòng, để làm sao bà con ta vừa đánh bắt có thu nhập, vừa phải giữ gìn, bảo vệ bằng được nguồn sinh kế trên vùng biển Kiên Giang đang đứng trước nguy cơ suy kiệt. Cho dù việc làm này đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự kiên trì, nhưng tôi mong muốn ngư dân quyết tâm không khai thác hải sản trái pháp luật, nhất là không được vi phạm chủ quyền vùng biển các nước...” - ông Danh Phú chia sẻ.

Tiến Vinh (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang