Lễ hội cầu ngư tại vùng biển Quảng Nam
Theo nhiều người cao tuổi ở đây cho biết, hằng năm, vào những ngày đầu năm mới, làng Sâm Riêng (thôn Sâm Linh Tây) đều tổ chức lễ hội cầu ngư để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng và đánh bắt được nhiều hải sản…
Mở đầu phần lễ hội cầu ngư là lễ nghinh thần (rước thần) cá ông ở cửa biển An Hòa (thuộc xã Tam Quang). Kế theo đó là dâng hương và lễ cầu an đầu năm mới. Sau phần lễ, các ngư dân địa phương bắt đầu phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao.
Ngư dân Phạm Xuân Lệ (SN 1971, ở thôn Sâm Linh Tây, chủ tàu cá QNa 90315 TS, hành nghề lưới vây) bộc bạch, sau lễ cầu ngư đầu năm, ngày mai, tàu cá của tôi cùng 11 thuyền viên sẽ vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Để chuẩn bị chuyến ra khơi đầu năm mới 2020, tàu cá của ông Lệ đã tiếp bảy nghìn lít dầu, hơn 800 cây đá lạnh cùng nhiều nhu yếu phẩm khác, với tổng chi phí khoảng 140 triệu đồng.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang Phan Vĩnh Tiến, lễ hội cầu ngư đầu năm có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân và đã trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân ở làng chài này. Lễ hội cầu ngư đầu năm không chỉ cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều hải sản mà còn là dịp để các ngư dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và cùng sát cánh bên nhau trong quá trình vươn khơi, bám biển.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, xã Tam Quang hiện có hơn 170 tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên, thường ra khơi đánh bắt hải sản ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Trong năm 2019, sản lượng đánh bắt toàn xã đạt được hơn 18 nghìn tấn hải sản. Theo kế hoạch, trong năm 2020, ngư dân xã Tam Quang phấn đấu đánh bắt được 19 nghìn tấn hải sản các loại…
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận